Ca ghép gan lợn biến đổi gen sang người đầu tiên trên thế giới

27/03/2025 - 11:57

PNO - Các bác sĩ ở Trung Quốc đã trở thành những người đầu tiên báo cáo chi tiết về ca cấy ghép gan lợn biến đổi gen sang người.

Nhóm phẫu thuật tại Bệnh viện Xijing đang cấy ghép gan lợn biến đổi gen vào người trong một ca phẫu thuật kéo dài chín giờ
Nhóm phẫu thuật tại Bệnh viện Xijing đang cấy ghép gan lợn biến đổi gen vào người trong một ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ

Các nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng gan lấy từ một con lợn Bama 7 tháng tuổi đã được biến đổi gen để giảm nguy cơ đào thải.

Sau khi lấy ra khỏi cơ thể lợn, gan được giữ "sống" bằng dung dịch y tế và làm lạnh đến 0-4oC.

Trong ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ, người nhận - một người đàn ông 50 tuổi đã chết lâm sàng - được gia đình cho phép thực hiện ca phẫu thuật thử nghiệm - đã được khâu gan hiến tặng vào các mạch máu ở bụng bên cạnh gan của chính mình.

Trong 10 ngày tiếp theo, gan ghép đã sản xuất mật thành công và duy trì lưu lượng máu ổn định.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng thay vì là giải pháp lâu dài, quy trình của họ một ngày nào đó có thể được sử dụng như phương pháp điều trị tạm thời cho những bệnh nhân suy gan trong khi họ chờ người hiến tặng.

Thông báo này được đưa ra sau một loạt các đột phá gần đây, bao gồm việc cấy ghép tim lợn cho một người đàn ông và một người phụ nữ hiện đang sống bằng thận lợn.

Giáo sư Lin Wang - một trong những tác giả của nghiên cứu đến từ Đại học Quân y số 4 ở Tây An - cho biết: "Gan lấy từ lợn biến đổi gen hoạt động rất tốt trong cơ thể người. Đây là một thành tựu to lớn. Ca phẫu thuật này thực sự thành công. Chúng tôi đã kiểm tra lưu lượng máu trong các mạch máu và động mạch khác nhau. Lưu lượng máu rất đều. Nó hoạt động rất tốt".

Thí nghiệm đã bị chấm dứt sau 10 ngày do yêu cầu của gia đình bệnh nhân.

Con lợn Bama thu nhỏ bảy tháng tuổi đã được biến đổi gen để giảm nguy cơ bị đào thải
Con lợn Bama 7 tháng tuổi đã được biến đổi gen để giảm nguy cơ bị đào thải

Những phát hiện được công bố trên tạp chí Nature cho thấy, gan được biến đổi có thể tồn tại và hoạt động trong cơ thể con người, nhưng cần nghiên cứu thêm về kết quả lâu dài.

Giáo sư Wang cho biết thêm: "Trong tương lai, chúng ta có cơ hội giải quyết vấn đề của bệnh nhân bị suy gan nặng. Ứớc mơ của chúng tôi là thực hiện được thành tựu này. Gan lợn có thể sống cùng với gan gốc của con người và có thể nó sẽ hỗ trợ thêm cho gan người".

Ông cũng bày tỏ mong muốn tiến hành thêm nghiên cứu về con người sống, không chết não trong tương lai, nhưng nhấn mạnh sự phức tạp xung quanh vấn đề này.

Đầu năm nay, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia đã ghép nối một người đã chết lâm sàng với gan lợn biến đổi gen nằm bên ngoài cơ thể họ.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên gan lợn được ghép cho người.

Rafael Matesanz - người sáng lập Tổ chức Cấy ghép Quốc gia Tây Ban Nha - cho biết: "Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới cấy ghép gan lợn biến đổi gen cho người chết não.

