Có đôi lần tôi cũng như nhiều người, tỏ ý trách một người đàn bà nào đó không biết yêu bản thân, không mạnh mẽ, không hiện đại, chỉ cam chịu, ngồi ngân ngấn nước mắt kể về cuộc hôn nhân nhiều vấn đề với câu nói như bùa hộ mệnh: “Chị ráng vì con!”.
Nhân gian muôn hình muôn trạng, có vạn tính tình, hoàn cảnh sống khác nhau. Mọi phản ứng của chúng ta trước những vấn đề của bản thân làm sao có ai giống ai được! Để rồi thấu tỏ, khi trải nghiệm đủ nhiều, người ta chỉ lặng lẽ chia sẻ, yêu thương hoặc gửi đến lời cầu bình an, chứ không ai dùng từ ngữ để phán xét hay đánh giá.
|
Nhân gian muôn hình vạn trạng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Thật ra, không đợi đến bây giờ, hôn nhân mới có nhiều vấn đề. Thời ông bà mình, mâu thuẫn vợ chồng đâu ít. Tôi từng thấy bà nội giận ông nội hàng năm liền. Ông đi ra nhà sau thì bà lên nhà trước. Không khí trong nhà lạnh tanh, nặng như đeo ngàn tảng đá. 2 mâm cơm dọn riêng suốt nhiều năm lặng lẽ.
Tôi từng nghe mẹ mình tức tưởi khóc thầm, thậm chí bật lên thành lời oán thán ba vì rất nhiều chuyện, từ chuyện nhỏ đến chuyện to. Những điều ấy, có khác gì bây giờ đâu! Yêu thương, thất vọng, tổn thương, hay nguội lạnh như tàn tro… Thiết nghĩ khi nào còn con người, còn luyến ái thì sẽ không có gì khác cả.
Chỉ khác là, thời thế bây giờ thay đổi. Xã hội không còn những định kiến nặng nề về việc ai đó có hôn nhân gãy đổ.
Vị thế người đàn bà trong gia đình và xã hội cũng không yếu thế như ngày xưa. Thế nhưng, dẫu thời gian và hoàn cảnh sống có khác nhau như thế nào thì tình yêu thương con của người đàn bà không bao giờ thay đổi.
Ta hay nghe nói đàn bà cả nghĩ, lo xa, nhất là lo cho con cái của họ. Ngày nào ấy, chỉ mới yêu nhau, đàn bà đã mỉm cười khi xuất hiện trong đầu mình “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Ngày nào ấy, vừa nôn nao những cơn thai nghén là đàn bà đã vội tính chuyện mua quần áo, tã, mũ, giày.
Mỗi ngày, xếp đi xếp về rồi mường tượng ra hình ảnh một đứa trẻ bi bô loanh quanh khắp sân nhà.
Đàn bà bây giờ, nhiều người có học hành, có kinh tế, có gia đình, bạn bè bên cạnh. Nên nếu họ phải rời bỏ cuộc hôn nhân vì quá nhiều vết thương, có vẻ dễ hơn xưa rất nhiều. Dẫu vậy, nếu không buông ra đặt xuống hàng trăm ngàn lần, nếu không rơi nước mắt tủi thân hay tổn thương đến cạn khô, đàn bà nào nỡ buông tay để gia đình tan đàn xẻ nghé!
Em nói với tôi, em không thể bỏ con lại cho nhà chồng, nhưng cũng không thể rời khỏi đó mà mang 2 con theo. Một mình em làm sao nuôi nổi con! Em thà khóc và mất ngủ hằng đêm vì đau đớn, còn hơn để con em không biết ở đâu, ăn gì và học hành ra sao!
Tôi thật tình không biết khuyên em điều gì. Có không ít những người đàn bà đã rời đi cùng con nhỏ. Gia tài không có gì ngoài mấy mẹ con và đôi bàn tay trắng. 10 năm sau, ta thấy chị ổn, con cái thành tài hiếu thảo, chị cũng có người đàn ông thật sự yêu thương và trân trọng chị.
Thế nhưng, quãng thời gian bơ vơ ngày cũ, có ai hình dung như thế nào không? Và cho dù có hình dung thì ta làm gì hiểu được sự vất vả đau đớn khủng khiếp của chị và các con? Cũng có những người đàn bà rời đi, không chống đỡ nổi, cuộc sống lay lắt tạm bợ, các con sa vào con đường xấu, hư hỏng. Nước mắt nối nước mắt…
Đừng mong bão tố đến để biết trân trọng những ngày bình yên. Bởi lẽ, trong trận cuồng phong ấy sẽ có rất nhiều mất mát không bao giờ tìm lại được. Cũng đừng lên tiếng trách bất cứ người đàn bà nào khi họ ngại xông ra ngoài gió mưa một mình. Họ có quyền được sợ, được lo. Họ có quyền lựa chọn cuộc đời cho mình.
Tôi cứ mãi nặng lòng, sao cứ gần một khuôn mặt đàn bà là ta có một câu chuyện về tình yêu hôn nhân, không ai giống ai. Và câu chuyện nào cũng như câu chuyện nào, không ngừng dấy lên trong ta cảm xúc thương cảm vô cùng tận!
Chị xinh đẹp, có nghề nghiệp, gia đình khá giả, hiện đại. Chị lấy anh như người ta nói: “Sai từ cái cúc áo đầu tiên!”.
Ngày cưới, chị biết rõ trái tim mình không yêu. Người ta cứ nói với nhau về việc lấy người yêu mình, có điều kiện là mình sẽ sung sướng, đừng lấy người mình yêu.
Mới lớn lên, chị bập bõm yêu đương vụng dại với mối tình sinh viên đầu đời, không đến đâu rồi thôi. Nhà anh mang trầu cau dạm ngõ. Cả dòng họ vun vào. Ba mẹ chị không ép, nhưng không hiểu sao chị nhận lời. “Chị toan tính hả em?”, tôi vẫn nhớ ánh mắt thật buồn và câu nói trĩu nặng của chị rơi ra trong lần 2 chị em ăn trưa cùng nhau.
Hơn 20 năm, cuộc sống gia đình cứ vậy trôi qua, sóng gió có nhưng cũng chỉ là những gợn lăn tăn nho nhỏ. Chị cảm giác mình như lục bình trôi giữa sông. “Không lẽ, trải qua trọn một kiếp làm người chị không hề biết yêu một người là thế nào?”. Có những đêm, khi anh đã ngáy o o bên cạnh, chị ngồi dậy, trong bóng đêm, nước mắt cứ vậy chảy.
|
Chị cảm giác mình như lục bèo trôi giữa sông (Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Jcomp) |
Rời đi ư? Đã hơn một lần chị nghĩ đến. Chị có tiền chứ, có nhà ở chứ, còn cả công việc, người thân ai cũng thương, sẽ chẳng có ai trách chị. Nhưng, nghĩ đến cảnh không còn nhìn thấy con mỗi ngày, 3 đứa, không nói với chúng dăm ba câu, chị nghe như có ai đó đưa bàn tay thô bạo xiết chặt trái tim mình. Chị không gánh nổi cảm xúc nếu phải xa con, không nhìn thấy cả 3 đứa chúng nó mỗi ngày. Chị biết chị sẽ không còn có thể tìm vui ở bất kỳ ai, hay bất kỳ
ở đâu.
Với đàn bà, bản năng yêu thương con cái gần như là lẽ tồn sinh. Họ sẽ làm tất cả vì đứa trẻ mình sinh ra. Buông hay nắm gì với đàn bà cũng là sự trăn trở, là sự lựa chọn và cái giá của tất cả điều ấy chính là cuộc đời họ - của riêng họ.
Thiết nghĩ, đứng trước sự buông hay nắm tay giữ cuộc hôn nhân của bất kỳ người đàn bà nào, nếu có thể ta hãy thương cảm thấu hiểu và cầu chúc họ bình an hơn là bất kỳ xúc cảm nào khác.
Triệu Vẽ