Âm nhạc luôn là một thông điệp - chưa bao giờ điều này rõ nét như với đợt tranh cử chiếc ghế tổng thống Mỹ vừa qua. Chỉ cần nhìn vào các bài hát mà hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden lựa chọn trong suốt chiến dịch của mình, có thể nhận diện được chính sách, quan điểm lẫn thái độ của từng người trong cuộc chạy đua tốn nhiều giấy mực nhất gần đây.
|
Clip: Tổng thống Trump nhảy trên nền ca khúc Y.M.C.A. gây sốt |
Vũ điệu của một thế hệ
Với nhiều người, khoảnh khắc nhún nhảy của Tổng thống Trump là đốm sáng hiếm hoi của chính trường Mỹ năm nay, khi nước Mỹ bị bao phủ bởi đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế và các cuộc biểu tình liên quan đến phân biệt chủng tộc, sau đó được bồi thêm những chia rẽ do quan điểm chính trị liên quan đến việc lựa chọn tổng thống tương lai. Những chỉ trích, bóc mẽ, thóa mạ nhau cùng những thông tin hạ bệ đối thủ của hai ứng cử viên tổng thống khiến nước Mỹ đang lao đao vì kinh tế nhuốm thêm một màu xám xịt. Một chút nào đó, âm thanh vui nhộn cộng với động tác cũng vui nhộn của một người đàn ông đã 74 tuổi khiến người ta dường như... yêu đời hơn.
Thực tế, Y.M.C.A. ở một khía cạnh nào đó, mang tinh thần đại diện cho tuổi trẻ Mỹ - một tuổi trẻ với những đặc tính ít nhiều đã bị lãng quên và cần được hồi sinh. Đó là sự tự do làm những gì mình mong muốn. Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, điệu disco vui nhộn này có mặt khắp các sự kiện mang tính tập thể. Ở đó, đám đông nhảy múa một cách đầy sảng khoái.
“Bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn/ Nè chàng trai trẻ kia, bạn có lắng nghe tôi không?/ Tôi nói, chàng trai trẻ kia ơi, bạn muốn trở thành người gì/ Tôi nói, chàng trai trẻ kia ơi, bạn có thể hiện thực giấc mơ của mình…”.
Với việc lựa chọn bài hát này để thực hiện vũ điệu “bá đạo”, cũng như bật lên vào cuối mỗi buổi diễn thuyết của hành trình tranh cử, Tổng thống Donald Trump cũng đem đến một hình ảnh khác so với đối thủ Biden: lạc quan, không xem các vấn đề là điều cần phải lo lắng ở mức cao (dù việc xem nhẹ dịch COVID-19 chính là đòn chí tử khiến ông đánh mất nhiều phiếu bầu của cử tri cực đoan - theo các chuyên gia phân tích). Hẳn nhiên, ông cũng muốn nói về sự tự do đang gây rất nhiều tranh cãi: mang khẩu trang hay không mang khẩu trang, giới nghiêm hay không giới nghiêm…
Không chỉ tạo nên cơn sốt tại Mỹ, Y.M.C.A. cũng đạt vị trí số một trong bảng xếp hạng âm nhạc nước Anh vào năm 1979. Đây là một trong số ít đĩa đơn có số lượng tiêu thụ hơn 10 triệu bản trên toàn cầu. Vào năm 2009, Y.M.C.A. lập kỷ lục Guinness thế giới với hơn 44.000 người nhảy theo Village People khi nhóm trình diễn bài hát tại Sun Bowl 2008 ở Texas. Y.M.C.A. cũng được xếp ở vị trí thứ bảy trong danh sách “100 bài hát khiêu vũ vĩ đại nhất thế kỷ XX”. |
Sau cú lắc người của Trump, bài hát trở nên hồi sinh sau 40 năm, leo lên và nằm chễm chệ top đầu các bảng xếp hạng âm nhạc như iTunes, Billboard... “Nhờ Trump mà ca khúc của chúng tôi trở lại các bảng xếp hạng. Cảm ơn Trump nhiều”, Victor Willis - cha đẻ ca khúc - viết trên trang cá nhân, dù trước đó cũng chính Victor Willis đã lên án việc Trump tự ý sử dụng các bài hát của nhóm trong chiến dịch tranh cử.
Không chỉ riêng Victor Willis, đại diện nhóm nhạc Village People cũng đưa ra trạng thái chung của toàn bộ thành viên nhóm: “Âm nhạc của chúng tôi mang tính phổ quát và chắc chắn mọi người đều có quyền nhảy Y.M.C.A., bất kể đảng phái chính trị của họ". Điều thú vị hơn cả, khi tiến hành bỏ phiếu, Victor Willis chọn… Biden. Có lẽ giống như điều ông đã nhận định, dù ca khúc được sử dụng cho mục đích gì đi nữa, tinh thần tự do của chính nó mới là điều cốt lõi nhất.
Ca khúc Y.M.C.A, nhóm nhạc Village People:
Nỗi oan “bài hát đồng tính”?
Theo các chuyên gia phân tích, mục đích sử dụng ca khúc Y.M.C.A. trong chiến dịch tranh cử của Trump lớn hơn nhiều so với việc mang đến một khoảnh khắc tươi sáng trong bức tranh xám. Đây là bài hát được Thư viện Quốc hội đưa vào kho lưu trữ với nhận định nó có tác động lớn đến người dân Mỹ. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng Trump và đội ngũ muốn nhắc lại nước Mỹ những năm 1980, với những sai lầm liên quan đến người da trắng, dị tính, đồng thời muốn tranh thủ sự ủng hộ của cử tri thuộc thế hệ trước, nhất là cộng đồng LGBTQ+ vốn nổi loạn, luôn phản kháng một cách khó kiểm soát.
Nhưng, đây có thật sự là bài hát của LGBTQ+?
Ra đời vào năm 1978, Y.M.C.A. (là viết tắt của chữ Young Men’s Christian Association - Hiệp hội Thanh niên Thiên chúa giáo) được gửi gắm cho nhóm nhạc Village People, vốn được định nghĩa ngắn gọn: “nhóm nhạc chuyên cho ra đời những bài hát có nhịp điệu dễ nghe, dễ thuộc, ca từ thường nhắm tới cộng đồng người đồng tính, kèm với trang phục biểu diễn màu mè, đặc trưng cho nhiều tầng lớp người Mỹ”. Village People khi đó định hình với thể loại disco, rock.
Cuối thập niên 70, tổ chức Young Men’s Christian Association đã xây dựng nhiều phòng trọ cho thuê giá rẻ ở các thành phố lớn để giúp thanh niên Mỹ từ nông thôn lên thành phố làm việc. Y.M.C.A. còn xây cất các phòng tập gym, hồ bơi, sân bóng rổ ở các thành phố lớn để kéo thanh niên vào những sinh hoạt vui chơi lành mạnh. |
Lúc trình diễn Y.M.C.A., mỗi thành viên của nhóm hóa trang thành một biểu tượng khác nhau: một người da đỏ thiểu số, một anh cao bồi, một viên cảnh sát, một chú thợ, một chiến binh và một người đồng tính. Đó là những thành phần phổ quát của xã hội Mỹ thời ấy. Tất cả cùng nhau lắc lư, đồng điệu, không khoảng cách hay e dè, tay đánh vần các ký tự Y.M.C.A. trong không trung với một tâm thế hướng về tự do, rũ bỏ mọi giới hạn và định kiến.
Không chỉ thế, lời bài hát còn đề cập cả đến vấn đề tình dục giữa những người đàn ông. Đó là lý do ngay từ khi ra đời cho đến nay, Y.M.C.A. được mặc định là bài hát tiêu biểu của thế giới LGBTQ+ (đồng tính, song tính, chuyển giới hoặc có xu hướng tính dục khác biệt, đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân). Dấu cộng thể hiện sự tồn tại đa dạng của các nhóm khác trong cộng đồng. Ngay khi ra mắt, bài hát lập tức leo lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng của Mỹ, trở thành hit đình đám nhất của Village People cho đến nay.
Tuy nhiên, lần đầu tiên đi ngược với khái niệm “tự do” của chính mình, việc ca khúc được xếp vào danh sách bài hát của cộng đồng LGBTQ+ vấp phải sự phản đối từ chính nhóm nhạc Village People. Trong một bài phỏng vấn, Victor Willis phẫn nộ: “Tôi có thể kiện bất cứ ai khi một mực khẳng định đây là ca khúc nói về tình dục. Thông điệp chúng tôi cao cả hơn, đó là: chúng ta hoàn toàn có thể làm những gì mình muốn”.
Dẫu có thế nào thì điệu disco phóng khoáng cũng đang trở lại, gợi nhớ về một giai đoạn nước Mỹ nhiều tự do và ít thực dụng. Mà, khi cái cũ càng gợi nhớ, cái mới với sự màu mè của các lý tưởng càng nổi lên, đầy bối rối. Để rồi, suy cho cùng, sự bối rối hay đấu tranh và mâu thuẫn lại cũng là một phạm trù của… tự do.
Hậu Phương