Có những người đàn ông và phụ nữ đã lập gia đình, nhưng trái tim kiên định và những cảm xúc thân mật của họ chỉ thuộc về cha mẹ.
Bước vào thế giới tình yêu đôi lứa, họ vẫn còn trong trạng thái của một đứa trẻ từ chối việc làm một người vợ, một người chồng, hay trở thành cha mẹ của những đứa trẻ họ sinh ra. Điều họ muốn là được yêu thương vô điều kiện và không cần phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.
Mê mẹ thì có gì phải lo
Ở cái xóm nhỏ ven thành phố, người ta nhắc đến Tuấn Hào là nghĩ ngay đến người con hiếu thảo. Đứa nào trong xóm hỗn hào, lười biếng, là ngay lặp tức các bà mẹ bảo lại coi bạn Hào mà học hỏi: “Con nhà người ta ba mươi mấy tuổi đầu, ngày đi làm cơ quan, chiều về là lụi hụi phụ mẹ nấu cơm, chở mẹ đi chơi, thấy mà ham”.
Hào là con trai út trong gia đình bốn anh chị em. Vì gia cảnh, Hào được gửi cho bà ngoại chăm sóc khi chưa tròn ba tuổi. Đến tuổi 13, mẹ đón anh về sống chung sau khi ba qua đời và anh chị em khác đã lập gia lập thất. Từ đó, sự trưởng thành của anh gắn liền với hình bóng của mẹ và đương nhiên chuyện tình yêu hôn nhân cũng không ngoại lệ.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Cô giáo Mỹ Liên để ý thương anh, mẹ Liên chép miệng: “Yêu gì cái thằng mê mẹ hơn mê vợ, không sợ sao con”. Liên bảo, đàn ông mê rượu, mê cờ bạc hay mê gái mới sợ, đằng này anh thương mẹ thì có gì phải lo.
Yêu nhau một thời gian, Hào xin phép mẹ tiến đến hôn nhân. Nhìn bề ngoài thì gia đình họ rất êm ấm, nhưng đằng sau là một câu chuyện mà kể ra người ta lại bảo Liên “được voi đòi tiên”.
Hào không bia bọt, bạn bè, không ham gái lạ, cứ xong việc về nhà, thế nhưng mỗi bữa cơm Liên nấu, Hào tỏ ra không hài lòng, anh bảo rằng phải nấu giống như cách mẹ nấu, mới ngon. Liên sắm năm cái áo, Hào chỉ mặc một cái, chỉ thích dùng áo mẹ mua.
Có những đêm giật mình tỉnh giấc, Liên thấy Hào đang chat say sưa với mẹ. Hào có thể kể đủ mọi chuyện trong công việc cho mẹ nghe, còn với vợ anh lại rất kiệm lời.
Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, Hào lại gọi cho mẹ để tìm lại sự bình tâm. Dần dần, Liên nhận ra, Hào cần mẹ hơn vợ. Đối với Hào cô chỉ là một người chị hoặc người mẹ thứ hai, không hơn không kém.
Liên phải chịu trách nhiệm cho mọi nhu cầu của anh mà không cần bất kỳ sự kết nối hay thân mật nào về tình cảm. Bởi, tận sâu trong linh hồn anh đã dành hết tình cảm cho mẹ.
Liên cũng chẳng thể nào “ghen” với mẹ chồng. Để tiếp tục sống chung, cô chỉ biết ráng nhìn vào điểm tốt của Hào là anh vẫn chu cấp tiền và làm tròn trách nhiệm của một người chồng.
Chồng không thể là… cha
Mỗi buổi chiều tan học, cha Tịnh Nhi lại đạp xe lên phố đón con gái về. Từ khi còn nhỏ, Nhi đã bám dính cha hơn mẹ. Người cha cũng muốn con gái mãi bé bỏng bên cạnh mình, không muốn cô lấy chồng sớm.
Có một người cha “tri kỷ” thương yêu mình như vậy, Nhi cũng không ham tìm kiếm bạn trai như bao cô gái khác. Cha cô còn hay bực mình khi thấy mấy anh chàng mới lớn theo rủ rê, hẹn hò con gái.
Điều ông lo lắng là những người con trai non trẻ không biết cách yêu thương con gái, ông sợ “bọn nó” chỉ khám phá lợi dụng con gái ông và làm con ông đau khổ.
Bước qua tuổi 35, Tịnh Nhi gặp và yêu Mạnh Thảo - đồng nghiệp cùng cơ quan và gật đầu đồng ý lấy anh trong dòng nước mắt ngắn dài của cha khi phải xa con gái. Sau khi sống cùng chồng, Nhi mới nhận ra càng ngày chồng càng không giống cha như cô lầm tưởng.
Cô khó có thể dung hòa thói quen sinh hoạt, càng không thoải mái khi phải chăm lo cho chồng. Chính vì tình yêu không đầy, nên cô dễ dàng nhận ra khiếm khuyết của chồng. Sao anh ấy bừa bãi không ngăn nắp, sao anh ấy hay to tiếng, sao anh ấy lười biếng…
Cô nhận ra, chồng không yêu cô vô điều kiện, không chấp nhận cô vô điều kiện như cha. Chồng cũng chẳng thể thấu hiểu cô những lúc cô buồn vui.
Cuối cùng, cô có cảm giác tội lỗi khi phải rời xa cha, không thể chăm sóc cha và thất vọng về chồng khi cô cứ thầm so sánh anh với những gì cha làm cho mình.
|
Ảnh minh họa |
Đừng giao đời mình cho mẹ cha
Con gái lệ thuộc quá mức vào cha, con trai lệ thuộc quá mức vào mẹ rất khó độc lập và tách rời khỏi cha mẹ để xây dựng một gia đình lành mạnh, hạnh phúc. Tình yêu kỳ lạ của cha mẹ dành cho con cái dẫn đến sự gắn kết quá mức khiến đứa con dẫu có trưởng thành cũng không thể có tiếng nói.
Con cái trở thành người thay thế hay người bạn đời bất đắc dĩ của cha, của mẹ. Một khi cha mẹ có ý định dùng con cái để giải tỏa sự cô đơn, trống trải, thất vọng trong cuộc sống hôn nhân thì khi đó con cái không chỉ là con cái.
Chúng sống với cái bóng của cha mẹ, mãi mãi không có chỗ cho hạnh phúc cá nhân. Chúng đồng hóa việc làm vui lòng cha mẹ với hạnh phúc của mình. Những đứa con trai của mẹ như Tuấn Hào và con gái của cha như Tịnh Nhi không thể độc lập và ly khai khỏi tình cảm với cha mẹ thường gặp khó khăn trong tình yêu đôi lứa.
Mỗi người con phải sống thật tốt cuộc đời của mình, biết cách phụng dưỡng tôn trọng cha mẹ nhưng xin đừng giao cuộc đời mình cho cha mẹ. Thành công trong hôn nhân của con cái sẽ đến khi cha mẹ dám để con mình rời đi. Chính tình yêu và sự tôn trọng của cha mẹ sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa cho con.
Mia Nguyễn