Cuộc thi viết "Vẻ đẹp của nước"

Buồn vui nước sạch Sài Gòn

28/06/2024 - 05:50

PNO - Ai từng sinh sống, học tập và làm việc ở Sài Gòn - TPHCM đều thấy rõ, nơi nước yếu thì nay mạnh hơn, nơi chưa có đường ống thì nay đã được lắp mới, chất lượng nước và dịch vụ cấp nước đều được cải thiện đáng kể. Nhưng, cũng từng có một thời, phải gian nan lắm mới có được nước sạch.

Người dân mua nước sạch trên đường Lê Văn Lương (ấp 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) ngày 14/2/2006 ẢNH: HƯƠNG HUYỀN
Người dân mua nước sạch trên đường Lê Văn Lương (ấp 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) ngày 14/2/2006 ẢNH: HƯƠNG HUYỀN

Một thời xếp hàng mua nước từng can

Khoảng hơn 20 năm trước, ở một số nơi, dù chỉ cách trung tâm thành phố không xa nhưng để có nước sinh hoạt, người dân phải chi 80.000 đồng, thậm chí 120.000 đồng để mua 1m3 nước do các điểm cấp nước tư nhân chở đến tận nhà và bơm vào bồn chứa. Khổ nỗi, không phải có tiền là mua được nước sạch mà phải chờ đợi, có khi mất 2-3 ngày.

Từng sống ở huyện Nhà Bè những năm 2000, tôi ám ảnh với cảnh thiếu nước thường xuyên, sinh hoạt đảo lộn, ngày đêm thấp thỏm chờ tin nước. Bấy giờ, do nước nguồn yếu nên thị trấn Nhà Bè và các xã Phú Xuân, Nhơn Đức, Phước Kiển đều thiếu nước sạch dù Chi nhánh Cấp nước Nhà Bè (nay là Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè) đã nỗ lực huy động xe bồn cung cấp 100.000 m3/ngày.

Lúc bấy giờ, nếu nước nguồn ổn định, các hộ ven đường lớn hay các khu dân cư đông người đỡ vất vả nhưng các nhà mới xây hoặc nằm sâu trong ruộng, ao thì việc đấu nối đường ống không dễ; nếu có thì nước yếu, chảy nhỏ giọt. Ở các điểm cung cấp nước trên đường Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát, ngay từ mờ sáng đã đông nghịt người xếp hàng đợi mua từng can nước.

Những ngày cao điểm thiếu nước, mỗi người chỉ được mua 1 can loại 30 lít. Để đủ nước sinh hoạt cần thiết trong ngày, các hộ phải huy động cả nhà xách can đi mua. Một số người phải đến nhà người quen vệ sinh cá nhân trước khi đi làm và tắm rửa, giặt giũ trước khi về nhà.

Công nhân SAWACO thi công tuyến ống D1200mm dọc đường Nguyễn Cửu Phú (huyện Bình Chánh) - ẢNH: BÍCH ĐINH
Công nhân SAWACO thi công tuyến ống D1200mm dọc đường Nguyễn Cửu Phú (huyện Bình Chánh) - ẢNH: BÍCH ĐINH

Đường ống dẫn nước không được đấu nối chính thức nhưng nhờ tình làng, nghĩa xóm mà các hộ cũ, mới đều được lắp đồng hồ riêng để chia sẻ nguồn nước. Trong xóm, người có điều kiện thì góp thêm vài mét đường ống, thậm chí tặng cả đồng hồ nước để nhà nhà đều có nước dùng; đến tháng, căn theo chỉ số trên đồng hồ mà tính tiền theo đúng giá của đơn vị cấp nước, nhà đặt đồng hồ tổng cho đấu nối không lấy hơn một đồng nào.

Những ngày nước nguồn bị tê liệt, có tiền cũng không dễ mua được nước. Do đó, để tiết kiệm, mỗi khi tắm giặt xong, người ta trữ lại nước cho việc khác. Ở một số ấp, xã, người ta còn trồng trọt, chăn nuôi, dựng nhà ở cách xa khu dân cư để tiện coi sóc. Để có nước sinh hoạt, bà con phải chèo xuồng đi mua nước theo can, dự trữ để dùng suốt tuần.

Khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt đã đành, bà con phải mua nước từ các điểm cung cấp nước trong xã, có nơi tính giá “trên trời”, nhưng có nơi chỉ tính thêm chút đỉnh tiền công, xăng xe vận chuyển. Anh Nguyễn Văn Phúc (Tư Phúc) - ở ấp 3, xã Phước Kiển - là một trong những người vận chuyển nước sạch cho bà con trong xã và khu vực lân cận lúc bấy giờ.

Sẵn có chiếc xe ba gác máy và chiếc xe bán tải chở khung bạt, bàn ghế, chén dĩa cho thuê, anh lắp bồn nước, sắm máy bơm để chở nước phục vụ bà con. Bà con cần nước thì gọi báo, anh đến các điểm cấp nước lấy và chở đến tận nhà, bơm vào bồn chứa.

Anh Phúc được bà con quý mến vì bất kể ngày đêm, ở đâu cần nước là anh đi lấy ngay. Những khi nước yếu, nửa đêm, anh cũng đi canh chờ xe bồn về là bơm ngay để hỗ trợ các trường mầm non, tiểu học và các hộ có người già, trẻ nhỏ.

Nhân viên SAWACO kiểm tra chất lượng nguồn nước trong phòng thí nghiệm để đảm bảo nguồn nước an toàn khi đến tay người dân - ẢNH: BÍCH ĐINH
Nhân viên SAWACO kiểm tra chất lượng nguồn nước trong phòng thí nghiệm để đảm bảo nguồn nước an toàn khi đến tay người dân - ẢNH: BÍCH ĐINH

Chuyện nước sinh hoạt bớt căng thẳng hơn khi vào cao điểm mùa mưa. Trữ đầy hết số lu nước có sẵn trong nhà, bà con còn chủ động mua thêm bồn, thậm chí xây cả hồ kiên cố để chứa nước mưa, dùng dần.

Về sau này, dù nguồn nước sinh hoạt ổn định, bà con vẫn có thói quen tích trữ nước mưa, nhưng nguồn nước này chỉ dùng tưới cây, vệ sinh, giặt giũ và được che đậy kỹ để tránh muỗi phát sinh.

Nông thôn thay đổi nhờ nước sạch

Tôi may mắn được sống trong cộng đồng mạnh về tinh thần sẻ chia, thương quý và đùm bọc nhau dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Ở đây (ấp 3, xã Phước Kiển), chúng tôi như được dẫn dắt, được hun đúc và nuôi dưỡng tính làng xã đậm nét văn hóa Nam Bộ của hầu hết cư dân miền Tây đến vùng đất này khai hoang, lập nghiệp từ nhiều đời trước.

Đến đây, được tiếp xúc, trò chuyện với bà con, không khỏi ngạc nhiên với sự gần gũi, ấm áp mà họ đem đến cho nhau. Riêng chuyện nước sinh hoạt, bà con san sẻ từ xô nước đến từng mét ống nhựa cũng bởi cái tình cảm chất lừ không toan tính ấy.

Chuyện thiếu nước sinh hoạt dịu đi từ khoảng năm 2010, khi các con hẻm trong huyện được đấu nối đường ống nước sạch. Ngày chính thức mở nước, bà con trong xóm mở tiệc ăn mừng. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác hôm đó, nét mặt ai ai cũng rạng ngời như trút bỏ được nỗi lo toan suốt nhiều năm.

Từ những ngày thấp thỏm chờ nước đến hôm nay, ngành cấp nước đã dần đạt chỉ số hài lòng của 10 triệu dân thành phố. Phải chăm sóc hơn 1,6 triệu đồng hồ nước mà luôn đảm bảo cả lượng lẫn chất, mới thấy sự nỗ lực lớn của ngành cấp nước.

Đó là sự cầu thị trong phục vụ và chăm sóc khách hàng. Cùng với sự chuyển mình của thành phố, từng mét ống được nối mới là nỗ lực vượt khó của cá nhân, tập thể Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cũng như các công ty thành viên. Nỗ lực này đã góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn mới của TPHCM.

Nhắc chuyện cũ, càng nhớ nhiều chuyện cũ. Nhớ cái cảm giác trên đường đi làm về, ước chi mở van là có nước tắm gội. Nhớ tiếng hàng xóm vọng sang báo tin vui: “Có nước rồi”. Rồi nhớ bụi ti gôn trước hàng rào trở màu xanh lá sau một đêm được tưới đẫm nước...

Biến đổi khí hậu đe dọa nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh các giải pháp khoa học, ngành cấp nước cần xây dựng kho tài nguyên tư liệu về ngành, trong đó có những câu chuyện thật, hình ảnh sinh động qua mỗi giai đoạn. Câu chuyện, hình ảnh phản ánh rõ những khó khăn, thiếu thốn nước sinh hoạt trước đây là nguồn tư liệu giáo dục thế hệ sau biết trân quý, từ đó thay đổi nhận thức, thói quen sinh hoạt và có thái độ tích cực hơn trong bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn này.

Xóm có tiệc, bà con thường nhắc chuyện cũ, trong đó có chuyện thiếu nước sạch khoảng 20 năm trước. Ông Lê Văn Cư (xã Phước Kiển) nói: “Hồi đó nước yếu, cả đêm rỉ được vài ca nhỏ nên cứ 2-3g sáng là dậy đạp xe qua Tân Quy (quận 7) canh mua nước.

Bây giờ nước nguồn ổn định, áp lực mạnh, đưa nước lên thẳng bồn chứa trên cao mấy tầng lầu nên bà con không còn phải lắp máy bơm như trước. Lớp trẻ bây giờ sướng rồi quen, chưa nếm trải cảnh thiếu nước triền miên nên khó lòng chịu được như mình hồi đó, hễ nghe cúp điện, cúp nước là la oai oái”.

Hương Huyền

Tác phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM ; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua email toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.

Cơ cấu giải thưởng
- 1 giải Nhất: trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì: trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba: mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.

Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu