Cả đời “dân vận” giúp người nghèo

03/11/2020 - 06:00

PNO - Tuổi thơ trải qua nhiều cơ cực nên nhìn người khổ đau là dì thấu hiểu. Bởi vậy, suốt 45 năm qua, ngoài việc buôn bán, kinh doanh, dì đã dành trọn thời gian và tâm sức để lo cho những người hoạn nạn, khổ đau. Dì tên Ứng Thị Liên - tiểu thương chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM).

Tuổi thơ trải qua nhiều cơ cực nên nhìn người khổ đau là dì thấu hiểu. Bởi vậy, suốt 45 năm qua, ngoài việc buôn bán, kinh doanh, dì đã dành trọn thời gian và tâm sức để lo cho những người hoạn nạn, khổ đau. Dì tên Ứng Thị Liên - tiểu thương chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM). 

U70 lướt net làm từ thiện

Trong những ngày qua, trang Facebook, Zalo của dì Liên đầy ắp thông tin, hình ảnh về người dân miền Trung đang ngập chìm trong bão lũ. Bên cạnh đó là những hình ảnh dì cùng ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đi tiếp nhận hàng cứu trợ cùng những đoàn xe hướng về miền Trung ruột thịt. 

Một buổi sáng, chúng tôi ghé thăm sạp bánh mứt 682 của dì Liên. Những túi, hộp bánh mứt chất đầy trông ngọt lịm. Dì không có mặt ở quầy bởi đang bận đóng gói mùng mền ở một quầy gần đó cho kịp chuyến xe yêu thương. 15 phút sau, dì Liên trở về phân bua: “Mùng mền do một bạn hàng ở Rạch Giá nhờ chuyển. Ở đây, sạp chợ nào mình cũng thân quen, nhưng chị em đã gửi thì dù làm từ thiện mình cũng phải chịu khó lựa cho được cái tốt, cái phù hợp để gửi đi. Bà con đã chịu cực khổ quá rồi nên mình phải mang cho họ thứ tử tế nhất…”. 

“Tổ hợp” dì - cháu nữ tiểu thương Ứng Thị Liên và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng bên số hàng hóa chuẩn bị gửi về miền Trung sau bão số 9
“Tổ hợp” dì - cháu nữ tiểu thương Ứng Thị Liên và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng bên số hàng hóa chuẩn bị gửi về miền Trung sau bão số 9

Dì kể, trước đây dì bị tiểu đường, có nguy cơ biến chứng, được các y, bác sĩ khuyên ăn kiêng và luyện tập yoga. Học yoga dì mới quen ca sĩ Nguyễn Phi Hùng. Biết dì tham gia công tác phụ nữ ở chợ Bình Tây với nhiều hoạt động xã hội, nam ca sĩ thích thú và rủ dì đi thăm một trại mồ côi. Nhìn chàng ca sĩ ẵm bồng, tắm rửa cho lũ trẻ, dì rất cảm động. Từ đó, cứ ba tháng một lần, dì và ca sĩ lại tổ chức chuyến từ thiện. Họ thực hiện bữa cơm cho bệnh nhân ung bướu, mang quà đến những nơi nuôi dưỡng người già, cứu trợ những nơi gặp bão lũ, thiên tai… Ban đầu nhóm chỉ có hai dì cháu, nhưng nay thì mạng lưới từ thiện của dì Ứng Thị Liên và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã mở rộng ra nhiều nơi với đội ngũ thiện nguyện viên hùng hậu. Trong các Mạnh Thường Quân đồng hành với nhóm có nhiều “tên tuổi” như chị Sang sắt - thép, chị Lan Rạch Giá, anh Minh bánh Bát Đạt, chị Đào, chị Thất… 

Trước mỗi chuyến đi, dì Liên lên mạng gửi thông tin, hình ảnh về điểm đến, vận động mọi người. Bằng sự chân thành, giản dị và đặc biệt với uy tín cá nhân của dì, tiền và quà của những người hảo tâm đã được gửi về. Dì Liên ghi chép chi tiết việc thu - chi lên mạng. Lúc nào cũng coi trọng chữ “tín” và sự minh bạch nên trong suốt 15 năm qua, nhóm thiện nguyện của dì ngày càng có nhiều hơn những nhà hảo tâm. 

Dì kể: “Mấy lần trước, tôi toàn tự đi. Lần này, do chân đau nên không ra miền Trung được, chỉ có em Nguyễn Phi Hùng một mình lặn lội, tôi gửi quà đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, Hội Phụ nữ chuyển đến bà con. 

Trốn chồng đi từ thiện

Dì Liên sinh năm 1955, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 12 tuổi đã đi ở đợ để có tiền nuôi em, rồi ra đời buôn bán. Sài Gòn giải phóng, dì mới 20 tuổi, dạn dĩ, tự tin, được đề cử cương vị Phó chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bình Tây. Với cương vị đó, mỗi khi có dịp, dì lại khuyên nhủ chị em phải đặt chất lượng hàng hóa lên hàng đầu và ưu tiên dùng hàng Việt. Bán đúng bán đủ thì đêm về mới ngủ ngon. “Buôn may, bán đắt phần nhiều là ở chữ tín. Mình giữ uy tín cho chợ cũng là cho mình” - dì Liên nói. 

Tham gia việc Hội, dì vận động chị em tiểu thương trong nhiều hoạt động như đăng ký là người kinh doanh mới, người kinh doanh văn minh… Thời siêu thị bùng phát, dì động viên chị em bám trụ ngành hàng, cùng nhau vượt khó. Khi chợ Bình Tây xuống cấp, phải sửa chữa kéo dài, ảnh hưởng chuyện buôn bán, dì là nòng cốt vận động chị em tiểu thương kiên trì ủng hộ. 

Dì Liên trong một chuyến từ thiện

Chị em ở chợ không chỉ nể dì Liên vì uy tín, mà còn bởi cuộc đời hành thiện của dì. Hễ nghe nơi nào có người khổ là dì tới. Trước khi kết nhóm với ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, lâu lâu, dì lại cùng chị em tiểu thương, bạn bè tổ chức đi tặng quà cho người nghèo. Nhiều năm, đêm 30 tết dì vẫn còn đâu đó ở các tỉnh xa để trao gửi những phần quà cho bà con nghèo.

Dì Liên bảo, mười mấy năm qua dì toàn… trốn chồng đi từ thiện. Hai người cháu giúp việc tại quầy hàng nói: “4-5 giờ sáng dì đã dậy, ra chợ mở quầy để bàn giao cho tụi tui xong rồi mới đi. Mà đi đâu thì dì cũng tranh thủ về tới sạp trước 6 giờ chiều để kết sổ”. Hỏi, việc trốn đi làm từ thiện, chú Bửu (chồng dì Liên) có biết không? Dì cười: “Chắc biết. Ổng không có Zalo, Facebook, nhưng lâu lâu liếc trên báo thấy hình tôi đi trao cơm ở Bệnh viện Ung Bướu, tặng lồng đèn cho trẻ em… là ổng nói: “Hay hén!”. Rồi ổng nhắc tôi, đi nhiều coi chừng chân cẳng. Ba, bốn năm trước có lần ổng la tôi chuyện không biết bơi mà dám theo chị em chèo ghe vô trong rạch sâu tặng quà cho người dân ở Bến Tre. Tôi sợ ổng lo nên hễ đi từ thiện thì tôi thu vén công việc rồi… trốn”. 

Chị Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - nói: “Mỗi lần chuẩn bị phát động chương trình từ thiện, chúng tôi hay tìm đến dì Ứng Thị Liên xin ý kiến, nhờ dì vận động, hỗ trợ. Dì chưa bao giờ chối từ mà còn tiếp thêm cho chúng tôi bao ý tưởng cùng tài lực. Có được dì Liên thật sự là một may mắn của Hội Phụ nữ Q.6 chúng tôi”.

Ai ngỏ lời khen hay ngưỡng mộ dì, dì chỉ nói: “Nhà mình yên rồi, mình lo cho người khó khăn”.

Suy nghĩ giản dị nhưng đầy lòng nhân ái ấy không phải ai cũng có được. 

Nghi Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI