Cá biển khan hàng, giá tăng do tàu cá nằm bờ

30/06/2022 - 06:24

PNO - Giá xăng dầu tăng cao, ngư dân sợ lỗ hạn chế ra khơi khiến lượng thủy hải sản về các chợ ở TPHCM giảm mạnh giá tăng, nhiều loại đứt hàng.

Anh Toán - chủ vựa thủy hải sản ở chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) - cho biết mấy ngày nay, mặt hàng cá biển bị thiếu nhiều do hàng về ít. Tổng lượng hàng về chợ hiện giảm 40 - 50% so với trước, có những mặt hàng không có. Giá sỉ các mặt hàng thủy hải sản tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Do giá cá, tôm, mực... tăng cao khiến sức tiêu thụ giảm. Tiểu thương các chợ lẻ đã hạn chế lấy hàng khiến sức mua - bán thủy hải sản tại chợ đầu mối chậm hẳn. 

Anh Tân - một chủ sạp chuyên bán sỉ, lẻ thủy hải sản tại chợ Rạch Ông (Q.8) - cho biết: không chỉ giá cá biển, mực ống tăng 20.000 - 40.000 đồng/kg (giá mực ống, mực lá từ 250.000 đồng/kg) mà giá các loại cá nuôi như cá bớp, cá mú, cá kèo... cũng tăng hơn gấp đôi so với trước dịch. Hiện giá cá bớp, cá mú trên 300.000 đồng/kg. Trước đây trung bình mỗi ngày, sạp của anh Tân bán hơn 200kg thủy hải sản nhưng hiện nay chỉ bán khoảng 40 - 50kg.  

Giá một số loại cá biển tại các chợ ở TP.HCM đã tăng gần gấp đôi so với trước đây (ảnh chụp tại một khu chợ ở Q.Gò Vấp) - ẢNH: N.CẨM
Giá một số loại cá biển tại các chợ ở TPHCM đã tăng gần gấp đôi so với trước đây (ảnh chụp tại một khu chợ ở Q.Gò Vấp) - Ảnh: N.Cẩm

Chị Huyền - tiểu thương bán hải sản ở chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp) - cho biết chị đã dừng nhập cá bớp, cá mú về bán vì giá quá cao, chỉ bán các loại mực ống, cá nục, cá ngừ, cá thu... Hiện giá nhập về cá thu tăng từ 180.000 đồng/kg lên 190.000 đồng/kg, giá bán lẻ cắt lát từ 250.000 đồng lên 260.000 đồng/kg; giá bán lẻ cá ngừ, cá nục tăng từ 80.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg; giá tôm biển từ 170.00 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg...

Theo ông Nguyễn Đông Hy - Giám đốc Công ty TNHH Kim Đông Hy (chuyên doanh thủy hải sản) - giá xăng dầu tăng cao, ngư dân ra khơi khả năng lỗ vốn nhiều nên họ hạn chế đi biển, dẫn đến lượng hàng thủy hải sản nhập vào bị thiếu hụt nhiều. Có những mặt hàng giảm số lượng đến 30 - 40%, các loại ốc, sò hiếm đánh bắt xa bờ như ốc hoàng hậu, ốc giác... không có hàng. Mặt bằng giá các loại thủy hải sản nhìn chung đã tăng thêm từ 10 - 20%. Sức tiêu thụ thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng vì giá hàng cao. 

“Nếu giá xăng dầu cứ neo cao thì tình hình khan hàng thủy hải sản còn tiếp diễn vì ngư dân không ra khơi thì không thể có hàng. Kể cả một số loại cá nuôi như cá bớp, mú... cũng bị khan hiếm do trong đợt dịch, người nuôi sợ không tiêu thụ được nên giảm sản lượng, thậm chí không thả giống. Giá cá mú trước đây từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, giờ lên hơn 300.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Hồng Liêm - Ban Quản lý cảng cá tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - hiện lượng ghe, tàu ra khơi giảm hơn 50% so với trước do giá xăng dầu tăng cao, ngư dân sợ lỗ. Hơn nữa, mùa này lượng thủy hải sản đánh bắt được cũng ít hơn trước. 

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước có 16 đợt điều chỉnh giá bán lẻ. Cả giá xăng và giá dầu đều lập kỷ lục mới. Với mặt hàng dầu diesel có tới 13 lần tăng giá, hiện đang ở mức 30.010 đồng/lít.

“Với giá nhiên liệu hiện nay, mỗi cặp ghe lớn ra khơi tốn chi phí lên đến 1,3 - 1,5 tỷ đồng/chuyến; ghe nhỏ tốn 700 - 800 triệu đồng/chuyến. Mùa này nước trong, hải sản ẩn nấp, khó khai thác. Nếu ra khơi mà rủi ro không đánh bắt được coi như lỗ trắng nên ngư dân rất ngại. Họ chọn cách gác ghe chờ giá xăng dầu giảm rồi tính tiếp”, ông Liêm cho hay. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gần một nửa tàu cá khai thác thủy sản tại các địa phương đang phải ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng cao. Cụ thể, hiện giá dầu diesel - loại nhiên liệu chính cho các tàu đánh bắt hải sản - đã tăng 12.440 đồng/lít so với cuối năm 2021. Nhiên liệu chiếm khoảng 45 - 60% chi phí đầu vào của tàu cá. Các chi phí về nhân công, trang thiết bị… cũng tăng thêm 10 - 15%... khiến tổng chi phí đầu vào khai thác hải sản tăng 35 - 48%, trong khi giá bán hải sản tăng không đáng kể khiến các chủ tàu ngừng ra khơi. 

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng được hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng, tức khoảng 3 - 4,4 triệu đồng một người/tháng, trong vòng 
sáu tháng. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI