Buồn vì bị ba mẹ đối xử bất công

14/04/2025 - 08:00

PNO - Hạnh phúc đôi khi không đến từ sự công bằng mà đến từ việc mình chọn cách sống có ý nghĩa.

Em chào chị Hạnh Dung,

Em có một nỗi buồn từ nhỏ mà em không thể giãi bày cùng ai. Đến nay, dù đã bước vào tuổi 40 nhưng em vẫn không thoát ra được.

Ba mẹ em sinh được 3 người con, em là con gái đầu. Em không hiểu vì sao từ nhỏ, ba mẹ không thương em như các em. Em nhớ, lúc em học lớp Bảy, trước mặt nhiều khách trong nhà, ba em nói: ba thương đứa em kế em hơn em vì nó hợp tính ba. Lúc đó, em khóc ướt hết gối.

Từ đó, em hay thu mình, ít nói chuyện và cởi mở với ba mẹ. Năm em học lớp Mười thì ba mất. Ngoài chuyện học, em luôn có ý thức phụ giúp công việc đồng áng, nương rẫy cùng mẹ. Từ tuổi thiếu nữ, em đã rất thạo việc.

Tuy vậy, sức học của em vẫn rất tốt. Em đậu đại học 1 trường ở tốp trên ngay khi vừa tốt nghiệp dù em hầu như không đi học thêm. Vào đại học, em vừa học vừa đi làm thêm. Ra trường, em ở lại thành phố tìm việc. Sau đó, em còn hỗ trợ mẹ để nuôi em trai học cao đẳng.

Công bằng mà nói, tiền bạc mẹ lo cho em suốt 4 năm đại học ít hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa vì em đi làm thêm rất nhiều. Em cứ nghĩ như vậy là đã giúp mẹ được phần nào.

Vậy nhưng, trong đêm trước đám cưới của em gái em, trước mặt các cô chú và bà con xóm giềng, mẹ em nói "vì em học hành nên tốn kém, hết cửa hết nhà". Nghe câu đó, tự dưng nước mắt em trào ra không gì cản nổi. Em câm lặng.

Từ đó, em buồn lắm. Nhưng nghĩ mình phận con, em không dám trách, hằng năm vẫn về thăm mẹ dịp lễ. Cuối năm rồi, mẹ em phát bệnh nan y, em chới với. Bây giờ, trong điều kiện thời gian hạn hẹp của mình, em chỉ có thể hỗ trợ tài chính để chăm lo tốt cho mẹ.

Điều em buồn là đến gần đây, mẹ phân chia tài sản. Mẹ gọi em về để đề nghị em ký vào giấy từ chối nhận tài sản thừa kế. Em không được mẹ chia cho bất cứ thứ gì, dù là nhỏ nhất.

Thực sự, em không nén được nỗi buồn vì bị đối xử như vậy. Giờ đây, em chỉ muốn sinh 1 đứa con để nó không phải chịu đựng những điều em đã trải qua.

Chị Hạnh Dung ơi, có phải em suy nghĩ như thế là chưa đúng? Chị hãy chỉ cho em cách thoát ra tâm trạng không tốt đó mà vẫn giữ nguyên tình cảm với cha mẹ.

Em xin giấu tên

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Em gái giấu tên thân mến,

Hạnh Dung xin chia sẻ cùng em vì những điều em đã trải qua và vì em vẫn giữ được trái tim biết yêu thương, dù nó bị tổn thương rất nhiều lần.

Nỗi đau bị so sánh, bị yêu thương không đồng đều, đặc biệt là từ chính cha mẹ mình, là một trong những vết thương khó lành nhất trong tâm hồn con người. Em đã mang vết thương ấy suốt từ thơ ấu đến nay, âm thầm chịu đựng, không oán giận, vẫn hiếu thảo, vẫn nỗ lực yêu thương và cống hiến. Điều đó thật đáng khâm phục.

Theo các chuyên gia tâm lý, có một thực tế là hầu hết các bậc phụ huynh đều ít nhất một lần nghe con cái của họ phàn nàn rằng họ đang thiên vị đứa con này hơn đứa con khác.

Sự thật là đôi khi cha mẹ không thực sự thiên vị hay cố tình tỏ ra yêu thương đứa con nào hơn mà đơn giản chỉ là họ cảm thấy gần gũi với một đứa con hơn vì có nhiều điểm chung hay vì lý do nào đó (như ba em nói rằng em kế của em hợp tính ba em hơn).

Thậm chí, Hạnh Dung còn nghe có những người mẹ nói rằng họ lo lắng, quan tâm đến đứa con có nhiều thiếu sót, kém cỏi hay bất hạnh hơn, vì thực ra họ có phần an tâm về đứa con giỏi giang, ngoan ngoãn và thành công. Phải chăng đó cũng chính là lý do khiến ba mẹ em có những cách xử sự khiến em phải buồn?

Em hỏi: “Có phải em nghĩ vậy là sai?”, chị trả lời rằng em không sai. Cảm xúc không có đúng hay sai. Em buồn vì em bị tổn thương - đó là điều rất người, rất thật. Trẻ em dù mạnh mẽ đến đâu cũng cần được yêu thương, công nhận và cảm thấy mình có giá trị.

Việc bị gạt ra ngoài những cử chỉ yêu thương, lời khen ngợi hay sự ghi nhận… khiến em thu mình lại, sống dè dặt và đến tận hôm nay vẫn thấy mình không đủ quan trọng. Em không sai. Em chỉ là một đứa trẻ bị tổn thương và bây giờ là một người lớn vẫn đang cố chữa lành vết thương đó.

Vậy, làm sao để vượt qua?

Thứ nhất, em hãy bắt đầu từ việc công nhận cảm xúc của bản thân. Hãy nói với đứa trẻ bên trong em rằng: “Con đã rất thiệt thòi, con đáng được yêu thương, và bây giờ, chính mình sẽ học cách yêu thương con”.

Thứ hai, viết ra những điều em đã làm được cho mẹ, cho gia đình, cho cuộc đời và tự hào về điều đó. Em không cần ai ghi nhận hay công nhận vì chính em đã là một người tử tế, đầy nghị lực. Hạnh phúc đôi khi không đến từ sự công bằng mà từ việc mình chọn cách sống có ý nghĩa.

Thứ ba, hãy cho bản thân không gian riêng để giải tỏa cảm xúc. Có thể là viết nhật ký, vẽ tranh, nghe nhạc, thiền hoặc gặp gỡ một người hiểu mình. Nếu cần, đừng ngại tìm đến một chuyên gia tâm lý để đồng hành cùng em chữa lành.

Cuối cùng, việc em vẫn muốn giữ tình cảm với mẹ cho thấy trái tim em đầy lòng bao dung. Em có thể chọn cách yêu mẹ như cách một người trưởng thành yêu một người mẹ không hoàn hảo. Yêu với sự buông bỏ kỳ vọng. Yêu với sự tỉnh táo, biết rằng mình có thể thương nhưng không nhất thiết phải đánh đổi chính mình để được đáp lại.

Em có quyền buồn nhưng đừng để nỗi buồn ấy làm em nghi ngờ giá trị của mình. Em đã và đang sống một cuộc đời đáng trân trọng. Nếu em có con, dù là một hay nhiều con, Hạnh Dung tin rằng em sẽ là một người mẹ tuyệt vời bởi em đã thấm thía thế nào là cần một cái ôm đúng lúc, một lời yêu đúng cách...

Hạnh Dung tin em đủ mạnh mẽ để bước qua, không phải để quên hết mà để học cách sống an vui với những gì mình từng thiếu thốn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI