Gần 19,9 triệu hội viên phụ nữ
Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, trong năm 2024, hội LPHN các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh”. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong năm, các cấp hội đã công nhận hơn 31.000 hội viên danh dự, nâng tổng số hội viên danh dự hiện nay lên 52.202. Hội LHPN Việt Nam cũng đạt được con số ấn tượng khi kết nạp mới gần 500.000 hội viên, nâng tổng số lên gần 19,9 triệu hội viên. Đến cuối tháng 11/2024, số cơ sở có tỉ lệ tập hợp hội viên dưới 60% giảm từ 1.331 (năm 2023) còn 599.
|
Các hội viên phụ nữ tham gia ngày hội chuyển đổi số do Hội LHPN quận 10, TPHCM tổ chức - ẢNH: NGỌC TRĂM |
Là địa phương có đặc thù với nhiều phụ nữ đi làm tại các khu công nghiệp, bà Nguyễn Phương Mai - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh - cho hay, không ít chị em còn e ngại, chưa muốn tham gia tổ chức hội. Do đó, các cấp hội đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới nội dung, hình thức để lôi kéo chị em. Bên cạnh những hội nghị, hội thi, tọa đàm, truyền thông cộng đồng...
Hội LHPN tỉnh triển khai đến các chi hội thực hiện các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Hiện, toàn tỉnh có gần 600 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ hát dân ca quan họ Bắc Ninh, hơn 1.200 CLB thể dục thể thao - văn hóa thu hút hàng ngàn người tham gia luyện tập...
Một trong những phương thức để thu hút phát triển hội viên mới, theo bà Nguyễn Phương Mai, là mở rộng tính liên hiệp như: tập hợp và tổ chức nội dung sinh hoạt phù hợp với ngành nghề, nhóm phụ nữ đặc thù. Trong năm, các cấp hội đã ra mắt 101 mô hình “3 có, 3 biết”, 83 mô hình “1+1”, 2 “tổ phụ nữ khu chung cư”, 12 “CLB phụ nữ công giáo”... Hiện, toàn tỉnh có 73 mô hình tập hợp phụ nữ theo sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp. Với những nỗ lực ấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh hội tăng mới 4.684 hội viên, góp phần nâng tỉ lệ thu hút hội viên tham gia tổ chức hội đạt 86,69%, tỉ lệ tập hợp đạt 73,49%.
Chuyển mình nhờ "chuyển đổi số"
Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là 1 trong 2 khâu đột phá để nâng cao hoạt động, tổ chức hội, bà Hà Thị Khánh Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai - chia sẻ, trong thời gian qua, hội đã tích cực hỗ trợ phụ nữ ứng dụng CNTT để chuyển mình, phát triển du lịch, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển mạng lưới kinh tế...
Trong 5 năm, từ 2018-2022, đã có 90 ý tưởng đăng ký tham gia ngày phụ nữ khởi nghiệp do tỉnh hội tổ chức, trong đó có 10 ý tưởng kinh doanh lĩnh vực du lịch cộng đồng - dịch vụ lưu trú homestay. Thông qua cuộc thi, hội đã hỗ trợ chuyển dịch từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu số nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Ngoài ra, hội còn hỗ trợ hướng dẫn tư vấn quảng bá hình ảnh trên các website du lịch lớn như Travel, Mytour, Ivivu và trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok; giúp nữ chủ cơ sở kinh doanh du lịch chuyển đổi, số hóa các hoạt động kinh doanh thông qua các ứng dụng công nghệ số vào xây dựng website, định vị vị trí trên Google Maps...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã hướng dẫn chị em đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng phần mềm quản lý thông minh bằng mã QR từ khâu chế biến, sản xuất tới phân phối sản phẩm, kết nối với các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, các sản phẩm của địa phương như bưởi đường Chiềng Ken, bánh chưng đen Văn Bàn, thuốc tắm, tinh dầu Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ... đã đến gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước.
Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, CNTT được ứng dụng rộng rãi tại các cấp hội. Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình, chuỗi sự kiện để tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số; tăng cường sử dụng các phần mềm trong quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thu Thảo cũng thẳng thắn chỉ ra, công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vẫn gặp không ít khó khăn vì một số cơ sở chưa có máy tính riêng (khoảng 7%), một số nơi chưa có mạng internet, chưa có điện lưới nên việc kết nối, trao đổi thông tin hạn chế. Do đó, trong nửa cuối nhiệm kỳ, trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng nền tảng số tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm.
Báo cáo sơ kết của Hội LHPN Việt Nam khẳng định phải tiếp tục “bứt phá trong chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong hoạt động hội, nhất là trong sinh hoạt hội, tập hợp hội viên; tập trung chỉ đạo xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình thu hút, tập hợp hội viên đặc thù, đặc biệt là các mô hình tập hợp phụ nữ trên không gian mạng”.
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam diễn ra ngày 12 và 13/12 nhằm tổng kết hoạt động hội năm 2024, thảo luận kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác hội năm 2025. Hội nghị cũng tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027); tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Hội LHPN Việt Nam. Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam; công tác cán bộ, công tác thi đua khen thưởng và thảo luận một số nội dung thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Hội. |
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng phụ nữ để có những chính sách mang tầm chiến lược Tại hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân chia sẻ về việc phát huy vai trò chủ thể trong tham gia, giải quyết các vấn đề của phụ nữ. Theo đó, nửa nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh kinh tế TPHCM ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, hoạt động hội cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng bằng những giải pháp linh hoạt, chủ động và hiệu quả, Hội LHPN TPHCM đã đề xuất được nhiều chủ trương, chính sách thiết thực và mang tầm chiến lược đối với sự phát triển của phụ nữ. Có thể kể đến chương trình “Vòng tay yêu thương” giúp đỡ trẻ mồ côi khó khăn (tiền đề cho chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội). Đồng thời, Hội LHPN thành phố cũng đã mạnh dạn đề xuất Thành ủy chấp thuận chủ trương phân phối 37,5 tỉ đồng từ Quỹ cứu trợ TPHCM để hội thực hiện chương trình trong 5 năm, bắt đầu triển khai từ năm 2023. Hiện có 1.177/1.679 trẻ được nhận đỡ đầu hằng tháng với số tiền từ 500.000-2 triệu đồng, 100% trẻ mồ côi do COVID-19 đều có mẹ đỡ đầu. Hội cũng đề xuất Thành ủy ban hành thông tư về lãnh đạo thực hiện “Tháng cùng phụ nữ hành động” vào tháng Mười hằng năm, nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân cùng hỗ trợ, đồng hành với tổ chức hội các cấp thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều cán bộ hội trong vai trò là đại biểu HĐND đã tích cực tham gia góp ý, đề xuất các chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Hội LHPN TPHCM đã được UBND thành phố chấp thuận phê duyệt dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư”. Với hơn 13 tỉ đồng, chương trình đã hỗ trợ hơn 2.000 phụ nữ tại 12 quận, huyện, thành phố phục hồi sinh kế, truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình... Để có được những kết quả trên là nhờ “Hội LHPN TPHCM đã có quá trình nắm bắt thực tế, nguyện vọng, mong muốn của hội viên, phụ nữ và người dân; nghiên cứu cơ chế, chính sách và chủ động xây dựng chương trình, đề án phù hợp với thực tiễn; nỗ lực, bền bỉ, kiên trì bảo vệ ý kiến đề xuất với những lý lẽ có căn cứ khoa học” - bà Nguyễn Trần Phượng Trân khẳng định. |
Huyền Anh