Búp bê Barbie mang khuôn mặt nhà hoạt động dân quyền

28/08/2019 - 18:00

PNO - Mới đây, công ty Mattel đã đưa ra thị trường một búp bê Barbie mới để vinh danh người phụ nữ đi tiên phong trong hoạt động dân quyền Rosa Parks.

Búp bê này thuộc dòng Barbie truyền cảm hứng cho nữ giới, được phát hành kèm theo tư liệu giáo dục về cuộc đời của bà Parks.

Bup be Barbie mang khuon mat nha hoat dong dan quyen
Búp bê Barbie mới được phát hành kèm theo tư liệu giáo dục về cuộc đời của bà Parks - Ảnh: Mattel Inc.

Việc bà Park từ chối nhường ghế cho một người đàn ông da trắng trên xe buýt vào năm 1955 đã châm ngòi cho phong trào đồng loạt tẩy chay xe buýt do Mục sư Martin Luther King Jr. đứng ra tổ chức. Năm 1999, bà Rosa Parks được trao huy chương vàng của Quốc hội, một trong những phần thưởng dân sự danh giá nhất của Mỹ.

Búp bê Rosa Parks mặc trang phục theo phong cách thập niên 1950.

Dịp này, nhân ngày Bình đẳng Phụ nữ 28/8, công ty Mattel tiết lộ sẽ cho ra mắt búp bê Sally Ride để tôn vinh người phụ nữ Mỹ đầu tiên vào vũ trụ.

Mặc dù nhiều người phản ứng tích cực với các búp bê “vinh danh”, một số ý kiến trên truyền thông xã hội nói rằng những con búp bê đưa ra một sự hình dung “không thực tế” về cơ thể phụ nữ.

Tại sao Mattel chuyển hướng làm búp bê Barbie như vậy? Vì ngày càng nhiều những lời kêu gọi công ty tạo ra những con búp bê đại diện cho các cô gái trên thế giới ngày nay.

Đầu năm 2019, Mattel giới thiệu búp bê người ngồi xe lăn và một Barbie có chân giả. Tuy nhiên, công ty nhận được không ít chỉ trích vì ý tưởng này. Năm ngoái, kiểu tóc của búp bê Barbie da màu bị chê trách vì không thể hiện chính xác cách phụ nữ Mỹ gốc Phi tạo kiểu tóc ngoài đời thực.

Năm 2016, Mattel tiết lộ những con búp bê có đường cong, chân dài và nhỏ nhắn nhằm tránh xa hình dạng cố hữu của búp bê. Dòng Barbie mới cũng bao gồm phạm vi rộng hơn của tông màu da và kiểu tóc.

Một nghiên cứu do hãng Tâm lý học phát triển công bố vào năm 2006 cho thấy những cô gái nhìn thấy búp bê Barbie trước khi điền vào bảng câu hỏi đã mô tả hình ảnh cơ thể (búp bê) tồi tệ hơn so với những người không nhìn thấy búp bê. Và các bổ sung mới về da và tóc đánh dấu nỗ lực đa dạng hóa của các nhà sản xuất búp bê Barbie.

Sharon McBean đã tạo ra Nia Ballerina, một nhân vật vũ nữ ba lê da màu cho con gái vào năm 2016 khi cô không thể tìm thấy ở đâu trên thế giới một búp bê vũ ba lê không phải da trắng. Cô nói rằng thật "bực bội và khó chịu" khi các công ty lớn đã nhảy vào lấp đầy khoảng trống này trên thị trường.

McBean nói: "Tôi không làm điều này để kiếm tiền, điều quan trọng hơn là con gái tôi cần phải thấy cháu cũng được đại diện".

Trong khi đó, Salam Sisters là một thương hiệu búp bê đại diện cho một bản sắc Hồi giáo tích cực. Người đồng sáng lập Peter Gould hy vọng búp bê Barbie mới sẽ "phản ánh một sự thay đổi". Ông nói, “một thương hiệu mang tính biểu tượng như Barbie có nhiều thế hệ, hy vọng nó sẽ gửi thông điệp đến các bậc cha mẹ, các thương hiệu lớn khác như Disney cũng đang sản xuất nội dung mang tính bao quát hơn”. Ông Gould cho biết, sẽ tốt hơn nhiều nếu họ làm điều này từ 20 năm trước.

Rosa Parks là ai? Rosa Parks bị bắt tại Montgomery, Alabama vào ngày 1/12/1955 vì từ chối nhường ghế cho một hành khách da trắng. Vào thời điểm đó, hành khách da màu được yêu cầu trả tiền ở phía trước xe buýt sau đó đi về phía cuối xe. Nếu xe buýt đầy khách, người da màu phải nhường ghế cho hành khách da trắng.

Bà Parks bị bắt và bị phạt 14 đô la vì đã từ chối từ nhường ghế của mình.

Bup be Barbie mang khuon mat nha hoat dong dan quyen
Cô Parks đã từ chối nhường ghế của mình cho một khách đàn ông da trắng - Ảnh: Corbis

Sau khi cô Parks bị bắt giữ, Martin Luther King Jr đã kêu gọi người Mỹ tẩy chay hệ thống xe buýt, cuộc tẩy chay kéo dài 381 ngày, dẫn đến sự chia rẽ trong hệ thống giao thông nước Mỹ.

Phát biểu năm 1992, bà Parks cho biết: "Lý do thực sự khiến tôi không đứng lên là tôi cảm thấy rằng mình có quyền được đối xử như bất kỳ hành khách nào khác, chúng tôi đã chịu đựng cách đối xử tồi tệ quá lâu rồi".

Sau đó, bà Parks chuyển đến thành phố Detroit cùng chồng, nơi bà làm trợ lý văn phòng của một nghị sĩ Dân chủ. Sau khi nghỉ hưu, bà dành thời gian cho học viện do vợ chồng bà thành lập nhằm phát triển năng lực lãnh đạo trong giới trẻ.

Bà Park mất năm 2005 ở tuổi 92.

Tô Châu

Nguồn BBC
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI