Ca khúc 'Màu hoa đỏ' không hề bị 'cấm hát' nhưng...

24/03/2017 - 15:53

PNO - Giữa lúc vụ việc ca khúc "Màu hoa đỏ" bị cấm hát tại Tiền Giang đang gây xôn xao thì mới đây, một công văn được ký bởi ông Nguyễn Đức Đảm cho thấy vấn đề có thể nằm ở chuyện tác quyền.

Theo như văn bản mà báo Điện tử Phụ nữ tiếp nhận được bằng cách sao chụp thì ông Nguyễn Đức Đảm - giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang đã ký thêm văn bản khác vào ngày 16/3 để giải thích thêm vì sao có việc "cấm hát" ca khúc Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến khiến dư luận đang xôn xao.

Trong nội dung văn bản dài gần 1 trang A4, công văn có nhắc đến việc vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ của các đơn vị đang sử dụng ca khúc này. 

Ca khuc 'Mau hoa do' khong he bi 'cam hat' nhung...
Ca sĩ Trọng Tấn và Tùng Dương biểu diễn "Màu hoa đỏ" trong một chương trình nghệ thuật. 

Cụ thể, công văn viết: "Ngày 7.2.2017 Sở VHTTDL có ban hành Công văn số 120/SVHTTDLTTr về việc lưu hành, phổ biến các bài hát chưa được phép phê duyệt nội dung tại các cơ sở kinh doanh Karaoke. Có kèm theo danh mục các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 chưa được phép phổ biến, ca khúc có nội dung phản động, lồng ghép hình ảnh ca ngợi người lính Việt Nam Cộng hòa và người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ được phổ biến tại các cơ sở Karaoke. Trong đó có ca khúc "Màu hoa đỏ" của tác giả Thuận Yến, một ca khúc cách mạng nổi tiếng nhưng đã có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Nay Sở VHTTDL xin nói thêm ca khúc "Màu hoa đỏ" của tác giả Thuận Yến là một ca khúc cách mạng nổi tiếng đương nhiên được phép lưu hành, phổ biến không nằm trong danh mục những tác phẩm âm nhạc phải được cấp phép lưu hành phổ biến của Cục biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên qua thực tế kiểm tra tại các cơ sở Karaoke thì ca khúc "Màu hoa đỏ" đã có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ như không đóng tác quyền, không xin giấy phép biểu diễn. Đề nghị Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành thị tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm nói trên tại các cơ sở karaoke".

Như vậy, có thể tạm hiểu vấn đề mấu chốt khiến ca khúc Màu hoa đỏ bị cấm hát tại Tiền Giang là do đơn vị kinh doanh nhất là những đơn vị kinh doanh karaoke đã sử dụng những bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và những công văn trước đưa ra là nhằm kiểm tra, xử lý những vi phạm của các cơ sở kinh doanh karaoke này.

Mới đây, trả lời một tờ báo, ông Phạm Văn Trọng - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định việc Sở VHTTDL Tiền Giang cấm hát ca khúc Màu hoa đỏ là sai. Việc "cấm hát" này có thể là do sự hiểu lầm trong cách tiếp nhận truyền đạt và diễn đạt thành văn bản. 

Được biết, bên cạnh việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Sở VHTTDL Tiền Giang báo cáo thì UBND tỉnh này cũng đã yêu cầu Sở nhanh chóng làm giải trình đồng thời có văn bản điều chỉnh để xử lý vụ việc.

Quốc Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI