Bướu giáp nhân có nguy hiểm?

30/12/2017 - 14:30

PNO - Bướu giáp lớn có thể làm khó thở, khó nuốt và gây ho, khàn tiếng.

* Tôi 36 tuổi, vừa đi khám sức khỏe định kỳ, được bác sĩ thông báo bị bướu giáp nhân, kích thước 1cm. Cả bác sĩ và tôi đều bất ngờ, lo lắng vì trước đó tôi không có dấu hiệu nào của bệnh, cũng không thấy cổ bị sưng hay có khối u. Xin hỏi, vì sao tôi lại mắc bệnh này? Bệnh có nguy hiểm không, có chữa dứt được không?

Lê Ngọc Nga (TP.HCM)

Buou giap nhan co nguy hiem?

ThS-BS Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Bướu giáp nhân (Thyroid Nodules) là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam. Hàng năm, Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận khoảng 115.000 người đến khám và điều trị bệnh này. Bướu giáp có thể gặp khi mới sinh hoặc vào bất kỳ lúc nào trong suốt cuộc đời, lứa tuổi thường gặp là từ 30-55 tuổi. 

Bệnh có thể phát sinh do: 

- Chế độ ăn uống thiếu i-ốt: thường gặp nhất. Những người sống ở vùng thiếu i-ốt như vùng cao hoặc những người không dùng i-ốt bổ sung thường có nguy cơ mắc bệnh bướu giáp cao.

- Giới tính: phụ nữ dễ bị rối loạn tuyến giáp hơn nam giới, nên nhiều khả năng phát triển bướu giáp hơn, khoảng gấp 5 lần nam giới.

- Yếu tố gia đình: lịch sử cá nhân hay gia đình của bệnh tự miễn dịch làm tăng nguy cơ.

- Mang thai và thời kỳ mãn kinh.

- Do thuốc: một số phương pháp điều trị, bao gồm ức chế miễn dịch, thuốc kháng 
vi-rút, thuốc tim Amiodarone và thuốc Lithium tâm thần sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

- Phơi nhiễm bức xạ: nguy cơ mắc bệnh gia tăng nếu đã điều trị phóng xạ cổ hoặc vùng ngực, từng tiếp xúc với bức xạ trong thử nghiệm hạt nhân hay tai nạn.

Nhân giáp là tổn thương dạng khối nằm trong tuyến giáp, đa số không có triệu chứng. Bướu giáp nhỏ không gây ra vấn đề gì về thể chất hoặc thẩm mỹ. Bướu giáp lớn có thể làm khó thở, khó nuốt và gây ho, khàn tiếng.

Ngoài ra, bướu giáp còn gây nhiều rối loạn như: mệt mỏi và tăng cân (do suy giáp); hoặc giảm cân ngoài ý muốn, dễ cáu gắt, khó ngủ, tim đập nhanh, suy tim... (do cường giáp). Nhân giáp được phân loại thành nhân lành tính và ác tính, trong đó nhân lành tính chiếm đa số.

Nếu bướu giáp nhân là ác tính và được chẩn đoán là ung thư thì phải được điều trị kịp thời bằng cách cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch vùng cổ. Nếu là bướu giáp nhân lành tính, chỉ cần điều trị khi nhân giáp có kích thước lớn. 

Hiện có nhiều phương pháp điều trị bướu giáp lành tính như mổ hở, mổ nội soi  hoặc điều trị bằng sóng cao tần (RFA), laser - là những kỹ thuật được nhiều nước áp dụng, đã thay thế được hơn 50% các trường hợp phẫu thuật hở, nội soi.

Không phải tất cả bướu giáp đều có dấu hiệu, triệu chứng như: nhìn thấy khối u ở cổ, cảm giác nghẹt ở cổ họng, ho, khàn tiếng, khó nuốt và khó thở.  Khi có các dấu hiệu, bạn phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

 Thùy Dương (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI