“Cả đời này, hãy để anh chăm sóc cho em”
Để có được phong thái luôn tự tin, ngọt ngào đó, chị từng chia sẻ: “Sau khi kết hôn, đến nay tôi vừa làm vợ, làm mẹ nhưng chẳng những không già đi mà mỗi ngày càng trẻ ra, tự thấy mình xinh hơn hồi trước. Tất cả là do tôi may mắn lấy được anh Trung Hiếu làm chồng. Anh ấy là điều ngọt ngào nhất trong cuộc đời tôi”.
Theo dõi, quen biết chị khá lâu nên khi nghe những chia sẻ đó, tôi không hề có chút phân vân hay ngờ vực. Chồng của chị, anh Trung Hiếu, đúng chuẩn là một “người chồng quốc dân”. Sự chu đáo, tận tình, thấu hiểu và cưng chiều vợ của anh từng khiến không ít bạn bè, người thân của chị Trầm xuýt xoa: “Nhớ mua ổ khóa khóa kỹ chồng vào”,“Đừng khoe chồng nữa kẻo bị cướp đấy”…
Chị Trầm kể: “Tám năm trước, tôi đang giữ vai trò quản lý thương hiệu của I Love Cook Book (nhà sách chuyên về xuất bản dòng sách ẩm thực - thời trang - phong cách sống) còn anh Hiếu là đầu bếp khách sạn Marriott tại Hà Nội.
Hôm tôi tổ chức một sự kiện truyền thông thương hiệu của mình thì anh Hiếu cùng các bạn trong giới đầu bếp ở Hà Nội đến tham gia. Trong lúc anh Hiếu chụp ảnh tại sự kiện, ánh mắt chúng tôi đã nhiều lần vô tình va vào nhau. Tôi bỗng dấy lên tò mò về người đàn ông đó. Tôi hỏi bạn bè cách liên hệ, sau đó chủ động nhắn tin làm quen với anh. Tôi giả vờ hỏi xin ảnh nhưng thực chất là kiếm cớ làm quen.
Sau khi “bật đèn”, tình cảm của họ phát triển nhanh chóng. “Có thể nói, vì hợp tính, hợp gu nhau nên ngày nào chúng tôi cũng ríu rít chuyện trò, lâu lâu lại hẹn nhau đi chơi, đi ăn, dạo phố… Đến ngày 10/8/2014, sinh nhật tôi, như mọi năm, tôi “ngắt kết nối” với tất cả mọi người. Hôm ấy, anh Hiếu tìm cách liên lạc mãi không được nên rất lo lắng, tìm đến tận nhà thăm tôi. Món quà sinh nhật của một đầu bếp cũng thật đặc biệt. Anh đặt lên bàn một suất bánh cuốn nóng hổi rồi tỏ tình: “Cả đời này, hãy để anh chăm sóc cho em”.
|
Vợ chồng anh Trung Hiếu - chị Đặng Trầm |
Xấu xí một chút, vô dụng nhiều chút cũng chẳng sao
Nhìn thần thái lúc nào cũng viên mãn, ngọt ngào của chị Đặng Trầm bây giờ, ít ai biết chị từng trải qua một tuổi thơ rất nhọc nhằn, nhiều ám ảnh.
Chị tâm tình: “Từ lúc bắt đầu có ký ức, tuổi thơ trong tôi là màn đêm tối đen như mực. Ngày nào lúc 2 giờ sáng tôi cũng phải dậy phụ mẹ dọn hàng bán đồ ăn sáng. Đó là những trưa nắng vỡ đầu và chiều mưa giông mù mịt, chỉ có tôi với cả sân thóc dài. Đó là những chiều mùa đông rét cắt da cắt thịt tôi phải lội ao, ruộng vớt bèo, cắt rau nuôi lợn…
Hầu như tất cả các việc trong nhà tôi đều phải làm quen từ lúc còn rất bé. Tất cả những vất vả nhọc nhằn ấy vẫn chẳng là gì so với những trận đòn mẹ trút lên tôi mỗi lần mẹ tức giận. Rửa bát bị vỡ, ăn đòn. Đi học bị điểm tám, ăn đòn. Việc mẹ giao, đến giờ mẹ về chưa làm xong, ăn đòn. Suốt từ lúc tôi còn bé cho đến tận năm học lớp Chín, nhìn chung, không ngày nào tôi không bị mẹ đánh. Bố bỏ hai mẹ con từ khi tôi còn nhỏ. Mọi điều tồn tại xung quanh tôi đều rất khổ cực và tủi hổ”.
Chính vì cách giáo dục, nuôi nấng thiếu hụt yêu thương ấy nên sau này, khi ở tuổi trưởng thành, một mặt chị Đặng Trầm luôn khao khát yêu thương; mặt khác, chị lại trở nên bất cần, lúc nào cũng lầm lì, khép mình.
Chị kể: “Bình thường, bước chân ra đường, tôi có thể giả lả, trưng ra bộ mặt vui vẻ quảng giao nhưng đêm về tôi lại chìm trong nước mắt. Chỉ cần một bất trắc nhỏ xảy ra, tôi sẽ đổ lỗi cho cả thế giới và cực đoan đến nỗi thường tung hê mọi thứ rồi chìm vào đau khổ. Đó cũng là lý do khiến tôi chưa bao giờ chờ đợi, không muốn nhận những lời chúc vào dịp sinh nhật. Năm nào tôi cũng ngắt toàn bộ kết nối với người thân, gia đình, bạn bè vào dịp ấy. Tôi từng nghĩ mình thật bất hạnh khi sinh ra trên đời. Thế nhưng từ khi nhận lời tỏ tình của anh Hiếu, mọi chuyện đã thay đổi. Tôi bắt đầu được chữa lành”.
Trung Hiếu cũng thiếu bố từ nhỏ. Anh lớn lên cùng mẹ, sớm trở thành người đàn ông chăm chỉ, tự lực, chân thành và luôn chu đáo. Đó cũng là cách anh thể hiện, đối đãi với vợ suốt nhiều năm hôn nhân. Chị Trầm kể: “Năm nay anh Hiếu 34 tuổi còn tôi 32, sau tám năm yêu và sáu năm kết hôn, chúng tôi có thêm một “cái đuôi” nhỏ năm tuổi là bé Cây.
Anh Hiếu là người nói ít làm nhiều. Anh luôn xuống nước mỗi khi hai bên cãi cọ, bất đồng quan điểm. Anh luôn canh chừng cẩn thận mỗi lần tôi bước xuống cầu thang. Bạn bè còn trêu chọc anh là người có chiếc túi Doraemon vì mỗi lần đi đâu, tôi cần thứ gì là anh đều sẵn sàng thứ đó để đưa.
Nhớ hồi tôi sinh Cây, trong lúc tôi đau đến tưởng ngất đi rồi mà Cây vẫn chưa ra, nghe phong thanh các bác sĩ thảo luận cho mổ, anh Hiếu đã đến nắm tay vợ và giúp tôi điều hòa nhịp thở, bình tĩnh rặn để cuối cùng tôi có thể sinh Cây thuận lợi. Đó là kết quả của chuỗi ngày cùng vợ theo không sót một buổi học tiền sản nào. Đối với sức khỏe của vợ con, anh Hiếu chưa giây phút nào lơ là. Anh là người duy nhất trên thế giới này khiến tôi có thể buông lỏng bản thân để dựa dẫm vào một cách triệt để. Bất cứ khi nào ở bên anh, tôi đều cảm thấy… “sao cũng được”.
Vô dụng một chút, ngờ nghệch một chút, trái khoáy một chút, lười biếng một chút, xấu xí nhiều chút… cũng chẳng sao!”.
|
Gia đình luôn ngập tràn yêu thương của chị Đặng Trầm |
Vợ chồng tương kính như tân
Chị Trầm tâm niệm: “Trong hôn nhân, hầu như không có bí quyết chung để mọi đôi đều trở nên hạnh phúc. Chỉ có một nguyên tắc luôn có ý nghĩa, luôn mang lại hiệu quả trong mọi mối quan hệ: bản thân phải trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn mỗi ngày”.
Nếu anh Hiếu là người đàn ông chu đáo thì chị Trầm là kiểu phụ nữ không xét nét, càm ràm. Nếu anh luôn xuống nước, chiều chuộng vợ mỗi lúc mâu thuẫn thì những lúc bình thường, chị Trầm luôn sống nhẹ nhàng, đặt gia đình làm trọng. Cứ một thời gian trôi qua, chị lại đi chậm lại, nhìn nhận lại bản thân xem mình có điều gì chưa ổn để chỉnh sửa, cố gắng.
“Tôi tin tưởng chồng và tin tưởng chính mình, luôn vun vén nỗ lực cho tình yêu nhưng đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Việc luôn chuẩn bị cho những điều tệ nhất chính là cách để tôi sống và yêu tốt hơn. Vì biết không có gì chắc chắn nên tôi luôn thận trọng, giữ gìn, có ý thức vun đắp mọi thứ” - chị Trầm bộc bạch. Luôn ghi nhận, cổ vũ chồng chính là điều chị Trầm ngày qua ngày luôn khắc sâu và thực hiện.
Hiện tại, dù bận rộn với việc phát triển thương hiệu thời trang riêng dành cho phái nữ, chị Trầm vẫn sắp xếp thời gian, dồn tâm sức để hỗ trợ công việc kinh doanh của chồng.
Với chị, “Bên cạnh việc luôn thương yêu, bảo bọc tôi, chồng tôi cũng là một người đàn ông bình thường, cũng có rất nhiều vấn đề, giới hạn và tật xấu. Tôi chọn cách ngồi xuống góp ý thẳng thắn với nhau thay vì mặc kệ anh hoặc đem tật xấu đó đi kể lể. Ngược lại, nếu anh ấy làm cho tôi những điều tốt đẹp thì dù nó rất nhỏ thôi, tôi cũng muốn ghi lại điều đó, nhấn mạnh nó, khắc sâu nó. Tôi hiểu, khi người đàn ông được ghi nhận và cổ vũ, họ sẽ càng muốn cố gắng nhiều hơn”.
Diệu Thông