Buông điện thoại 1 giờ/ngày - Được không? Chơi với con không dễ

29/03/2019 - 11:00

PNO - Cách đây chưa lâu, tôi vẫn có thói quen “trông con bằng điện thoại” mỗi tối mà không hề day dứt.

Bỗng một ngày, tôi thấy con có những biểu hiện kênh kiệu, thách thức và thỉnh thoảng hát những câu hát chế khó nghe. Sau khi kiểm tra, tôi phát hiện con xem một số kênh trên  YouTube dành cho trẻ em nhưng nội dung lại không phù hợp chút nào.

Con trai nhỏ của tôi đã được ba tuổi rưỡi, rất thích chơi với ba mẹ, nhưng lúc trước tôi thường tranh thủ thời gian buổi tối để làm việc hoặc chơi “phây”. Thấy tôi đang dán mắt vào máy tính, con nhăn nhó nói: “Mẹ ơi, giờ này đâu phải giờ làm máy tính”. Tôi vẫn đang chat dang dở với cô bạn, nên nói nhanh: “Con xem điện thoại một chút rồi mẹ sẽ chơi với con”. Tôi chỉ định nói thêm vài câu, nhưng câu chuyện kéo dài đến giờ đi ngủ.

Buong  dien thoai 1 gio/ngay - Duoc khong? Choi voi con khong de

Con trai tôi thường không có ý kiến gì nếu được giao chiếc điện thoại. Kênh YouTube với nội dung hấp dẫn khiến trẻ con xem hoài không chán. Nhưng hậu quả từ việc “mê lướt” thật khó lường. Những nội dung độc hại, bạo lực, những nhân vật thô lỗ, kênh kiệu, những câu nói thách thức... rất phổ biến, mọi đứa trẻ dưới sáu tuổi đều dễ dàng tiếp thu và bắt chước.

Tôi có anh bạn doanh nhân gần 60 tuổi. Anh kể, ngày còn trẻ, anh đam mê công việc đến nỗi không biết hai con trai đầu lớn lên thế nào. Môi trường ở Mỹ không dành cho những người làm việc làng nhàng, nên anh luôn trong tình trạng đầu tắt mặt tối để lo cho gia đình. Đến khi anh có sự nghiệp, tài chính vững vàng thì hai con trai đã vào đại học. Gia đình tan vỡ cũng vì anh không có thời gian dành cho con. Trở về Việt Nam, anh có cô vợ trẻ và con gái bốn tuổi.

“Đến lúc này, tôi mới thấy mỗi ngày con lớn lên tuyệt vời thế nào. Mỗi lời con nói như rót mật khiến tôi không thể không dành thời gian cho con bé. Thời gian chơi với con giống như thời gian thiền của tôi vậy”. Anh cho biết: “Trông con bằng điện thoại, iPad là hiện tượng phổ biến ở Mỹ chứ không riêng gì Việt Nam. Đã có nhiều khuyến cáo về mối nguy hại khi cho con xem điện thoại, iPad quá nhiều. Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết nhưng không đủ sự kỷ luật để buông điện thoại và chơi với con”. 

Buong  dien thoai 1 gio/ngay - Duoc khong? Choi voi con khong de
 

Từ khi thức tỉnh với việc dành thời gian cho con, tôi quyết định buông điện thoại mỗi tối để tập trung chơi với con. Tôi đã tham khảo rất nhiều sách về cách chơi với con nhưng với con tôi, tất cả chỉ là lý thuyết. Bộ lego tôi mới mua về, con xếp được hai lần rồi xếp vào một góc. Những cuốn truyện tranh với nhiều màu sắc ngộ nghĩnh, con chỉ muốn đem ra tô màu một chút chứ không thích nghe đọc. Con nói: “Con muốn nghe chuyện mẹ kể hơn”. Nó thích bày ra nhiều trò mới từ đống chăn gối, chơi nước, chơi cát, trốn tìm... Chẳng hạn trò chơi xếp nhà bằng chăn gối, tôi sẽ xếp gối thành vòng tròn, phủ chăn lên để nó chui vào trong. Nó lăn lộn hai, ba vòng thì nhà sập. Tôi lại xếp lên trong niềm phấn khích bộc lộ rõ của con. Tôi xếp khoảng 10 lần như thế thì con trai chui vào chăn trốn và tôi giả vờ đi tìm khắp nhà: “em ơi, em đâu rồi”. Và tôi nghe tiếng cười khúc khích của nó trong chiếc chăn.

Khi bắt đầu cảm thấy đuối, tôi nhờ chồng tiếp tục chơi với con. Chồng tôi lôi bộ lego đang xếp ở trong tủ ra, xếp thành hai cây súng và cha con “truy đuổi” nhau từ nhà trước ra nhà sau. Đến khi vợ chồng tôi đều thấm mệt thì cậu con trai vẫn chưa thấy mệt chút nào. Nó nài nỉ: “Mrẹ ơi, chơi tiếp đi mẹ”. Tôi nói: “Mẹ mệt quá, hay mẹ con mình chơi tô màu trên điện thoại nhé”. Tôi nằm xuống để con trai nằm trên bụng, hai chúng tôi chơi trò tô màu cùng nhau. Tôi thấy con cười nói nhiều hơn, chứ không im lặng một mình như khi con một mình xem phim trên YouTube.

Hầu hết chúng ta đều ngày càng bận rộn với công việc. Nhưng ngẫm lại, thời gian bận rộn nhất là tán gẫu, lo nghĩ, phiền toái vì quá khứ hay tương lai. Nếu chúng ta có thể ngồi xuống dành trọn vẹn cho đứa con trước mặt, lắng nghe không chỉ câu chuyện mà cả biểu hiện nói cười, thì cả hai sẽ đạt được sự cảm thông lẫn hạnh phúc bên nhau. 

Khi nói chuyện với tiến sĩ Lê Nguyên Phương, người có hơn 15 năm tư vấn học đường ở Mỹ và Việt Nam, tôi nhận ra mình đã có nhiều thiếu sót trong việc dạy con, đặc biệt là chưa dành đủ thời gian cho con. Ở bình diện tâm lý, trẻ con cũng học cách nhận diện và điều tiết cảm xúc để từ đó có thể tự trấn an, xoa dịu những cảm xúc đau đớn của mình khi được đáp ứng cảm xúc từ cha mẹ. Nhưng khi được nuôi dạy từ những phụ huynh không hiểu được những biến chuyển tâm lý của trẻ con và không biết tự kiểm soát những cảm xúc cá nhân, trẻ lớn lên không phát triển được trí thông minh cảm xúc, khó nhận biết, xử lý và tương tác hiệu quả cảm xúc của mình với người khác. Tất cả thay đổi về não bộ và cảm xúc của trẻ sẽ đến lúc ảnh hưởng đến tính cách và hành vi của trẻ khi trưởng thành. 

Và mặc dù các chương trình mang tính giáo dục có thể giúp trẻ phát triển từ vựng hay tập đọc, làm toán nhưng không thể giúp trẻ trong lĩnh vực phát triển tình cảm, khả năng giao tiếp xã hội hay giải quyết các vấn đề của trẻ.

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI