Buồn tủi vì làm ra được bao nhiêu chồng mang hết về lo cho nhà nội

23/01/2018 - 13:59

PNO - Không ai muốn mất lòng nhà nội hay nhà ngoại và luôn tìm cách hợp lý để cân bằng. Nhưng tôi thì lại ở một hoàn cảnh khó nghĩ hơn gấp trăm lần, khi tiền làm được bao nhiêu cũng chẳng đủ lo cho nhà chồng.

Khó khăn là khó khăn chung, sao anh chỉ nghĩ cho nhà nội

Chúng tôi kết hôn vào năm 2012, lúc đó cả anh và tôi đều là công nhân của công ty may Việt Thắng (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh). Quê của cả hai vợ chồng đều ở Bình Định, vào Sài Gòn cũng là mong tìm kiếm được việc làm để thoát khỏi sự nghèo khổ đã đeo bám suốt mấy đời ở vùng miền Trung nghèo khó.  Cũng như anh, chúng tôi nên duyên vợ chồng, trước là vì thấu hiểu cho hoàn cảnh của nhau. Anh là con trai của gia đình có đến 6 anh em, và còn là con cả. Tôi thì là con thứ, trước có một chị đã lấy chồng ở Lâm Đồng, còn sau vẫn còn hai đứa em, một đứa đang học đại học, còn một đứa út thì học cấp ba ở quê.

Buon tui vi lam ra duoc bao nhieu chong mang het ve lo cho nha noi
Ảnh minh họa

Cuộc sống công nhân không dư giả gì, mỗi tháng lương của hai vợ chồng tất cả được khoảng 10 triệu đồng, mất khoảng nửa trong số đó cho các nhu cầu về ăn uống, nhà cửa. Phần còn lại, gửi về gia đình ở quê. Nhưng từ khi kết hôn đến giờ, số tiền dành dụm gửi về quê đó luôn chỉ là gửi về một địa chỉ: nhà nội. Tôi chưa từng một lần gửi được phần dành dụm để gửi về quê cho mẹ và các em, vì dành được khoản nào dư ra cũng để lo cho bố mẹ chồng, cho các em chồng. Đứa thì đang tuổi ăn tuổi học, đứa thì đã ra trường nhưng không xin được việc làm, hàng tháng vẫn lên xin tiền anh hai để tiêu.

Tôi rất tủi thân. Vì bố mẹ tôi ở Bình Định cũng không có tiền ổn định, công việc làm thuê, làm mướn bữa đực bữa cái. Chị gái cả lấy chồng ở tận Di Linh, Lâm Đồng mấy năm rồi chưa về thăm nhà được lần nào. Hai đứa em cũng cần tôi chu cấp cho tiền học để đỡ đần bố mẹ. Đã 5 năm từ ngày tôi cưới, chưa bao giờ tôi có được khoản nào lớn hơn 1 triệu đồng gửi về cho các em hàng tháng. Chỉ thỉnh thoảng tôi tự dành dụm mới cho được.

Rồi tôi có con, số tiền dành dụm, tiết kiệm, chi tiêu được cũng eo hẹp hơn. Anh chẳng để ý gì, cũng chẳng thèm hỏi han. Nghĩ đi, nghĩ lại tôi thấy anh vô tâm quá. Khó khăn là khó khăn chung, hai nhà đâu ai dư giả hơn ai, nhưng có bao giờ anh nghĩ đến mà hỏi tôi có dành ra để gửi về cho bố mẹ và các em ở nhà đỡ đần cho họ.

Không biết mở lời thế nào để nhắc chồng về trách nhiệm của con rể

Nhiều khi tôi chỉ nói bâng quơ: “Tháng này ở nhà em chắc cũng đang thiếu tiền cho bé Hương đi học thêm ngoại ngữ. Năm nay cuối cấp rồi.” Rồi anh chỉ “Ừm” chứ không nói gì thêm. Mỗi tháng lương của anh được khoảng 5 triệu, anh đưa lại cho tôi 1 triệu và gửi trực tiếp 4 triệu về quê. Số còn lại tôi lo chi tiêu trong gia đình và tiết kiệm để mua sữa, mua đồ dùng cho con.

Thà là anh chủ động đưa tôi rồi tôi sẽ lo liệu việc gửi về gia đình hai bên thì còn được. Đằng này anh làm như vậy đã hơn 4 năm qua. Chịu không nổi, vừa rồi tôi mới nói rằng: "Em nghĩ nên chia số tiền gửi hàng tháng về cho bố mẹ em một chút, vì gần tết rồi ông bà cũng khó khăn lắm". Thì anh nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên, rồi bực bội nói rằng: "Lấy chồng rồi thì lo nhà chồng chứ đâu ra cái kiểu như vậy." Tôi sững sờ trước câu nói đó.

Buon tui vi lam ra duoc bao nhieu chong mang het ve lo cho nha noi
Ảnh minh họa

Đỉnh điểm là việc em trai của anh vừa rồi thua cá độ bóng đá, chạy lại xin tiền anh. Không nói gì với tôi, anh rút số tiền tiết kiệm hơn 20 triệu đồng của hai vợ chồng ra để đưa cho nó. Tôi nổi giận thực sự, nói đó là tiền tiết kiệm của chung sao làm vậy. "Mà thua cá độ bóng đá thì vẻ vang gì mà giúp đỡ, trong khi bố mẹ tôi ở quê khó khăn, cũng chẳng dám mở lời xin tôi lấy một triệu đóng tiền học cho em tôi". Anh chửi tôi "Im miệng đi" rồi bỏ đi nhậu. Em chồng thấy tôi phản ứng vậy cũng gọi về báo với mẹ chồng, rồi bà gọi lên ngụ ý trách móc tôi không biết quan tâm đằng nội. Tôi như ngọn núi lửa âm ỉ và chỉ chực chờ phun trào trước áp lực từ họ.

Tôi không nghĩ mình là người con dâu so đo tính toán với nhà chồng. Nhưng bên cạnh việc là một người con dâu, tôi cũng là con gái trong gia đình được bố mẹ nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, đâu phải cứ xuất giá rồi thì chỉ còn an phận lo cho nhà chồng được. Tính tôi vốn quen chịu đựng, giờ nói thì mất lòng trước, được lòng sau, hai vợ chồng nhỡ đâu lại hục hặc. Nhưng cứ đà như vậy, tôi thấy mình bị tổn thương ghê gớm, và không thấy có tương lai, sự tôn trọng từ cuộc sống vợ chồng này.

Loan (Thủ Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI