PNO - Trước khi diễn đàn chính thức khép lại, mời các bạn điểm qua những giải pháp “buông điện thoại” được đề xuất và đã “nghiệm thu” từ chính người trong cuộc.
LTS: Khởi động từ tháng 3/2019, trong vòng 3 tháng, chuyên mục “Buông điện thoại 1 giờ/ngày - được không?”, Báo Phụ nữ TP.HCM, đã nhận được 175 bài viết của bạn đọc. 45% người “tiếp thu nhanh và thực hành hiệu quả” trong vòng… một tuần. 35% thú nhận đã buông điện thoại một ngày 1 giờ, nhưng không liên tục, mà “cộng lại hết thời gian buông trong một ngày”. 20% đã nỗ lực tìm mọi cách để buông đúng như đề xuất của chuyên mục.
Điểm chung là hầu hết tác giả đều công nhận việc “Buông điện thoại 1 giờ/ngày” mang lại nhiều lợi ích. Họ công nhận chuyên mục đã nhắc nhở và truyền cảm hứng cho họ sống cân bằng hơn, yêu thương và trung thực hơn với gia đình. Họ tự cam kết sẽ tiếp tục cai điện thoại trong khả năng có thể.
Báo Phụ nữ rất cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc. Mong các bạn luôn thành công với mục tiêu hướng đến cuộc sống hạnh phúc.
Tuy không phải giải pháp nào cũng thành công, nhưng ý thức dành thời gian trọn vẹn cho con ít nhất một giờ/ngày đã được những bậc làm cha mẹ nâng cao. Đó mới chính là thành quả ngọt ngào nhất mà diễn đàn đạt được sau hơn ba tháng đồng hành cùng độc giả của mình.
Buông điện thoại: Rất khó, nhưng không phải là không thể
Độc giả Nguyễn Triều chia sẻ phương án của mình: “Tôi thống nhất với vợ tuyệt đối không dùng điện thoại ở phòng khách hay bếp để các con không nhìn thấy. Tôi mua thêm đồ chơi và cùng chơi với con. Vào những khung giờ thường sử dụng điện thoại như sau giờ ăn cơm, vợ chồng đưa con ra ngoài chơi. Đến bây giờ, tuy chưa buông được hẳn điện thoại nhưng thời gian “cắm” mặt vào máy của gia đình tôi cũng giảm
rất nhiều”.
Ảnh minh họa
Không chỉ cố gắng dành thời gian chơi với con, bạn Xuân Lộc còn kéo cả ông xã vào cuộc chơi tiếp sức mỗi khi bắt đầu thấy đuối. Đến khi cả hai cùng thấm mệt thì bạn mới lôi điện thoại ra để hai mẹ con cùng tô màu. Và bạn nhận ra vẫn là trò chơi trên chiếc điện thoại đó, nhưng khi được chơi cùng mẹ, thì con bạn cũng cười nói nhiều hơn, chứ không im lặng tự kỷ như lúc một mình xem YouTube.
Cũng với cách tương tác này, bạn Song Hạ gom hết cả nhà vào một phòng, mẹ vừa làm việc, vừa quản lý việc học, chơi, và trả lời mọi thắc mắc của các con. Còn chị Đặng Thu Phương, sếp một đơn vị truyền thông thì quyết định chia sẻ với con những khó khăn của mình và nhân viên trong lúc xử lý mọi công việc bằng điện thoại.
Cho đến khi con chị thủ thỉ: “Mẹ ơi, con hiểu công việc của mẹ rồi, mẹ vất vả quá. Giờ con không đòi mẹ dành thời gian cho con nữa đâu. Vì cô chú đi làm ngoài kia nguy hiểm và cần mẹ hơn con”, chị biết chính sợi dây giao tiếp giữa hai mẹ con đã khiến việc cắm mặt vào điện thoại không còn là cái gì đó quá ghê gớm.
Bạn Trang Đào lại nghĩ để chơi với con được trọn vẹn, chúng ta không nên mang căng thẳng của công việc bên ngoài về nhà. Mỗi tối sau khi hết việc nhà, bạn cũng không ôm điện thoại một mình mà sẽ cùng con... xem bộ phim mà cả hai mẹ con cùng thích. “Và điều quan trọng là tôi không bao giờ ôm điện thoại khi ăn uống. Lúc chồng dạy con học, tôi cũng tìm việc gì đó để làm như vệ sinh nhà cửa, ủi quần áo, dọn tủ bếp...”, bạn chia sẻ.
Ảnh minh họa
Thúy Quyên thì cho rằng để có thể buông điện thoại, hãy tắt kết nối mạng khi về nhà, biến smartphone thành một “cục gạch” đúng nghĩa với hai chức năng nghe và nhận. Vì vậy, bạn vẫn có thể giải quyết công việc bằng cách nhận cuộc gọi và tin nhắn bình thường, mà không bị cuốn vào những thứ cám dỗ trên mạng.
Đồng tình với điều này, chị Thiên Thu kể: “Tôi đã tự cai nghiện smartphone bằng cách bán nó và thay bằng một chiếc điện thoại cùi bắp. Phải mất một thời gian khá dài, tôi mới thích nghi được và cảm thấy cuộc sống vẫn ổn như chưa từng có cái gọi là “công nghệ thời hiện đại” đi qua đời mình”.
Buông điện thoại: điều nhất thiết phải làm
Hầu hết mọi người đều nhận ra, một chiếc điện thoại thông minh có thể rút ngắn khoảng cách khi người ta xa nhau hàng vạn cây số, nhưng cũng chính nó làm con người ngàn trùng xa cách ngay cả khi đang ngồi cạnh nhau. Rời khỏi điện thoại và những thiết bị thông minh khác chưa bao giờ là một thông điệp khẩn thiết như bây giờ.
Bạn Hải Thư chia sẻ: “Tôi nhớ mình đã từng cảm thấy khó chịu ra sao khi chứng kiến một người mẹ trẻ ôm khư khư điện thoại, phó mặc con cho bà ngoại. Một lần đưa con đi tiêm ngừa, tôi đã bức xúc trước hình ảnh một người mẹ lướt smartphone nhoay nhoáy, để mặc đứa con tầm hai tuổi suýt lao ra lòng đường xe cộ tấp nập. Tôi tin những đứa trẻ chậm nói, còi cọc, nổi loạn, thậm chí tự kỷ… phần nào có liên quan đến việc cha mẹ chúng xa rời con”.
Bạn Thái Phương cũng đồng tình: “Một người mẹ từ bỏ mạng xã hội vì con cái, là việc nên làm. Điện thoại đã ngốn quá nhiều thời gian, sức lực, khiến tôi quên hẳn là mình nên gần gũi để tìm hiểu tâm tư của con. Sau một thời gian dài làm… người tình của điện thoại, tôi chẳng thấy bổ béo gì từ cái vật vô tri vô giác mà vì nó, tôi đã quên những giá trị khác tốt đẹp hơn”.
Tiến sĩ Lê Minh Thuận - Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Q.2 (TP.HCM): Phần lớn các nghiên cứu về nghiện điện thoại thông minh tập trung vào người lớn và trẻ em độ tuổi đến trường. Một số ít đã khảo sát tác động của việc lạm dụng điện thoại thông minh thời thơ ấu.
Năm 2017, nghiên cứu Cho và Lee đã khảo sát các bậc cha mẹ có con từ một đến sáu tuổi về ảnh hưởng của chứng nghiện điện thoại thông minh ở trẻ nhỏ liên quan đến các hành vi có vấn đề và trí tuệ cảm xúc. Mục tiêu chính của nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng điện thoại thông minh của cha mẹ với chứng nghiện điện thoại thông minh của trẻ em. Có thể thấy, thói quen sử dụng điện thoại thông minh của cha mẹ tác động rõ ràng hơn đối với chứng nghiện điện thoại thông minh của trẻ nhỏ.
Tôi cho rằng tác động của các ứng dụng giáo dục hoặc việc sử dụng điện thoại thông minh vào mục đích học tập đáng được chú ý đặc biệt, bởi vì chúng có thể mang ảnh hưởng có lợi, đến các mức độ khác nhau, đối với sự phát triển nhận thức của trẻ nhỏ. Chẳng hạn như điều hành hoạt động, trong đó đề cập đến một nhóm các khả năng nhận thức ở cấp độ cao hơn, cho phép thực hiện các hành vi hướng mục tiêu linh hoạt và phức tạp.
Ví dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy trí nhớ làm việc của trẻ em, một khía cạnh chính của chức năng điều hành, đã cải thiện sau khi chơi với một ứng dụng giáo dục so với xem một phim hoạt hình.
Hơn nữa, do các phương tiện truyền thông có thể ảnh hưởng đến sự điều tiết cảm xúc của một người, các nghiên cứu trong tương lai cũng nên xem xét tác động của việc sử dụng điện thoại thông minh đối với sự điều tiết cảm xúc và năng lực xã hội của trẻ nhỏ, sẽ làm sáng tỏ sự phát triển tình cảm xã hội của trẻ nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân - nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM):
Tôi thấy hiện nay phụ huynh chia làm hai nhóm. Nhóm có kiến thức hiện đã cập nhật tác hại của việc cho trẻ dùng thiết bị di động. Tôi thấy họ đã cố gắng giảm thiểu tối đa việc cho trẻ tiếp cận. Việc coi ti vi cũng hạn chế. Nhóm còn lại vừa không ý thức về các tác hại, vừa không đủ điều kiện trông giữ trẻ để có thể làm việc.
Tuy nhiên, cho dù người có kiến thức, biết tác hại và đã cố gắng giảm thiểu, hay người chưa ý thức thì vẫn còn tùy hoàn cảnh thực tế của họ có cho phép họ làm điều họ muốn cho con mình không. Và nên nhớ rằng, không ai thương trẻ hơn cha mẹ chúng, nên chắc chắn họ sẽ biết cái gì tốt nhất cho con.
Một cách đơn giản nhất, theo tôi, trong hoàn cảnh đại đa số gia đình hiện nay, cha mẹ nên hướng trẻ vào các hoạt động, trò chơi lành mạnh khác như xếp lego, xem truyện tranh… Trò chuyện một cách kiên nhẫn, hài hước đã là một cách chơi lành mạnh với con rồi. Và dĩ nhiên, không thể cắt toàn bộ mọi sự tiếp xúc với thiết bị di động.
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.