edf40wrjww2tblPage:Content
Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ đang diễn ra từ ngày 9 đến 16/9 tại Hà Nội đã hâm nóng tình yêu sân khấu, kéo người dân thủ đô ùn ùn đến các rạp, các suất diễn hết chỗ ngồi bởi những giá trị vượt thời gian từ bản thân mỗi tác phẩm. Tuy nhiên, xung quanh liên hoan, vẫn có quá nhiều trăn trở, hẫng hụt...
Điều không thể mất trong lòng khán giả
Rất nhiều khán giả đã rơi nước mắt sau các suất diễn. Cảnh khán giả chen chân nhau vào các rạp có diễn kịch Lưu Quang Vũ, thậm chí chấp nhận ngồi trên những bậc xi măng giữa các hàng ghế rạp hát để theo dõi vở diễn, rồi rơi nước mắt ở những đoạn cao trào kịch tính khiến giới làm nghề xúc động. Xúc động vì mừng cho sân khấu phía Bắc suốt bao nhiêu năm nay rơi vào cảnh thường xuyên không được đỏ đèn, nghệ sĩ “sống mòn” chờ một lối thoát, các đoàn bế tắc, không tìm được hướng đi vào lòng người xem, nay mới có cảnh tượng này. Rõ ràng, công chúng không hề thờ ơ, ngoảnh mặt, quay lưng với sân khấu, với lao động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ.
Thế nhưng, cảnh tượng ấy khiến giới chuyên môn cũng thấy dợn lên nỗi buồn. Sau sự ra đi đột ngột của Lưu Quang Vũ 25 năm trước, cho đến giờ, sân khấu Việt Nam vẫn không thể có cây viết nào bù đắp được chỗ trống quá lớn mà ông đã để lại.
Ban tổ chức thiếu tự tin?
Công bố liên hoan lần này là bán vé hẳn hoi nhưng đến giờ chót lại tặng hết toàn bộ vé? Cho dù chỉ bán hết một nửa chỗ ngồi trong rạp, cho dù giá vé chỉ tượng trưng cũng cho thấy được khán giả thật sự đến với kịch của Lưu Quang Vũ bằng tiền mua vé chứ không phải vé mời như các vở diễn sân khấu khác như lâu nay ở đây.
Một cảnh trong vở Lời thề thứ 9 do Nhà hát Tuổi Trẻ - Ảnh: N.Đ.T
Thực tế, không ít khán giả đến xem kịch của Lưu Quang Vũ mấy ngày qua bằng vé mua nhưng mua lại vé mời của chợ đen với giá từ 120.000-150.000 đồng. Có phải ban tổ chức không tự tin vào khả năng tổ chức thành công liên hoan này? Nếu biết được hiệu ứng người xem đối với kịch Lưu Quang Vũ như vậy, chắc chắn ban tổ chức sẽ không nghi ngại lên phương án truyền thông, quảng bá, giới thiệu, bán vé một cách chuyên nghiệp và hiệu quả khán giả sẽ hơn hẳn những gì đã thấy và liên hoan lại có nguồn thu đáng kể, nếu không sử dụng đến có thể đem tặng từ thiện, càng thêm ý nghĩa.
Sống lại thời huy hoàng
Tâm sự về vai diễn trong vở chèo Ngọc Hân công chúa vừa ra mắt công chúng trong dịp liên hoan lần này, diễn viên Thu Huyền cho biết: “Là nghệ sĩ, ai cũng mong mỏi những cơ hội lớn vừa phô diễn tài năng vừa tri ân tác giả tài ba này. Thực sự là tôi quá vui vì được tham gia vở diễn, càng đặc biệt hơn khi được tái hiện hình ảnh một nữ sĩ tài hoa trong kịch bản của Lưu Quang Vũ mà về phần văn học, từng câu, từng chữ đều tuyệt vời như thế. Khi đứng trên sân khấu, tôi đã xúc động vô cùng vì vở diễn được khán giả đón nhận”.
Nhiều nhà chuyên môn khi tới xem các vở diễn dựng lại đã có tiếng thở dài. “Làm lại Lưu Quang Vũ vẫn ở dạng thô sơ, nguyên liệu mà thiếu bàn tay tinh chế của ngày hôm nay. Đương thời, kịch Lưu Quang Vũ có thể vừa là nguyên liệu vừa là sản phẩm. Bây giờ làm lại thì dứt khoát nó chỉ là nguyên liệu thôi và để có sản phẩm đòi hỏi phải làm mới, tân trang, bao bì, chất lượng chứ không chỉ bán vật liệu thô như thế này. Mấy chục năm, khán giả đã thay đổi rất nhiều nhưng sân khấu vẫn vậy. Rất đáng phải suy nghĩ...” - nhà phê bình Ngô Thảo nhận xét.
Trái ngược với quan điểm của những nhà phê bình, NSƯT Thu Hà, Nhà hát Kịch Hà Nội, xúc động nói: “Cá nhân tôi cho rằng không cần làm mới kịch bản của Lưu Quang Vũ, chỉ cần chuyển tải được đúng tinh thần nhân văn và triết lý của anh ấy đã là tốt lắm rồi, đã làm rung động xã hội rồi. Chứ sử dụng các thủ pháp làm mới mà không đúng, ví dụ như lần này, khán giả ngồi cạnh tôi bật cười khanh khách vì “hồi những năm 1985-1986 làm gì có Gangnam Style như bây giờ? Hồi trước, tôi cũng từng được tham gia dựng vở diễn Tôi và chúng ta nên nhớ lắm cái không khí rực rỡ của sân khấu thời đó. Thú vị vô cùng! Lưu Quang Vũ như một nhà tiên tri, đã nói ra và dự báo rất nhiều vấn đề của xã hội. Với liên hoan lần này, chúng tôi được sống lại cả một thời kỳ huy hoàng của sân khấu...”.
Háo hức chờ xem Hồn Trương Ba da hàng thịt
Một trong những vở diễn sáng chói và lộng lẫy nhất của sân khấu Việt chính là Hồn Trương Ba da hàng thịt do cố NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng với vai chính do cố NSND Trọng Khôi đảm nhiệm. Nay, ai sẽ là người thay thế được ngôi vị số 1 của các bậc tiền bối này khi họ đều đã khuất núi?
“Hồn Trương Ba da hàng thịt mạnh ở tính thời sự, sắc ở tính vấn đề, sâu ở tính triết lý và bao trùm là một tinh thần nhân văn vì con người, cho con người. Từ một tích truyện dân gian, cái tài của Lưu Quang Vũ là đã thể hiện được sự giằng xé của con người từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong giữa những mâu thuẫn muôn đời trong cõi nhân gian. Chính tôi cũng đang rất hồi hộp chờ xem tối 13/9, vở diễn số 1 này sẽ được tái hiện như thế nào” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.
Theo MINH TUỆ
(Người Lao Động)