Cá da trơn Việt sang Mỹ: Bị ép giá, cảnh giác thị trường Trung Quốc

23/12/2015 - 07:35

PNO - Gặp khó khăn ở thị trường Mỹ buộc Việt Nam phải tìm đến các nước khác để xuất khẩu cá da trơn nên có nguy cơ bị ép giá.

Nguy cơ hiện hữu

Nói về mục đích của Mỹ khi đưa ra các quy định mới về việc nhập khẩu cá da trơn từ tháng 3/2016, TS. Vương Học Vinh - Trưởng Bộ môn Thủy sản, Trường Đại học An Giang cũng cho rằng: "Nước Mỹ sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Tất cả các chính sách đều phải lấy lòng cử tri, cá của Mỹ không ngon bằng cá của mình nên Mỹ bảo hộ cho sản phẩm trong nước của họ".

Nguyên nhân cho những khó khăn mà người nuôi cá da trơn của Việt Nam đang mắc phải, được ông Vinh lý giải là do thời đầu (những năm 2000 - PV) xuất khẩu mặt hàng cá da trơn sang Mỹ, cơ quan chức năng Việt Nam làm không chặt chẽ nên giờ mình chịu hậu quả, không nắm thế chủ động nên buộc phải làm theo yêu cầu của họ.

Ông Vinh nhận định: "Nền sản xuất cá tra của Việt Nam đang trên bờ vực phá sản.  Ngay từ khi nuôi, nhiều hộ đã cho con cá ăn loại thuốc bảo vệ thực vật không tốt, tồn dư trong con cá từ 3 - 4 tháng mới hết. Nhiều người tham lam cho ăn thuốc tăng trọng, càng lớn nhanh thì chất tồn dư càng tồn tại lâu dài".

Ca da tron Viet sang My: Bi ep gia, canh giac thi truong Trung Quoc
Ngành hàng cá da trơn của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn vì bị ép giá và có nguy cơ lệ thuộc vào Trung Quốc.

Bây giờ, Mỹ thắt chặt quy định sản phẩm thì Việt Nam lại càng đi vào khó khăn. Khi không xuất khẩu được sang Mỹ thì buộc Việt Nam phải dồn sang tìm thị trường khác để xuất khẩu. "Họ biết mình nóng vội, không có nơi bán thì họ sẽ ép giá mình, anh không bán với giá rẻ thì cũng chỉ còn nước mang về nhà ăn hoặc đổ đi" - ông Vinh cho hay.
 
Ông Vinh tiếp tục bày tỏ: "Tôi rất sợ trong lúc khó khăn chúng ta lại lệ thuộc vào Trung Quốc, cũng giống như một người chết đuối không ai cứu nay lại được Trung Quốc vứt cho "cái phao" rồi lệ thuộc vào đó mà không học bơi nữa. Trong tình hình nhạy cảm như hiện nay thì việc lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc giống như một con dao 2 lưỡi.

Bởi, không biết chắc chắn mưu đồ thực sự phía sau những hành động của họ là gì. Mình cứ chạy theo họ rồi không có đủ kiến thức, tầm nhìn thì có thể sẽ bị sa vào bẫy lúc nào không hay".

TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát trển nông nghiệp, nông thôn (thuộc Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận, phía Mỹ chỉ cho chúng ta 18 tháng để thay đổi toàn bộ quá trình sản xuất cá da trơn là điều quá gấp gáp, rất khó có thể đáp ứng được yêu cầu.

Ông Sơn cho biết, trước đây Mỹ chỉ lấy một thước đo cụ thể sau đó họ tính xem sản phẩm của mình có đáp ứng các tiêu chí mà họ đề ra hay không. Nhưng bây giờ họ yêu cầu mình phải thực hiện theo đúng quy định của nước Mỹ, tức là cách làm từ đây sẽ khác hẳn, từ đầu vào của nguồn nước, con giống cho tới đầu ra của sản phẩm.

Chấp nhận thay đổi

Quan điểm của ông Vinh cho rằng, Mỹ sai hoàn toàn về hiệp định WTO khi đưa ra những quy định mới về mặt hàng cá da trơn. Ông Vinh nói: "Chúng ta cần phải nắm tất cả các thông tin, chứng cứ để kiện Mỹ ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, phần thắng không cao vì thừa nhận thực tế là mình không nắm rõ luật của Mỹ nên phải vừa kiện vừa thay đổi theo Mỹ để giữ thị trường".

Ca da tron Viet sang My: Bi ep gia, canh giac thi truong Trung Quoc
TS. Đặng Kim Sơn cho rằng Việt Nam đã hội nhập thì phải chấp nhận thay đổi theo thị trường.

Nhưng TS. Đặng Kim Sơn lại có quan niệm ngược lại, không trách được nước Mỹ bởi thời buổi hội nhập, phát triển theo nền kinh tế thị trường thì những rào cản kỹ thuật như thế sẽ diễn ra một cách thường xuyên. Tất cả các nước họ có điều kiện và có quyền bảo vệ sức sản xuất trong nước của họ thì họ sẽ bảo vệ. Trách nhiệm của Việt Nam là phải vượt qua được những rào cản kỹ thuật này.

Theo ông Sơn, chưa thể khẳng định quy định mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ có vi phạm các hiệp định thương mại WTO, TPP hay không. Mục tiêu của Mỹ ở đây không phải vì các vấn đề an toàn thực phẩm hay chất lượng sản phẩm mà cuối cùng là để bảo vệ cho thị trường của họ và đặc biệt là nền sản xuất nông nghiệp trong nước của Mỹ.

"Muốn biết họ có vi phạm hay không thì phải nghiên cứu một cách cẩn thận, với những gì họ đưa ra thì chưa thể nói họ có vi phạm hay không vi phạm. Tất cả những điều anh phản kháng người ta hay họ muốn ngăn chặn mình thì phải có căn cứ khoa học. Đây là luật lệ chứ không đơn thuần muốn là được" - ông Sơn đưa ra nhận định về phương án kiện Mỹ ra tòa án quốc tế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI