edf40wrjww2tblPage:Content
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang - Ảnh: Ngọc Trinh
Bỏ rẻ, mua đắt vì… tài trợ
Theo Thanh tra tỉnh Hậu Giang, tính đến 30/6/2013, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hậu Giang có 62 mặt hàng thuốc tồn kho với tổng giá trị trên 12,73 tỷ đồng. Trong đó, có những nhà thầu không trúng thầu năm 2013, nhưng có tới 49 mặt hàng thuốc tồn kho với tổng trị giá lên đến 11,5 tỷ đồng. Lại có trường hợp trúng thầu 2013 nhưng lượng thuốc tồn kho của nhà thầu này còn đến 13 mặt hàng với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Đáng nói, giá thuốc tồn kho đắt hơn giá thuốc thực tế của năm 2013 là 305 triệu đồng, tức hơn 25%; đồng nghĩa với việc người bệnh phải chi trả giá thuốc đắt hơn giá thực tế hơn 25%.
Quá trình thanh tra tại BVĐK Hậu Giang cho thấy, BV có nhiều mặt hàng thuốc tồn kho từ 4 - 47 tháng thay vì chỉ được tồn kho từ hai-ba tháng theo quy định. Đáng lưu ý là số thuốc tồn kho này được BV mua với số lượng tăng bất thường và chỉ mua chủ yếu từ ba công ty (CT): Dược Sông Hậu, IMEXPHARM và PYMEPHARCO. Giải trình về vấn đề này, BV Hậu Giang cho rằng, việc ưu tiên mua thuốc của CT dược IMEXPHARM với hợp đồng sáu tỷ là do CT này “hỗ trợ” 450 triệu đồng cho BV, số tiền này BV dùng để xây dựng nhà công vụ cho… cán bộ, nhân viên BV. Còn việc ưu tiên mua của CT Dược Sông Hậu là do CT này của địa phương và cũng có hỗ trợ cho BV rất nhiều.
Riêng việc ưu tiên mua thuốc của CT dược PYMEPHARCO vì CT này đã hỗ trợ cho 30 cán bộ, viên chức BV đi… du lịch. Không chỉ ưu tiên mua thuốc của các CT có “lại quả”, BV còn mua thuốc “quá tay”, khiến lượng thuốc tồn kho lên đến con số khủng như trên. Cụ thể, thay vì chỉ mua thuốc dự trữ ba tháng thì dược sĩ Quách Văn Muội của BV này lại mua một số mặt hàng chưa cần thiết khiến số thuốc tồn kho lên đến 47 tháng.
Sau khi làm rõ những vấn đề trên, Thanh tra tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang kiểm điểm các cá nhân thuộc Sở Y tế và BVĐK tỉnh. Tuy nhiên, các CT “lại quả” cho BV thì gần như “vô can” trong vụ việc này.
Giá thuốc cao, bệnh nhân “gánh”
Trả lời về vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Niên - Phó tổng giám đốc CT Dược PYMEPHARCO, cho rằng: các mặt hàng đều được thông qua đấu thầu đúng theo quy định. Việc tồn kho, mua hàng số lượng như thế nào phụ thuộc vào bên mua, chúng tôi chỉ bán theo yêu cầu đặt hàng của BV. Việc mời bác sĩ (BS) BV đi du lịch là chính sách của CT nhằm thực hiện chương trình... “người Việt dùng hàng Việt”. Chúng tôi mời BS BV (không riêng gì ở BV Hậu Giang, mà còn các BV khác) đi tham quan nhà máy sản xuất thuốc tại Phú Yên, để các BS tin tưởng hơn vào hàng trong nước. BS được tận mắt chứng kiến công nghệ sản xuất, từ đó đẩy mạnh việc sử dụng thuốc nội.
Tương tự, CT IMEXPHARM cũng đưa nhiều lý lẽ để chứng minh việc hỗ trợ 450 triệu đồng cho BV xây dựng nhà công vụ là… không phạm luật. Theo bà Lê Thị Kim Chung, Ban pháp chế, CT IMEXPHARM: “Việc mua bán giữa hai bên là minh bạch. Chúng tôi có hỗ trợ 450 triệu (trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2012) để xây dựng nhà công vụ cho cán bộ, công nhân viên BVĐK Hậu Giang, nhưng không phải là theo hợp đồng đấu thầu, mà theo hợp đồng mua bán bình thường, được ký kết giữa CT và BV như các khách hàng khác. CT bán với giá kê khai, chúng tôi chẳng có gì sai và luật không cấm chuyện đó. Việc sử dụng thuốc như thế nào là thuộc về BV, chúng tôi không biết…”.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Văn Tuấn, CT Luật Thiên Niên Kỷ cho rằng, trong trường hợp một đơn vị, cá nhân nào đó đưa thứ có giá trị để ràng buộc và tác động đến quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng và BV đã nhận những giá trị đó, dẫn đến những hành động thiếu trung thực, không khách quan trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng là vi phạm quy định tại khoản 1, điều 12 Luật Đấu thầu năm 2005: “Đưa, nhận hoặc đòi hỏi bất cứ thứ gì có giá trị của cá nhân và tổ chức có liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng dẫn đến những hành động thiếu trung thực, không khách quan trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng”.
Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mới có thể xác định mức độ hành vi. Đơn cử, từ trước đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể thời gian áp giá thuốc tồn kho của thầu cũ sang thầu mới như thế nào. Căn cứ theo khoản 2, điều 75, Luật Đấu thầu thì cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với cá nhân, không áp dụng đối với tổ chức.
Dù luật chưa rõ ràng, các CT dược “lách luật” hiệu quả, BV bị xử lý “khẽ khàng”, nhưng có một sự thật là người bệnh phải chi trả tiền thuốc cho các CT dược thông qua BV với giá đắt hơn, trong khi họ chẳng được “tài trợ” gì, vì đối tượng được “tài trợ” là BV và các BS. Đó là chưa kể, biết đâu, dưới “áp lực” của bên “tài trợ”, người bệnh có thể bị kê toa không phù hợp. Trong trường hợp không có những phần “tài trợ” trên, liệu BV có mua hàng của các CT dược nói trên không? Các BS có kê toa với các mặt hàng thuốc của các CT dược nói trên? Đặc biệt, nếu không có lợi lộc gì thì BVĐK Hậu Giang có mua thuốc để tồn kho nhiều như vậy?
Trên thực tế, tình trạng trên không hiếm. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp dược nước ngoài cũng có những phương thức hỗ trợ, tài trợ như hội nghị, hội thảo, mời BS đi tham quan du lịch nước ngoài... để BS kê toa. Thiết nghĩ, từ vụ việc này, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý giá thuốc cho phù hợp hơn, xây dựng quy chế thị trường dược phẩm, y tế minh bạch, lành mạnh để giúp cho người bệnh bớt đi những “gánh nặng” khi phải thanh toán những khoản như xây nhà công vụ, đưa BS đi du lịch...
Vinh Nguyễn - Tiến Đạt