Cá da trơn Việt Nam đi Mỹ: Không đáp ứng được thì... kiện?

22/12/2015 - 07:28

PNO - Nếu xuất khẩu sang Mỹ thì lượng của Việt Nam sẽ dồn lại sang các thị trường khác, từ đó nguy cơ bị ép giá hiện hữu.

Đi kiện hay là thay đổi theo thị trường?

Ông Nguyễn Văn Công - GĐ Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho rằng, Bộ Nông nghiệp Mỹ từ tháng 3/2016 sẽ thực hiện quy định cá da trơn vào thị trường Mỹ sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngang hàng với mặt hàng cá da trơn được sản xuất tại nước này (từ qui trình sản xuất cho đến việc đóng gói và xuất khẩu - PV) là sự áp đặt, vi phạm các tiêu chí của Hiệp định WTO.

"Mỹ hành động như thế nhằm làm khó cho sản phẩm cá tra của Việt Nam, không chỉ khó cho người nuôi cá Việt Nam mà cả người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn. Chúng ta phải đấu tranh dù phải mất tiền, mất thời gian, không chỉ bằng con đường tư pháp mà cả vận động hành lang, ngoại giao nữa. Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương phải xem xét góc độ pháp lí, kể cả thuê luật sư ngoài nước, trong đó có luật sư Mỹ kiện họ..." - ông Công nêu quan điểm.

Theo ông Công, sản phẩm cá tra của Việt Nam cơ bản đáp ứng các yêu cầu: GlobalGap, Hội đồng quản lý thuỷ sản Châu Âu, kể cả luật nông trang của Mỹ... nhưng một khi Mỹ đã có ý định làm khó thì hết cái này họ lại bày ra cái khác thôi.

"Một nước có nền nông nghiệp phát triển cũng không thể nào thay đổi được trong vòng 18 tháng, ít nhất họ phải mất từ 7 - 8 năm. Còn Việt Nam, tôi tin chắc sẽ lâu hơn. Nếu có đáp ứng được thì chi phí sản phẩm sẽ tăng, cạnh tranh kém tại thị trường Mỹ..." - ông Công nói.

Ca da tron Viet Nam di My: Khong dap ung duoc thi... kien?
Trong tương lai người nuôi cá da trơn Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn vì quy định mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Hiện tại, trung bình mỗi năm, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ dao động ở mức 300 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Nếu không xuất khẩu được sang Mỹ thì sẽ dồn vào thị trường khác, từ đó nguy cơ bị ép giá là hiện hữu.

Để đối phó với tình huống sắp tới sẽ xảy ra, ông Công khuyên doanh nghiệp và người nông dân nên bình tĩnh cải thiện chuỗi cá tra, cải thiện giá thành, giữ thị trường truyền thống, tiếp cận thị trường mới mang tính dự phòng.

Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Trứ - PGĐ Sở Công thương TP. Cần Thơ thì có quan điểm ngược lại. Về mặt hội nhập, các nước thường dùng những rào cản để hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa từ ngoài vào. Người ta gọi đó là những rào cản kỹ thuật, khi hội nhập thì chúng ta phải dự báo được những tình huống đó để đối phó.

Mỹ trước đây cũng đã áp dụng thuế chống bán phá giá với mặt hàng cá tra của Việt Nam, đó là rào cản kỹ thuật để họ hạn chế mình xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Thực tế, trước đây Thái Lan cũng đã bị Mỹ áp dụng đạo luật này với mặt hàng thịt gà. Sau đó, Thái Lan đã đấu tranh nhiều năm nhưng phía Mỹ vẫn áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ.

Ông Trứ cũng quan ngại, trong thời gian ngắn việc thay đổi rất khó cho người nông dân, vì trước đây chúng ta cũng đã thực hiện nhiều tiêu chuẩn. Nhưng trong thời gian sắp tới, nhiều doanh nghiệp muốn giữ thị trường Mỹ thì buộc phải thay đổi, đáp ứng đúng yêu cầu mà phía Mỹ đề ra.

Ông Trứ đưa ra phương án: "Mỹ và Trung Quốc là thị trường truyền thống, chúng ta cần khuyến khích mở rộng thị trường Trung Đông, Hàn Quốc, Nga... để giảm rủi ro trong xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu khi những rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều. Còn mình phụ thuộc vào một thị trường thì rất khó và mạo hiểm".

Còn ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Về mặt lý thuyết, thời gian tới, Việt Nam sẽ có một hệ thống tiêu chuẩn cho con cá tra từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng, chế biến rồi xuất khẩu tương đương tiêu chuẩn của Mỹ, còn sau đó, có bao nhiêu doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn này hay không là một câu chuyện khác”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI