Cả hẻm cùng làm tình nguyện viên

21/09/2021 - 06:13

PNO - Nhiều ngày qua, cư dân hẻm 258 Dương Bá Trạc, P.2, Q.8, TP.HCM đã hình thành đội tình nguyện để hỗ trợ địa phương làm tốt công tác chăm lo...

Ban đầu, họ chỉ “tham gia cho vui”, để hỗ trợ nhau trong những ngày phong tỏa. Nhưng khi đã thấy ý nghĩa việc làm của mình, cư dân hẻm 258 Dương Bá Trạc, P.2, Q.8, TP.HCM đã hình thành đội tình nguyện để hỗ trợ địa phương làm tốt công tác chăm lo trong dịch COVID-19.

Đội tình nguyện của hẻm
“Ra nhận quà hỗ trợ nè chị ơi!” - anh Nguyễn Tấn Thành gọi cửa một nhà F0. Cửa mở, anh đặt gói quà trước cửa rồi dời bước. Trong những ngày qua, anh đã đi gọi cửa hơn 300 ngôi nhà. Anh nói, nếu ngại bệnh mà né những nhà F0 sẽ dễ làm người ta bị tổn thương. Với việc đang làm, anh hy vọng sẽ mang lại chút ấm áp đối với những người không may.

Từ giữa tháng Bảy, anh Thành trở thành cánh tay đắc lực của UBND P.2, Q.8 trong việc tiếp nhận thực phẩm, hỗ trợ bếp ăn, vận chuyển suất ăn; tiếp nhận hàng hóa, phân chia và chuyển đến từng nhà, từng người trong các khu cách ly, phong tỏa… Trước đó, anh Thành làm nghề mua bán phế liệu, sáng đi tối về, không có thời gian quan tâm đến chuyện gì khác ngoài mưu sinh. 

Giống như anh Thành, chị Trương Nữ Thu Hằng cũng miệt mài với công tác tình nguyện kể từ ngày 10/7. Chồng mất, một mình chị Hằng làm lụng nuôi hai con nhỏ. Mang ơn hàng xóm và nhiều nhà hảo tâm đã chăm lo cho bà con trong những ngày hẻm của chị ở bị cách ly, nên sau khi hẻm được dỡ phong tỏa, chị gửi hai đứa con cho bà nội để có thời gian tham gia các công việc thiện nguyện tại địa phương. Việc nào chị cũng nhận làm một cách vui vẻ.

Đội tình nguyện hẻm 258 hỗ trợ UBND phường tiếp nhận và phân chia 25 tấn gạo trong đêm
Đội tình nguyện hẻm 258 hỗ trợ UBND phường tiếp nhận và phân chia 25 tấn gạo trong đêm

Nhưng không chỉ có anh Thành và chị Hằng, ở hẻm 258 Dương Bá Trạc, P.2, Q.8, có hẳn một đội tình nguyện với 32 thành viên (11 nữ và 21 nam) thường trực. Họ tham gia mọi công việc như nấu ăn, chuyển suất ăn để tiếp dưỡng cho các y, bác sĩ; tiếp nhận, tiếp vận hàng hóa… Có hôm, chỉ trong buổi tối, họ đã cùng nhau xuống 25 tấn gạo, rồi phân chia gạo ra từng bao 5kg. Hôm khác, hàng ngàn trứng gà về đến nơi sau chặng đường dài, nhiều trứng bị nứt bể, bốc mùi, đội tình nguyện lại tập trung xử lý sạch sẽ, cho vào từng vỉ, phơi khô trước khi mang cho bà con.

Đội tình nguyện hẻm 528 Dương Bá Trạc, P.2, Q.8 hình thành sau ngày 10/7 - thời điểm hẻm được dỡ bỏ phong tỏa.

Những chuyện ấm áp tình người

Chẳng là vào ngày 25/6, 100 hộ dân với tổng cộng 350 nhân khẩu của hẻm 258 Dương Bá Trạc, P.2, Q.8 bất ngờ bị “nhốt” vì trong hẻm xuất hiện ca dương tính đầu tiên. Trước sự việc đột ngột ấy, chị Dương Quỳnh Châu - Chủ tịch Hội LHPN P.2, Q.8, cũng là cư dân trong hẻm - đã nhanh chóng kết nối với các nhà hảo tâm nhờ hỗ trợ cho cư dân của hẻm trong những ngày đầu. Sau khi bà con đã ổn định tinh thần, chị Châu bắt đầu chuyển sang vận động những người dân có điều kiện kinh tế ngay trong hẻm cùng giúp đỡ chăm lo cho những bà con khó khăn hơn. Các chị Nguyễn Ngọc Bích, Lê Thị Thảo “mở hàng”, ủng hộ liền 300 cái bánh bao cho cả hẻm ăn sáng. Ngày hôm sau, gia đình anh Nguyễn Đức Hiền góp phần bằng 400 hộp xôi. Rồi gia đình chị Dương Phương Khanh ủng hộ 300kg chả cá; gia đình anh Dương Tấn Trọng hỗ trợ 300 suất bún bò; chị Phượng và chị Thu chung nhau tặng cả xóm 100kg thịt heo... Gia đình chị Thạch Thị Hoa, một người dân của hẻm đã đi định cư nước ngoài, cũng chuyển về 1.200 USD hỗ trợ những bà con khó khăn trong hẻm. 

Cảm kích trước những tấm lòng, cư dân trong hẻm bàn nhau lập ra đội tình nguyện để tự hỗ trợ cho nhau, trước mắt là tổ chức nấu những suất ăn hỗ trợ thay cho việc phải mua từ bên ngoài. Vậy là những bữa ăn sáng san sẻ tình thương được hẻm tự tổ chức đã dần dà kết nối tình làng nghĩa xóm. Sự ấm áp đó, hẻm 258 còn dành cho anh Bình, là người thuê trọ trong hẻm không may trở thành F0, phải đi cách ly tập trung cùng hai con nhỏ. Vợ mất, anh Bình sống cảnh “gà trống nuôi con”, làm ngày nào xào ngày đó, khi phải đi cách ly trong nhà không có nguồn dự trữ. Biết anh Bình cần sữa cho con, chị Châu đã nhắn tin vào nhóm chát. Thế là bà con mỗi người góp vài lốc sữa thành một thùng sữa đủ loại để tặng con anh Bình. Ngoài sữa, bà con trong hẻm còn gom góp biết bao “tình thương” khác để chia sẻ, động viên cha con anh Bình yên tâm đi cách ly chữa bệnh. 

 “Nói thật là tình làng nghĩa xóm chưa bao giờ đậm đà như thế. Chỉ cần hô lên một tiếng là bà con hỗ trợ nhau ngay, không toan tính thiệt hơn” - chị Quỳnh Châu tâm sự. Chị Châu còn cho biết thêm, trong hẻm dân nhập cư khá nhiều. Bình thường, ai lo việc người nấy chứ chẳng ai giao tiếp với ai. Vậy mà sau đợt phong tỏa, họ trở nên thân quen, gặp nhau là cười nói. Với những gia đình F0 phải đi cách ly, bà con tự nhắc nhau coi ngó nhà cửa giúp họ, thậm chí bắt ống nước sang nhà hàng xóm để tưới cây giúp. Ngày F0 hết bệnh trở về, hàng xóm hai bên ra đứng trước nhà vỗ tay chào đón. Hành động đó khiến người bệnh quên đi mặc cảm. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI