C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Đủ căn cứ yêu cầu bồi thường cho người tiêu dùng

03/06/2016 - 08:02

PNO - Theo bà Nga: "Tòa sẽ xử vụ này vì đã có chứng cứ, còn các cơ quan chức năng cũng xác nhận là đã có lượng chì cao hơn mức cho phép".

Người tiêu dùng phải móc nối lại

Liên quan tới việc Người tiêu dùng (NTD) nước uống C2 và Rồng đỏ bị nhiễm độc chì, chiều 3/6, trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Vũ Thị Bạch Nga - Nguyên Trưởng ban bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Công thương nhận định:

"Theo Luật bảo vệ NTD thì NTD sẽ được bồi thường nhưng họ phải chứng minh được họ đã sử dụng sản phẩm đó, đấy là một điều rất khó. Trong luật cũng quy định rằng có một tổ chức nào đứng lên thay mặt những NTD khởi kiện thì họ cũng cho phép".

C2, Rong do nhiem chi: Du can cu yeu cau boi thuong cho nguoi tieu dung
Sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì.

Cũng theo bà Nga: "Tòa sẽ xử vụ này vì đã có chứng cứ, còn các cơ quan chức năng cũng xác nhận là đã có lượng chì cao hơn mức cho phép, Công ty sản xuất đã phải thu hồi lại sản phẩm.

Các chứng cứ tại Tòa sẽ là cơ sở để xét mức độ bồi thường đến NTD, và tiền bồi thường đó hiện nay người ta để vào quỹ phục vụ cho công tác NTD, những ai chứng minh được mình đã sử dụng, ví dụ như hóa đơn mua hàng thì sẽ được đền bù".

Tuy nhiên, theo bà Nga, trên thực tế đa số khách hàng hiện nay lại không có hóa đơn. Bởi vậy họ sẽ không được đền bù cho từng cá nhân NTD. Công ty URC Hà Nội phải bị xử phạt theo Luật bảo vệ NTD do tòa án quy định. Và số tiền đó sẽ được quyết định sử dụng bởi cơ quan chức năng và Hội NTD sẽ giữ lại để phục vụ cho công tác NTD, chính sách, bảo vệ,...

Nói về hướng đi để bảo vệ quyền lợi của chính các cá nhân, theo nguyên Trưởng ban bảo vệ Người tiêu dùng, NTD phải tập hợp nhau lại kể cả không có hóa đơn và ủy quyền lại cho một tổ chức nào đấy, ví dụ như ở TP.HCM thì ủy quyền cho Hội tiêu dùng TP.HCM hay các Câu lạc bộ NTD,... lên tiếng đấu tranh không chỉ với Công này mà còn có những cơ sở sản xuất khác chưa bị phát hiện, người ta phải rút kinh nghiệm và có bài học.

"Những trường hợp như thế này là cơ sở để cảnh báo, cảnh tỉnh cho NTD biết. Khi mà công ty này đã bị phạt tới 5,8 tỷ tức là mức độ vi phạm rất lớn, nhưng đó mới chỉ là tiền họ phải nộp phạt cho cơ quan chức năng còn khoản tiền phải đền bù cho NTD nữa", bà Nga nhận định.
 
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng sức khỏe tới người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm chứa chì này, bà Nga cũng cho rằng, những NTD uống nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tất nhiên không biểu hiện luôn nhưng việc uống chì có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ sau.

Có đủ căn cứ để yêu cầu bồi thường

Trao đổi vấn thêm về vấn đề này, luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn Luật sư TP.HCM cũng nhận định rằng: Trong thời điểm này NTD nếu để chứng minh là mình uống sản phẩm chứa chì của do Công ty URC Hà Nội sản xuất và thiệt hại của bản thân là rất khó khăn.

Tuy nhiên là đã có kết luận của cơ quan chức năng rằng nước uống C2, Rồng đỏ nhiễm chì trong trường hợp này nếu muốn khởi kiện đảm bảo quyền lợi thì Hiệp hội bảo vệ NTD Việt Nam phải đứng ra khởi kiện Công ty này để thể hiện trách nhiệm".

C2, Rong do nhiem chi: Du can cu yeu cau boi thuong cho nguoi tieu dung
Luật sư Phạm Hoài Nam.

Hiệp hội phải đứng ra móc nối NTD để khởi kiện. Đã có kết luận rằng 40.000 thùng nhiễm hóa chất và thực chất số nước này đã bán và công ty này không thu hồi lại được thì đây là căn cứ để chứng minh sản phẩm của họ đã đưa vào sử dụng và thực tế đã tiêu dùng trên thị trường.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có kết luận là Công ty này sử dụng hóa chất độc hại.

Cũng theo luật sư, nếu ngay chính những NTD ở các địa phương nếu phát hiện các sản phẩm nước uống nhiễm chì này vẫn còn trên thị trường thì có thể đóng gói lại gửi đến các cơ quan chức năng. Lúc này ngay chính Hiệp hội bảo vệ NTD ở các địa phương cũng phải lên tiếng.

"Có hai cách, thứ nhất là NTD có thể tự đứng ra khởi kiện Công ty này nếu chứng minh được thiệt hại. Thứ 2 là trong trường hợp khó khăn có thể ủy quyền cho Hiệp hội bảo vệ NTD đứng ra", luật sư Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.

"Còn về vấn đề chứng minh thiệt hại cho sức khỏe NTD thì rất khó, họ phải chứng minh được rằng uống chai nước đó xong phải bị ngộ độc thực phẩm, hoặc phải nhập viện,...

Về góc độ quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng điều tra và thấy vi phạm thì người ta xử phạt theo quỹ bảo vệ NTD và luật vệ sinh an toàn thực phẩm. Căn cứ vào 2 luật này Bộ Y tế cũng đã tiến hành xử phạt công ty này gần 6 tỉ đồng. Về dân sự thì hoàn toàn có đủ căn cứ để Hiệp hội bảo vệ NTD đứng ra khởi kiện", luật sư Nam phân tích.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI