Đông lắm, sao mà nhớ được
Từ đầu hẻm 104 đường Tam Bình men theo con đường đất chừng một cây số là đến xóm, với xấp xỉ 20 mái nhà đơn sơ tựa vào nhau san sát. Bà Lý Thị Phôn (66 tuổi) ngồi lọt thỏm giữa tứ bề… rau muống, đôi tay thoăn thoắt nhặt từng cọng tuốt bỏ lá, giới thiệu mình là chị Hai của xóm này.
Theo bà Phôn, hơn mười năm trước, nơi đây còn hoang vắng, cỏ mọc lút đầu người. Bấy giờ, mười anh chị em của bà từ Sóc Trăng lên TPHCM mưu sinh bằng đủ nghề, thuê trọ, sống tản mác khắp thành phố. Những căn phòng trọ nhỏ xíu mà giá thuê và nhân khẩu của từng nhà thì… nở ra theo thời gian. “Ở quê mần ăn không được nên cả nhà mới kéo hết lên đây. Mà lên đây rồi, thấy anh chị em sao “chia lìa” quá, đứa đầu này đứa đầu kia mạnh ai nấy sống, tình cảm lạt nhách nên cái mong mỏi đoàn tụ cứ quấn lấy tui” - bà Phôn chia sẻ.
|
Thanh niên trong xóm gắn bó với nghề bào bông chuối cho chợ đầu mối |
Rồi bà Phôn may mắn gặp được người chủ đất tốt bụng, cho thuê lại mảnh đất rộng hơn 1.000 mét vuông này. Bà rủ anh chị em cùng lập nhà, dựng thành xóm nhà lá. Tiền thuê đất trả theo năm, chia đều trên từng nhà. Từ ba, bốn nóc nhà của hơn mười năm trước; nay xóm nhà lá… nở thành 19, 20 nóc nhà. “Tụi con nít ở đây lớn nhanh như cỏ mọc, lập gia đình rồi cũng không chịu đi đâu, thích thì sống chung với cha mẹ, không thích thì “tách hộ” ra dựng nóc nhà khác” - bà Phôn cười khà khà.
“Hiện gia đình lớn của mình có tổng bao nhiêu người vậy cô?” - tôi hỏi. Chừng như bất ngờ, bà Phôn ngưng tay, sững mấy giây rồi phì cười: “Trời, đông lắm, sao mà nhớ được!”.
Ngồi sát bên, bà Liên - em gái bà Phôn - cũng bật cười thành tiếng: “Hỏi khó quá, ai ở đây mà nhớ được… chết liền!”. Chị Nhi - con dâu bà Phôn - lẩm nhẩm, quả quyết: “Chừng trăm mấy chứ không nhiều đâu”. Dù vậy, khi tôi hỏi lại “là khoảng trăm mấy?”, chị Nhi cười trừ, lắc đầu liên tục. Theo chị, muốn có con số chính xác, phải hỏi người chủ đất; do mấy lần người này vào xóm đưa một cuốn sổ để điểm danh đi đăng ký tạm trú.
Bà Phôn dặn thêm, nếu lấy được con số nhân khẩu đại gia đình bà thì nhớ… cộng thêm hai người. Năm ngoái, TPHCM đón làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, gia đình ba thành viên người em thứ chín của bà Phôn - vốn có nhà nơi khác - đều nhiễm bệnh, đi cách ly. Cô con gái 23 tuổi qua đời sau một tuần điều trị.
“Vợ chồng nhỏ em tui buồn lắm nên bán nhà rồi vô đây sống với mọi người luôn. Tội, tụi nó chỉ có một đứa con. Con nhỏ đẹp lắm! Tụi tui mới làm giỗ giáp năm cho nó tuần rồi nè” - bà Phôn chia sẻ.
|
Xóm nhỏ với 19, 20 nóc nhà nằm yên bình bên mé rạch Gò Dưa |
Sống "hơi nghèo", nhưng... kệ!
Sau lưng bà Phôn, con rạch đang mùa cạn nước, mấy chiếc xuồng nằm chỏng chơ đón nắng. Đám rau muống dọc bờ kênh xanh mướt là nguồn sống quanh năm của đại gia đình xóm nhỏ. Theo bà Phôn, đàn bà trong xóm chủ yếu làm nghề hái và tuốt lá rau muống; đàn ông làm… thợ đụng hoặc bào bông chuối cho chợ đầu mối. Thêm mấy người làm công nhân, lương bổng ổn định hơn. Những ngày nước kênh đầy, họ rủ nhau giăng lưới bắt cá, lớp dành ăn, lớp phân công một, hai người đem ra chợ bán, mua gạo về chia cho từng hộ.
“Sống có hơi nghèo, nhưng kệ, miễn thoải mái tâm lý” - bà Phôn lại bật cười sảng khoái. Bà dẫn chứng, trước kia con dâu bà làm công nhân một công ty may mặc; sau thấy áp lực, giờ giấc khó chăm sóc gia đình nên nghỉ việc, đi hái và tuốt lá rau muống cùng bà. Cuộc sống đắp đổi qua ngày nên chuyện tương lai hiếm khi họ nghĩ đến. Với họ, hạnh phúc nhất là trong hiện tại được tận hưởng khoảng không gian thoáng mát, yên tĩnh, thanh bình, nuôi mấy chục con gà thả vườn không sợ ai bắt trộm và có “sân chơi” cho bọn trẻ. Thỉnh thoảng cuối tuần, cả xóm quây quần, nấu món gì đó thật ngon, nhấm nháp chút đỉnh bia và hàn huyên đủ chuyện.
|
Bà Lý Thị Phôn - “chị Hai” của xóm nhà lá |
Bà Liên hồ hởi khoe người con dâu tên Quỳnh, quê Phú Yên, cũng rất biết “nhập gia tùy tục”. Năm đó, con trai bà đi làm công nhân, gặp và yêu Quỳnh. Cô gái theo người yêu về sống với gia đình. Không lâu sau, ba má Quỳnh biết chuyện, đặt vấn đề cho đôi trẻ cưới xin. “Lúc đó tui hoảng lắm, tui kêu chưa chuẩn bị gì cả mà cưới xin gì. Vậy nhưng bên kia hối, nói không cần cho gì, mạnh bên nào bên nấy lo cho hai đứa cái đám cưới là được. Họ dễ thương và cũng không nặng nhẹ chuyện hồi môn” - bà Liên kể.
Đám cưới gọn gàng, đơn sơ. Bà Liên gom góp tiền, mượn thêm anh chị em đi sắm đôi bông tai năm phân vàng làm quà tặng con dâu. Trong mắt bà, người con dâu này giỏi giang, còn sanh được cho bà hai đứa cháu đẹp như thiên thần. Bà nói: “Con dâu tui, người không cao ráo, nhưng xinh lắm. Hai đứa con của nó đứa nào đứa nấy trắng trẻo, đẹp lắm”. Các con sống với nhau đã tám năm, bà vui khi chưa từng nghe chúng lời qua tiếng lại. Theo bà, cái nếp… “chung sống để lo mà làm ăn, nghèo khó cãi nhau chi, cãi mà giàu được thì hẵng cãi” của vợ chồng chị Quỳnh cũng là nếp sống chung của tất cả các đôi, các gia đình lớn, nhỏ của xóm nhà lá này.
Niềm tự hào của bà Liên còn là cô cháu gái Nguyễn Nhật Thy, con gái đầu của chị Quỳnh, đang học lớp Hai Trường tiểu học Thái Văn Lung (TP.Thủ Đức, TPHCM). Bà Liên khoe: “Nó học giỏi, nhận nhiều bằng khen lắm! Xóm này học hành cao hay không giờ phải chờ coi con nhỏ đó quyết định thế nào nay mai thôi”.
Bởi, có một… truyền thống của đại gia đình họ là không ai học qua lớp Bảy. Lũ trẻ lớn lên, học được bao nhiêu thì học, chán thì đi làm thợ may, tuốt rau hay ai kêu gì làm nấy, miễn… vui.
|
Một người em dâu của bà Phôn cũng mưu sinh bằng nghề hái và tuốt lá rau muống |
Bồi hồi nỗi nhớ quê
Mấy lần, chị em bà Phôn tự nhận mình như sống giữa chốn… thâm sơn cùng cốc. Hơn mười năm, họ hiếm khi rời xóm. Phần vì lớn tuổi, phần vì không biết chạy xe máy nên các “giao dịch” với… thế giới bên ngoài do con cháu đảm nhận. Như chồng chị Nhi gom rau muống đã được tuốt sạch lá cho các mối quen, bọn trẻ làm công nhân thường được gửi đi chợ giùm lúc tan ca…
Dù vui và bằng lòng với cuộc sống hiện tại, vẫn có một điều khiến anh chị em bà Phôn canh cánh trong lòng là nỗi nhớ quê. Bà Phôn thở dài: “Quê mà, dễ gì quên nổi. Làm ít tiền nên lâu lắm tụi tui mới về thăm một lần; chủ yếu ghé mộ ông bà, tổ tiên thắp nhang, thăm bà con dòng họ chút đỉnh rồi đi chứ đâu còn nhà cửa ở dưới, sập hết trơn”. Mấy hôm nay, câu chuyện nhớ quê lại làm bà Phôn thổn thức, vì cụ Sện (86 tuổi), mẹ bà, cứ nằng nặc đòi về quê sống… một mình.
“Má tui dạo này hay hờn con cháu nên nói vậy thôi. Chứ giờ ăn uống cũng phải có người đút mà hở ra là giận hờn rồi cứ muốn mình ên về quê sống vậy đó” - bà Phôn cười.
|
Chị Nhi - con dâu bà Phôn - trước căn nhà lá rộng chừng 30m2 có giá thuê 6 triệu đồng/năm của mình |
Nhưng, rất nhanh, bà cúi đầu như nói với chính mình: “Cũng không biết được… người già thì hay nhớ quê, má tui lên thành phố hơn mười năm mà số lần về quê đếm trên đầu ngón tay”. Cụ Sện hiện đang ở chung với người con trai út. Sau lần bị tai biến cách đây mấy năm, đi đứng khó khăn, cụ trở nên như con nít, hay lẫy, hờn cháu con. Cần cái ly nhưng… nhờ con lấy cái dĩa, con mang cho cái dĩa thì dỗi hờn. Người già, có ai lại không vậy!
Sực nhớ ra điều gì, bà Phôn ngẩng mặt, cười hồn nhiên: “Giờ tui mơ trúng số, tui đưa cả nhà về quê, chia mỗi hộ vài chục triệu đồng để có vốn làm ăn”.
Tuyết Dân