Việc đưa các ca khúc cũ (được phối mới) vào phim không chỉ lôi cuốn khán giả trẻ vì sự “lạ” mà còn thu hút cả những người đã gắn bó với những bài hát vang bóng một thời.
|
Sử dụng ca khúc Kim trong phân cảnh nhóm Ngựa hoang tập nhảy là điểm nhấn sáng tạo trong Tháng năm rực rỡ
|
Trong thắng lợi doanh thu 65 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày trình chiếu của bộ phim Việt hóa Tháng năm rực rỡ không thể không kể đến đóng góp của phần âm nhạc. Song song với mạch phim về tuổi trẻ và những ước mơ, hoài bão của sáu cô gái nhóm Ngựa hoang, nhạc sĩ Đức Trí đã kể thành công một câu chuyện bằng âm nhạc. Những bài hát anh chọn đều xuất hiện đúng thời điểm, giúp đẩy cao trào cảm xúc trong phim, nhất là những ca khúc cũ.
Không chỉ những bài hát thập niên 1970 hay 1990 mà những bản nhạc xưa hơn cũng được “khai quật” lại trên màn ảnh gần đây. Thằng cuội, sáng tác của nhạc sĩ Lê Thương, viết cách đây hơn 60 năm, là ca khúc chủ đề phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, bài dân ca Lý cây bông được sử dụng trong phim Mẹ chồng. |
Vết thù trên lưng ngựa hoang (sáng tác Phạm Duy và Ngọc Chánh) qua giọng ca của rocker Phạm Anh Khoa vang lên trong phân cảnh sáu cô gái quyết định gắn bó với nhau, đặt tên cho nhóm là Ngựa hoang và cảnh các cô nổi loạn ở đám biểu tình, thể hiện tinh thần dấn thân, mạnh mẽ của các cô gái trẻ.
Đó là ca khúc rộn rã Kim (Y Vũ) lúc các cô tập nhảy. Là bản Yêu (Văn Phụng) được nhân vật chính ngân nga dưới mưa. Hay là tình khúc Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên) được Đức Phúc cất lên gần cuối phim, trong cảnh nhân vật chính đi tìm gặp lại mối tình đầu.
Lý giải về việc chọn các bài hát thập niên 1970 để đưa vào phim, nhạc sĩ Đức Trí cho biết, vì đây là giai đoạn mà khái niệm “nhạc trẻ” bắt đầu trở nên quen thuộc, lan tỏa rộng rãi và thập niên này khá thịnh soul, rock - những dòng nhạc mang đầy năng lượng và sự nổi loạn của tuổi trẻ - đúng tinh thần mà bộ phim hướng tới.
Tháng năm rực rỡ đưa khán giả trở lại với âm nhạc thập niên 1970. Cô gái đến từ hôm qua chọn những ca khúc nhạc pop thập niên 1990-2000. Mở đầu phim là Phượng hồng của nhạc sĩ Vũ Hoàng, phổ thơ Đỗ Trung Quân, năm 1984, được xem như lời tỏ tình của bao thế hệ nam sinh ở tuổi chớm yêu.
|
Hiệu ứng của Cô Ba Sài Gòn có phần đóng góp của các ca khúc nhạc xưa |
Xuyên suốt mạch phim, phần âm nhạc do Nguyễn Hải Phong chọn lựa, với những bài hát gắn bó với lứa tuổi học trò thời ấy, như: Cô bé có chiếc răng khểnh, Tình thơ, Con gái bây giờ, Tình thôi xót xa… đã góp phần bộc lộ cảm xúc nhân vật, khiến người xem rưng rưng xúc động khi những giai điệu quen thuộc một thời ùa về. Khi phim Cô Ba Sài Gòn ra mắt, khán giả thích thú trước những bài hát mang đậm không khí màu sắc Sài Gòn: 60 năm cuộc đời, Một thoáng quê hương, Đêm đô thị hay Sài Gòn đẹp lắm.
Không gì thể hiện đúng tinh thần của một thời đại bằng phong cách âm nhạc thịnh hành và những ca khúc tiêu biểu cho giai đoạn đó, bên cạnh những kiến trúc, ngôn ngữ, trang phục
|
Tất nhiên, khi dùng những ca khúc cũ, các nhạc sĩ đã thay bản phối mới hoặc mời ca sĩ trẻ thể hiện. Cách làm thông minh này khiến người trẻ tò mò, thích thú vì sự mới mẻ, còn người cũ gặp lại những bâng khuâng, hoài niệm một thời.
Những ca từ mộc mạc, gần gũi với tuổi thơ mỗi người Việt - “Bóng trăng trắng ngà/ có cây đa to/ có thằng cuội già/ ôm một giấc mơ” của Thằng cuội như khoác lớp áo mới trong phim khi được thể hiện qua tiếng guitar nhẹ nhàng, sâu lắng, cùng giọng hát cảm xúc của Ngọc Hiển. Tương tự, Lý cây bông được phối theo phong cách trẻ trung, với chất giọng lơ lớ của cô nàng hot girl nổi tiếng ở Thái Lan - Pornnppan Pornpenpipat.
Trong Tháng năm rực rỡ, Niệm khúc cuối, qua chất giọng mộc mạc cùng lối hát như kể chuyện của Đức Phúc đã mang đến một hơi thở mới mẻ cho bản tình ca. Còn giọng hát trong veo của Hoàng Yến Chibi khiến khán giả nghe bài Yêu cảm nhận một tình yêu tinh khôi, trong trẻo khác hẳn tình yêu đầy chất tự sự, chiêm nghiệm của ca sĩ Tuấn Ngọc.
Ca khúc Thằng cuội trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh:
Bản phối mới Vết thù trên lưng ngựa hoang tuy nhẹ nhàng và mềm mại hơn, vẫn không làm mất đi sự tự do, phóng khoáng của tinh thần bài hát. Tình thôi xót xa được Ngô Kiến Huy hát vui tươi hơn, mang lại cho người xem cảm giác thoải mái hơn chứ không quá day dứt như khi Lam Trường hát. Ca khúc Người ta nói do Trúc Nhân thể hiện trong phim vẫn tạo cảm giác buồn man mác, nhưng là nỗi buồn nhẹ nhàng, không ủy mị như phần thể hiện của Ưng Hoàng Phúc.
Cùng với hình ảnh, âm thanh, âm nhạc đóng góp phần không nhỏ trong việc khơi gợi cảm xúc khán giả. Hồi sinh ca khúc cũ trên phim là lựa chọn sáng suốt, giúp ê-kíp không phải quá mất công tìm tòi, sáng tác mới mà chưa chắc đã được người nghe đón nhận, trong khi những bài nhạc cũ đều đã được thẩm định qua thời gian. Sự kết hợp giữa cái cũ mà mới, mới mà cũ dễ dàng mang đến sự đồng cảm và hấp dẫn những người đã quen với những bản nhạc xưa cho đến những người chưa bao giờ biết đến những bài hát đó.
Hương Nhu