Ca hiếm: Bé sinh non nặng 950g phát triển bình thường

26/03/2018 - 07:00

PNO - Sau hai tháng chăm sóc, điều trị tích cực, bé trai sinh non 26 tuần, chỉ nặng 950g đã phát triển rất tốt. Đây là một trường hợp hiếm gặp.

“Ngày 7/1, vợ tôi đã sinh thường một bé trai nặng chỉ 950g. Nhìn bé, vợ chồng tôi rất đau xót. Con nhỏ xíu, nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay, tiếng khóc yếu ớt và mắt thì nhắm nghiền. Khi đó, vợ chồng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất”, anh Hoàng Xuân Hai (37 tuổi, ở xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) - là cha của bé, nhớ lại.

Anh Hai kể: “Vợ tôi mới mang thai 26 tuần bỗng bị đau bụng, ra huyết, thai gò và muốn rặn đẻ nên tôi đưa vào Bệnh viện Hạnh Phúc”. Tại đây, ngay sau khi sinh, bé được hỗ trợ thở áp lực dương liên tục qua đường mũi (CPAP) ngay tại phòng sinh và được đưa qua phòng Hồi sức sơ sinh. Bé được nằm lồng ấp, tiếp tục thở CPAP để điều trị suy hô hấp, tránh hạ thân nhiệt. 

Ca hiem: Be sinh non nang 950g phat trien binh thuong
Bé Tiến Chí được mẹ cho da kề da trong ngày tái khám 22/3

Do được chăm sóc tích cực ngay từ đầu: được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch trung tâm catheter, nằm trong lồng ấp và thở áp lực dương liên tục nên bé Tiến Chí đã làm nên kỳ tích: không bị nhiễm trùng huyết - nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ sinh non. Trong điều trị, bác sĩ chỉ dùng những kỹ thuật ít xâm lấn; không bị ảnh hưởng thính lực; đặc biệt là không phải dùng kháng sinh nên bé phát triển rất tốt và tự thở sớm (21 ngày).

Điều may mắn là bé không bị bất kỳ biến chứng, di chứng nào của trẻ sinh non. Bé đã được xuất viện về nhà vào giữa tháng 3/2018, nặng  2,2kg. Đến ngày 22/3, quay lại tái khám thì bé đạt cân nặng 2.540g, bú rất tốt và các chỉ số về tim mạch, não, thị giác, thính giác… đều bình thường. 

TS-BS Cam Ngọc Phượng - Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc - cho biết: “Trẻ sinh non, nhẹ cân phải đối mặt với nhiều nguy cơ như suy hô hấp, bại não, xuất huyết não, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, bệnh tim mạch, viêm ruột… Việc chăm sóc bé tích cực phải thực hiện ngay từ đầu - lúc vừa lọt lòng - chứ không phải đợi đưa về phòng Hồi sức sơ sinh.

Vì khi được thở CPAP, phổi của bé sẽ được nở ra (bé sinh non thường bị xẹp phổi - nếu thở ô-xy thông thường, vừa không có áp lực giúp nở phổi, vừa bị dư ô-xy) có thể dẫn đến suy hô hấp, biến chứng mù mắt do thừa ô-xy… Do vậy, có trẻ sinh non còn bình thường, nhưng khi chuyển từ bệnh viện tỉnh lên đến bệnh viện thành phố đã bị tím tái, suy hô hấp… Thậm chí, chỉ mới di chuyển vài trăm mét đã có thể xảy ra tình trạng xấu hơn”. 

Về chăm sóc trẻ sinh non tại nhà, TS-BS Phượng khuyến cáo: “Cần giữ ấm cho bé, nên tiếp tục da kề da, giữ vệ sinh: rửa tay những người chăm sóc bé, không cho những người đang bị cảm, ho… đến gần bé, hạn chế người thân hôn mặt bé - vì có thể làm lây nhiễm mầm bệnh qua bé. Bên cạnh đó, cần theo dõi những dấu hiệu bất thường của bé như: bú giảm 50% so với bình thường, hoặc ọc nhiều, chướng bụng và phải theo dõi nhịp thở, vì trẻ sinh non thường hay bị ngưng thở”.

Sinh non rất thường gặp ở thai phụ và có những nguyên nhân có thể kiểm soát được như: dinh dưỡng cân đối và đầy đủ, kiểm soát đường huyết, đi lại nhẹ nhàng,  không làm việc nặng nhọc. Với trường hợp sinh non của chị Thương - theo vợ chồng chị thì do chị làm việc quá nặng nhọc. Chị làm nghề mua bán quần áo, mùa tết phải liên tục đi lấy hàng, khiêng hàng… Còn theo TS-BS Phượng, ngoài nguyên nhân làm nặng, còn có thể do viêm nhiễm phụ khoa. Vì vậy, chị em khi mắc bệnh này cần phải điều trị dứt điểm, không nên chủ quan. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI