Cá chết ở biển Thừa Thiên Huế bị nhiễm kim loại nặng

27/04/2016 - 08:08

PNO - Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cá chết do nhiễm kim loại nặng, trong khi đó, chiều nay Bộ TN&MT mới đưa ra kết luận chính thức.

Chiều 26/4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã có báo cáo kết quả phân tích mẫu nước tại những nơi phát hiện cá chết hàng loạt trong thời gian vừa qua.

Theo bản báo cáo “Về việc cá chết bất thường ở khu vực đầm phá và vùng ven biển Thừa Thiên - Huế”, từ ngày 15/4 đến ngày 22/4/2016, hiện tượng cá chết xuất hiện dọc bờ biển Thừa Thiên - Huế có lượng cá chết giảm dần từ Bắc xuống Nam.

Hiện tượng cá biển và cá nuôi chết bắt đầu tại vùng biển tỉnh Hà Tĩnh, giảm dần đến khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế. Như vậy, khả năng nguồn chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt đã xuất hiện từ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Báo cáo đã chỉ rõ các thông số như: Tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như QCVN 08 - MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Vậy nên có thể khẳng định nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ca chet o bien Thua Thien Hue bi nhiem kim loai nang
Nước biển ở Thừa Thiên - Huế nhiễm độc kim loại nặng. Ảnh: Điền Quang

Sự việc này đã ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; hoạt động kinh doanh -dịch vụ tại các bãi biển du lịch, giảm thu nhập của ngư dân và đã tác động mạnh đến đời sống nhân dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn yêu cầu các địa phương bị sự cố cá chết khẩn trương thu gom và xử lý theo quy định, không được để cá chết gây ô nhiễm môi trường, đồng thời thống kê thiệt hại trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt cũng như các hoạt động kinh tế liên quan của địa phương.

Trước đó, các Bộ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cử các đoàn trực tiếp quan trắc môi trường, lấy mẫu phân tích các mẫu nước, mẫu cá và các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Theo xác định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến cá biển và các con nuôi gần biển chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm hay hiện tượng suy giảm nồng độ ôxy trong nước (do tảo xâm lấn, thủy triều đỏ, nhiễm độc hoặc gia tăng nhiệt độ trong nước gây ra) mà do độc tố.

Tuy nhiên yếu tố độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn chưa xác định được cụ thể.

Dự kiến, 14h chiều 27/4, Bộ trưởng Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà sẽ chủ trì phiên họp cùng các bộ, ngành để nghe báo cáo toàn bộ vụ việc cá chết ở ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Trong cuộc họp, lãnh đạo các bộ sẽ nghe các đơn vị trực tiếp lấy mẫu phân tích báo cáo kết quả, cho ý kiến và xác định nguyên nhân chính xác khiến cá chết trên diện rộng thời gian qua.

Cuối giờ chiều 27/4, Bộ sẽ tổ chức họp báo thông tin kết quả xác định nguyên nhân cá chết.

Hoài An (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI