Tối 10/10, Bảo Anh ra mắt sản phẩm âm nhạc mới. Trước đó, MV này được quảng bá với hashtag được viết tắt từ 3 chữ cái #NLD. Tên bài hát, sau đó, được hé lộ là Như lời đồn, sáng tác của Khắc Hưng.
Cách quảng bá gây tò mò này đã xuất hiện trước đó, khi Hương Tràm ra mắt MV Duyên mình lỡ. Nữ ca sĩ dùng hashtag #DML đầy ẩn ý để hút dư luận. Những cụm từ được viết tắt khiến khán giả liên tưởng đến nhiều tên gọi khác nhau, nhập nhằng giữa sự lành mạnh, dung tục.
MV Như lời đồn - Bảo Anh:
Ngoài hình thức viết tắt, một số tựa đề ca khúc khác cũng từng khiến dư luận xôn xao khi chỉ cần nói lái hoặc nói lệch đi sẽ cho ra những hàm nghĩa kém văn hóa như: Như cái lò (sáng tác Khắc Hưng, trình bày Sambi, Mr.A), Thu dẩm (sáng tác và trình bày LK)... Chỉ cần nói lái tên bài hát mới nhất của Bảo Anh, chắc chắn không ít người sẽ phải ngượng miệng.
Với sự phát triển của mạng xã hội và các công cụ số, hiệu ứng viral đóng vai trò quan trọng để một sản phẩm nghệ thuật được chú ý và lan tỏa mạnh. Chỉ cần đưa ra những cụm hashtag, từ, câu đúng luồng, đúng xu hướng, chưa bàn đến chất lượng, sản phẩm đã có thể được chú ý.
|
Hương Tràm quảng bá MV gây tò mò với tên #DML |
Đầu năm 2018, câu nói "Quan trọng là thần thái" trở thành trào lưu trên mạng xã hội. OnlyC, Karik cho ra đời ca khúc có tựa đề giống hệt, nhanh chóng kéo khán giả. Only C cũng từng sáng tác Yêu là tha thu, được lấy cảm hứng từ cách phát âm từ tattoo (hình xăm) của Sơn Tùng M-TP vào cuối năm 2016.
Mình thích thì mình yêu thôi - sáng tác của Dương Khắc Linh, được Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh trình bày cũng là sản phẩm ra đời dựa trên câu nói có tính viral của Sơn Tùng “Mình thích thì mình vẽ lên thôi”... Đây được xem như thành công bước đầu để sản phẩm tiếp cận khán giả. Vì thế, các ê-kíp sản xuất cũng nỗ lực không ngừng để tìm những cụm từ viral và phương thức quảng bá mới lạ để gây chú ý.
Bảo Anh, Hương Tràm hay một số trường hợp trước đó đã đạt được mục tiêu. Song những cụm từ trên đã dẫn khán giả đến những khái niệm mơ hồ về sự dung tục, theo kiểu muốn hiểu sao thì hiểu. Trong khi đó, những người khơi mào cho các suy tưởng đó lại gần như phủi bỏ trách nhiệm, bởi "ai nghĩ bậy người đó chịu".
#DML, #NLD, #NCL là những cụm từ dễ gây chú ý, nhưng yêu cầu đầu tiên của một sản phẩm nghệ thuật là phải đẹp và văn minh, từ nội dung đến hình thức. Nhạc sĩ và cả ca sĩ đang miệt mài chạy theo hiệu ứng viral, những tham vọng lớn về mặt truyền thông đã phần nào cho thấy sự cạn nghĩ về văn hóa. Đường dài của những tác phẩm mang vỏ bọc ăn xổi ở thì này sẽ tồn tại bao lâu khi qua thời, qua xu hướng?
|
Như cái lò từng gây xôn xao dư luận |
“Tôi đánh giá rất thấp những người đã mang trên vai tấm áo nghệ sĩ mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô tục trong những tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng nên hùa theo khán giả, vì nói thẳng, đại đa phần khán giả trẻ dân trí còn thấp. Nếu chúng ta cứ cười xuề xòa với những cái tên như thế rồi biện minh rằng “do mọi người nhạy cảm suy diễn chứ tôi chả ý gì” thì sớm muộn cũng sẽ nhan nhản có những bài có tựa đề kinh khủng hơn thế”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc.
Thực tế, những màn đánh đố, gây tò mò cho khán giả không phải lúc nào cũng thành công. Khắc Hưng hay Sambi, Mr. A biết rõ tựa đề ca khúc gây tranh cãi nhưng vẫn dửng dưng. Như cái lò được chú ý ban đầu nhưng thất bại nặng nề bởi ca từ nhàm chán, hình ảnh MV gây phản cảm, bị tẩy chay và là bước thụt lùi của Khắc Hưng sau một số ca khúc có tiếng trước đó.
|
Tóc Tiên với #CATENA |
Trong khi đó, #CATENA (tên viết tắt của Có ai thương em như anh của Tóc Tiên) lại tạo được thiện cảm khá tốt bởi nội dung lành mạnh. Khán giả tò mò về những điều đặc biệt, khác lạ, nhưng không thỏa hiệp với những gì kém văn minh. Một sản phẩm âm nhạc ra đời, ngoài tính giải trí, cần tôn vinh cái đẹp, chứ đừng biến thành những công cụ tranh cãi trên truyền thông, mạng xã hội.
Có nhiều bài hát đã tồn tại hàng chục năm qua với những tên gọi sạch sẽ, nội dung trực diện, rõ ràng. Ca từ, giai điệu đẹp đi kèm một tên gọi đẹp sẽ tạo thành một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, có sức sống dài lâu. Vậy cớ sao cứ phải giật gân, câu khách?
Thành Lâm