 Vào năm 2022, lần đầu tiên trong y khoa, các bác sĩ đã cấy ghép một quả tim lợn vào một bệnh nhân trong nỗ lực cuối cùng để cứu sống anh ta
Vào năm 2022, lần đầu tiên trong y khoa, các bác sĩ đã cấy ghép một quả tim lợn vào một bệnh nhân trong nỗ lực cuối cùng để cứu sống anh ta

Mục tiêu cuối cùng của thí nghiệm không phải là đạt được ca ghép gan tiêu chuẩn, mà đóng vai trò là 'cơ quan cầu nối' trong trường hợp suy gan cấp tính, trong khi chờ đợi cơ quan của con người để ghép tạng chính thức".

Iván Fernández Vega - Giáo sư Giải phẫu Bệnh lý tại Đại học Oviedo ở Tây Ban Nha - mô tả thủ thuật này là một mốc son.

"Những hàm ý lâm sàng có liên quan cao vì việc tối ưu hóa phương pháp này có thể mở rộng nguồn tạng sẵn có và cứu sống nhiều người trong các trường hợp cấp cứu về gan.

Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng gan lợn biến đổi gen có thể sống sót và thực hiện các chức năng trao đổi chất cơ bản - sản xuất albumin và mật - trong cơ thể con người", ông cho biết.

Ghép gan là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các bệnh gan giai đoạn cuối, nhưng theo các nhà nghiên cứu, nhu cầu về gan hiến tặng vượt xa nguồn cung.

Lợn đang được xem là nguồn cung cấp nội tạng thay thế vì có chức năng sinh lý và kích thước tương thích.

Bên trái là Tiến sĩ Bartley Griffith, người đã tiến hành ca phẫu thuật ghép tim, với David Bennett (bên phải) sau khi ca phẫu thuật hoàn tất
Tiến sĩ Bartley Griffith, người đã tiến hành ca phẫu thuật ghép tim, với David Bennett sau khi ca phẫu thuật hoàn tất

Con lợn dùng cho ca phẫu thuật này được cung cấp bởi Bác sĩ Deng-Ke Pan tại Công ty Công nghệ sinh học Clonorgan.

Nó bao gồm 6 biến đổi di truyền – vô hiệu hóa 3 gen lợn và đưa vào 3 gen protein của người.

Điều này rất quan trọng để giúp ngăn chặn tình trạng cơ thể người nhận đào thải nội tạng lợn – một rào cản thường gặp trong việc cấy ghép từ động vật sang người.

Ca ghép này diễn ra sau hơn 10 năm nghiên cứu về quá trình này trên động vật. Năm 2013, các nhà khoa học đã thực hiện ca ghép gan đầu tiên từ lợn sang khỉ.

Các nghiên cứu trước đây về ghép thận và tim từ lợn sang người cũng đã thành công.

"Nhưng trong khi các cơ quan đó chủ yếu chỉ có một chức năng, thì tính đa chức năng của gan lại là một rào cản lớn mà chúng ta phải vượt qua", giáo sư Wang cho biết.

Towana Looney đã cười khi kể về cuộc sống của mình sau ca phẫu thuật - mà chỉ có bốn người Mỹ khác từng trải qua - và tự gọi mình là 'siêu nhân'
Towana Looney là người giữ kỷ lục còn sống sau khi được ghép thận lợn

Vào tháng 1/2022, một người đàn ông hấp hối ở Hoa Kỳ đã trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép tim từ một con lợn biến đổi gen.

David Bennett, người mắc bệnh suy tim giai đoạn cuối, đã trải qua ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore.

Người đàn ông 57 tuổi này đã sống sót trong 2 tháng sau ca phẫu thuật, các bác sĩ mô tả ông là "bệnh nhân dũng cảm và cao quý, người đã chiến đấu đến cùng".

Trong khi đó, vào tháng 11/2024, Towana Looney đã trở thành người thứ năm còn sống được ghép thận lợn chỉnh sửa gen. Kể từ đó, bà đã đi vào lịch sử với tư cách là người sống lâu nhất và cho biết bà cảm thấy "như một siêu nhân".

Trọng Trí (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI