Búp bê tình dục trẻ em và lằn ranh đạo đức

31/03/2016 - 07:49

PNO - Những năm gần đây, búp bê tình dục trở thành một sản phẩm được buôn bán tràn lan trên thị trường, khách hàng muốn sở hữu chỉ cần vài cú click chuột.

Dư luận từng nổi lên nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc kinh doanh sản phẩm đặc biệt này, đơn cử là làn sóng phản đối việc BBTD mô phỏng hình dáng của trẻ em gái.

Nhà sản xuất Shengyi (Quảng Đông, Trung Quốc) đã không ngần ngại giới thiệu BBTD giá gần 1.200 USD do họ sản xuất là sản phẩm độc nhất vô nhị, có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng. “Cô bé” BB này có chiều cao, vóc dáng, vẻ mặt như một bé gái 12 tuổi. Ông Shin Takagi, Giám đốc Công ty Trottla (một hãng sản xuất BBTD trẻ em ở Nhật Bản) cũng từng thừa nhận, mình bị hấp dẫn và có ham muốn tình dục với những đứa trẻ.

Đó cũng là lý do ông ráo riết thúc đẩy bộ phận sản xuất thực hiện BBTD mô phỏng các bé gái để đưa ra thị trường. Theo lập luận của người đại diện Trottla, Shengyi và các công ty đang tham gia sản xuất những “bé gái” bằng silicon, đã giúp thỏa mãn cho những khách hàng muốn quan hệ tình dục với trẻ em gái mà không bị buộc tội(?!).

Lập luận trên chỉ là một cách nói bao biện cho mục đích chạy theo lợi nhuận của các công ty. Không có một khảo sát hay báo cáo nào khẳng định việc sở hữu BBTD mô hình trẻ em gái có thể làm giảm các hành vi phạm tội ấu dâm. Một thành viên trên mạng Twitter nhận xét: “Vấn đề tôi quan tâm là liệu BB giống như thật trên có đáp ứng được nhu cầu của những kẻ thích ấu dâm để chúng buông tha cho các bé gái không, hay biết đâu lại càng khiến chúng thêm ham muốn những đứa bé”.

Bup be tinh duc tre em va lan ranh dao duc
Bà Mellissa Evans lập chiến dịch yêu cầu chính quyền ngăn chặn việc kinh doanh BBTD - Ảnh: CHANGE.ORG

Michael Seto, tiến sĩ ngành tâm lý học và tình dục tại ĐH Toronto (Canada) cho rằng: “Mặt trái của BBTD có thể khiến chứng rối loạn hành vi tình dục hoặc sở thích trái pháp luật bùng lên mạnh mẽ. Nguy hiểm hơn, việc cổ xúy cho mặt hàng này lâu dài còn khiến mọi người quen dần với hành vi ấu dâm, xem việc quan hệ tình dục với trẻ em là điều bình thường”.

Xét về đạo đức, việc lợi dụng hình tượng trong sáng của những bé gái đang độ tuổi phát triển để “đánh” vào bản năng và sự thu hút giới tính là điều khiến dư luận phẫn nộ. Bức xúc trước tình trạng ngày càng có nhiều BBTD của Trottla tràn ngập thị trường, bà Mellissa Evans (Queensland, Australia) đã phát động chiến dịch kêu gọi chính phủ Australia sớm ban hành lệnh cấm nhập mặt hàng trên.

Chiến dịch của bà trên trang change.org đã nhận được hơn 18.000 chữ ký ủng hộ. Là một người mới lên "chức" bà, bà Mellissa Evans nhìn nhận: “Mọi người cho rằng BB mang gương mặt trẻ em là đồ chơi vô hại, nhưng thử nghĩ khi nhu cầu tăng mạnh, việc tách bạch giữa BB với những đứa trẻ thật sự chỉ là ranh giới vô cùng mỏng manh. Nhận ra mối nguy hiểm từ những dấu hiệu có thể dẫn đến sai lệch trong nhận thức mới là cách chúng ta bảo vệ con em mình triệt để”.

Những ý kiến bảo vệ sự hiện diện của loại BBTD này cho rằng, khi nào chưa có hành vi phạm tội đối với trẻ em thì một người ham muốn hình ảnh ấu dâm, sử dụng vật thay thế chưa thể bị xem là… tội phạm. Một số người còn so sánh loại BB trên với những phim hành động bạo lực, có cướp, giết, hiếp; nếu cấm, phải cấm cả những bộ phim như thế. Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, sự khác biệt cơ bản khiến việc quan hệ tình dục với BBTD mang hình dáng trẻ em trở nên đáng ngại hơn vì đây là hành động mà một cá nhân thực hiện có chủ đích và có những bước không khác hành vi giao cấu với trẻ em.

Tiến sĩ Maggie Hall, giảng viên lĩnh vực khoa học xã hội của ĐH Western Sydney (Australia), người nhiều năm nghiên cứu về hành vi phạm tội tình dục, khẳng định, BBTD trẻ em không giúp giải quyết được vấn đề như người ta hô hào mà ngược lại, nó củng cố cho hành vi phạm tội đó, biến nó thành điều có lý. Nếu chúng ta xem đó là đồ chơi thì hành vi gần gũi với BBTD trẻ em được xem như tham gia một trò chơi. Liệu bạn sẽ giải thích với một đứa trẻ về trò chơi ấy như thế nào? Nhà sản xuất đã bất chấp việc có thể phá hỏng những giá trị tinh thần cơ bản nhất vì muốn bán những món hàng mà họ cho là độc và lạ.

Ở thời đại các thế hệ robot không ngừng xuất hiện, thay thế con người trong nhiều hoạt động, việc phân định đâu là tiện ích, đâu là sự dẫn dắt sai lệch về tâm sinh lý và đạo đức là vấn đề cần được phân tích rạch ròi, nhất là khi nhà sản xuất chỉ vì mục tiêu duy nhất: lợi nhuận.

Thiên Như (Theo ABC, Atlantic, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI