Ca khúc bị tạm dừng hay nỗi ám ảnh câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng?

13/03/2017 - 13:17

PNO - Cái quyết định “tạm dừng” không ghi rõ thời hạn bao lâu, càng khơi dậy nhiều sự hoang mang cho công chúng.

Dư luận một phen xôn xao khi Cục Nghệ thuật-Biểu diễn ra văn bản tạm dừng lưu hành 5 ca khúc “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).

Cả 5 ca khúc này đều sáng tác trước năm 1975 và đã từng được cấp phép biểu diễn suốt một thời gian dài. Cái quyết định “tạm dừng” không ghi rõ thời hạn bao lâu, càng khơi dậy nhiều sự hoang mang cho công chúng.

Ca khuc bi tam dung hay noi am anh cau hat ngan len bong tat nua chung?
 

Khi cấm một sản phẩm văn hóa nào đó, người ta thường đưa ra lý do “nhạy cảm” để hợp thức hóa mọi tâm lý ái ngại. Còn khi để “tạm dừng” một sản phẩm văn hóa nào đó, thì người ta soi xét đến hai yếu tố: nhân thân của tác giả và nội dung của tác phẩm. 

Chính ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật-Biểu diễn, khẳng định rằng cả 5 ca khúc trên đều không có vấn đề gì về tư tưởng, mà chủ yếu là lý do… kỹ thuật: “5 bài hát này dù được cấp phép lưu hành trước đó nhưng có lời không đúng với bản gốc. Và có những tác phẩm không đúng tác giả nên phải tạm dừng lưu hành để xác minh cho chuẩn”. Việc xác minh ấy dự kiến kéo dài trong mấy tháng hoặc mấy năm, thì lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn chưa trả lời được!

Trong 5 ca khúc bất ngờ bị “tạm dừng”, có thể thấy ngay bài hát “Đừng gọi anh bằng chú” đã nhầm lẫn tên tác giả. Không hiểu ai đã thay thế tác giả Anh Thy bằng tác giả… Diên An? Tuy nhiên, vấn đề nhầm lẫn không chỉ ở cái tên tác giả. Theo nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên: “Tôi đã từng xem nhiều danh sách các bài hát trước 1975 được phép sử dụng và nhận ra cách làm việc bất cẩn của Cục Nghệ thuật biểu diễn, vì có rất nhiều bài hát có sau 1975 và nhiều bài hát nước ngoài được nêu ra ở các văn bản này!”.

Trong 5 ca khúc mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa có công văn đề nghị tạm dừng cấp giấy phép trình diễn trên các sân khấu chính quy, thì “Con đường xưa em đi” là bài hát nổi tiếng nhất. Thử nhìn cận cảnh “Con đường xưa em đi” thì ít nhiều cũng thấy được số phận của bốn ca khúc kia. Được công bố lần đầu tiên vào năm 1968, “Con đường xưa em đi” với phần lời của Hồ Đình Phương và phần nhạc của Châu Kỳ, đã tồn tại như một tác phẩm bolero được yêu thích.

Ca khuc bi tam dung hay noi am anh cau hat ngan len bong tat nua chung?
Trung Quang và Phương Mỹ Chi hát "Con đường xưa em đi" trong chương trình Thần tượng bolero

Cả giai điệu và ca từ của “Con đường xưa em đi” không có gì xuất sắc, nhưng tình cảm dạt dào trong bài hát có khả năng khơi dậy sự đồng cảm của nhiều người ở nhiều lứa tuổi. Trước đây “Con đường xưa em đi” bị cấm, sau đó được hát lại một cách rầm rộ trên sân khấu lẫn truyền hình, và bây giờ thì lại bất ngờ "tạm dừng". Với một ca khúc, trói rồi thả, thả rồi tiếp tục trói, hoàn toàn không phải một cách khéo léo cần có ở những nhà quản lý văn hóa.

Ca khúc  “Con đường xưa em đi” có đoạn lâm ly “Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về, chiến trường anh bước đi. Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe, hỏi còn ai cố tri. Em ơi! Nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời. Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài”, đã gây thắc mắc "chiến trường đó là chiến trường gì?". Một ca khúc phải được đánh giá trên tổng thể một tác phẩm nghệ thuật tác động trực diện đến đời sống, chứ không thể căn cứ vào thái độ yêu ghét.

Ca khúc “Con đường xưa em đi” từng đưa thí sinh Ngô Trung Quang giành vị trí quán quân “Thần tượng bolero 2016”. Và khi “Thần tượng bolero 2017” vừa khởi động trên VTV3 thì “Con đường xưa em đi” lại… nghẽn lối. Mà trước đây, “Con đường xưa em đi” chả phải hát chui hát lậu, chả lẽ Cục Nghệ thuật-Biểu diễn không hay biết gì, đến hôm nay mới giật mình? Ôi, con đường xưa... ai đi mà kỳ lạ vậy, "hỏi còn ai cố tri"?

Nước ta đã có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN và Hiệp hội ghi âm Việt Nam, đồng thời cũng có Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN. Không lẽ các tổ chức này đều lơ ngơ về bản gốc và tác giả của các ca khúc quen thuộc trước năm 1975? 

Lê Thiếu Nhơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI