Cá chuối, đắm đuối...

06/03/2017 - 15:45

PNO - Người đàn ông cười rổn rảng khoe: “Coi người xấu xấu, vật xấu xấu vầy chứ nuôi con tới nơi tới chốn là nhất nghề làm cha rồi đó”.

Đó là anh Huỳnh Văn Út, 50 tuổi, quê quán Quảng Xương, Thanh Hóa, hiện ngụ xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM.

Ca chuoi, dam duoi...
Anh Út với món hàng vừa mua được

Anh Út và chị Nguyễn Thị Hồng kết hôn với nhau đã 25 năm, vợ chồng quanh năm đầu tắt mặt tối với hai sào thuốc lào, thực tế chỉ làm mùa nắng, còn mùa mưa thì chạy lụt nhiều hơn là đi làm. Nhưng anh chị tâm nguyện cùng nhau nuôi ba đứa con học hành đến nơi đến chốn. Mong ước của anh chị đã đạt thành gần nửa, cậu con trai lớn đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và làm việc tại tỉnh nhà. Cô con gái kế học khá hơn, nên vừa thi đại học. Cậu trai út đang học lớp 10 thì mẹ mất sau cơn đột quỵ. Đó là năm 2013. Năm đó anh và vợ đều 47 tuổi.

Đứa con gái vừa vào đại học, thằng con trai chưa qua lớp 10, một mình bươn chải ở quê nhà, anh Út nhận thấy sẽ không nuôi được con cái đi hết đường học vấn. Đầu năm 2014 anh quyết định theo bà con trong ấp “Nam tiến” để làm ăn hầu có dư chút ít nuôi con ăn học. Mắt kính, bóp da, dây nịt, móc khóa… là những mặt hàng mà anh Út bán khi mới vào Củ Chi, vì ít vốn, nhẹ nhàng, chỉ cần đi vòng vòng khu vực bến xe - chợ là được.

Nhưng vốn ít thì thu nhập cũng ít, hàng tháng kiếm không được ba triệu đồng, chỉ vừa đủ trả tiền nhà trọ, tiền ăn uống, tiền thuốc men khi bệnh vặt, không dư bao nhiêu để gửi về cho con nên anh rất lo. Ngày đêm anh trăn trở phải làm công việc gì để thu nhập khá hơn. Chạy xe ôm thì không rành đường sá, làm bảo vệ thì lạ nước lạ cái chắc không ai dám thuê, nhân viên bốc vác thì tuổi 50 có lẽ cũng không còn làm nổi dài ngày…

Vậy rồi có người trọ gần thương tình chỉ, công việc “hàng rao di động” mua máy giặt, mua ti vi, máy vi tính cũ. Mấy lúc gặp hên, bán một thanh ram, một bộ nguồn cũng bằng cả ngày đi rạc cẳng chân. Đồ nghề cho công việc này cũng đơn giản: một chiếc xe máy cũ, một chạc baga vững chắc, một cái bình ăc-qui và chiếc loa.

Anh Út háo hức với công việc mới, ước mong có thu nhập khá hơn để gửi về nuôi con ăn học, dù trước giờ chẳng biết cái máy vi tính có những gì trong “bụng” nó, ram là gì, nguồn là sao. Sắm “đồ nghề” xong, anh mới té ngửa, mua xong rồi thì bán ở đâu? Anh phải lần dò tìm nơi thu mua những món hàng của mình.

Ban đầu, anh gặp nhiều khó khăn, lắm khi bị “hớ” hoặc bị ép giá do là “ma mới”. Lâu ngày “nghề dạy nghề”, anh sắm được cái máy vi tính cũ, mỗi cái CPU mua về anh đều tháo từng phần ra kiểm tra lại. Món nào còn “ngon ngon” thì bán ở cửa hàng linh kiện máy tính, món nào “hết đát” thì bán cho vựa ve chai… Tìm tòi học sửa máy giặt, rồi lại nghề dạy nghề nên có khi một chiếc máy cũ mua vài trăm ngàn, về thay sợi dây cua-roa là chạy êm ru, bán lại cũng bạc triệu…

Không còn ở phòng trọ ghép, bây giờ anh Út đã thuê hẳn phòng trọ riêng để có nơi chứa đồ cần sửa, hoặc đêm hôm cạy cục sửa chữa không phiền bạn cùng phòng. Cô con gái nay đã vào năm 3 đại học, không còn xin tiền bố vì cô đã đi làm thêm được ít nhiều. Cậu con trai út vừa vào trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Ca chuoi, dam duoi...
 

Thấy cha cực khổ, dầm mưa dãi nắng vì mình, các con anh rất có hiếu, siêng học, biết phụ cha những lúc rảnh rỗi. Bây giờ, mỗi ngày anh Út vẫn rong ruổi gần trăm cây số, khi mua được hàng nhiều, lúc không có món nào, “hên xui”. Nhưng thành “nghiệp” rồi nên sáng nào không lên xe, không nghe âm giọng “trông trổng” vang vang của cái loa “mua máy vi tính, mua tủ lạnh, mua ti vi, mua máy giặt…” là thấy buồn buồn. Cũng phải đi một vòng, ngược lên Trảng Bàng hoặc xuôi về Hóc Môn. Có hàng thì mừng, không thì về nấu cơm cho thằng con trai đi học về ăn, cha con quây quần ấm áp.

Gần bốn năm rồi, trên cung đường mưu sinh đã hứng chịu bao cơn mưa, cái nắng của phương Nam, nhưng bản tính cần cù siêng năng vẫn không cho anh Út nghỉ ngơi ngày nào. Đứa con trai đầu ở quê nhà đã lấy vợ, cũng là một đồng nghiệp. Con dâu ngoan hiền ngoài giờ đứng lớp còn làm mấy sào thuốc lá với chồng, kiếm tiền nuôi em chồng ăn học. Anh Út bảo, đó là cái phước của mình nên mới có được đứa con dâu tốt tính vậy.

Năm 2017 này cô con gái giữa tốt nghiệp ra trường. Bao năm một mình ăn học ở thủ đô Hà Nội xa xôi, nhờ đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và lời bảo ban mộc mạc của cha mà giờ đây cô sắp hoàn thành ước mơ, đã có doanh nghiệp mời về làm việc.

Hỏi về bí quyết dạy con, anh cười hiền lành: “Biết dạy gì đâu… Gà trống nuôi con mà. Nhưng cứ luôn căn dặn, mẹ bây mất sớm… bố chẳng biết bảo ban thế nào đâu. Nhưng thương bố thì cố mà ăn học cho có cái chữ mà nhờ cái thân. Vậy thôi”.

Người đàn ông nước da rám nắng, chiếc áo khoác bạc màu, cái xe máy cũ xì xì ấy vỗ vỗ vào thùng CPU vừa mua được cười rổn rảng khoe: “Coi người xấu xấu, vật xấu xấu vầy chứ nuôi con tới nơi tới chốn là nhất nghề làm cha rồi đó”.

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI