Buồn nhất là chuyện chia đất...

22/02/2025 - 06:20

PNO - “Miếng đất ba má cho con sao lâu ra sổ quá. Con muốn bán để lấy tiền làm ăn. Lúc này, con đang túng thiếu...”.

Sau cuộc điện thoại của con trai, tâm trạng của ông Tư (Định Quán, Đồng Nai) buồn hơn bao giờ hết.

Được thừa hưởng phần đất hương hỏa, nay đến tuổi xế chiều, ông muốn chia cho con cái mỗi người một ít. Thật ra, đất ở quê giá trị cũng không cao. Khi có ý định chia tài sản, ông trao đổi trước với các con và tiến hành làm thủ tục đo đạc sang tên. Tất nhiên, nếu mọi chuyện suôn sẻ thì không bàn, nhưng ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông phải đi lại không biết bao nhiêu lần vẫn chưa xong thủ tục, bởi những quy định mới, thay đổi của luật đất đai. Nay con ông gọi về trách ông không làm nhanh các thủ tục.

Xót không vì miếng đất hau của cải mà vì suy nghĩ của con cái. (ảnh Shutterstock)k)
Xót không vì miếng đất hau của cải mà vì suy nghĩ của con cái (ảnh minh họa: Shutterstock)

Bao năm ông bà lao động vất vả để giữ miếng đất cho con cháu sau này. Có những lúc khó khăn, thiếu thốn trăm bề phải đi vay mượn, ông bà vẫn không bán mét đất nào. Giờ con cái đều lập nghiệp ở xa, thậm chí cũng đã ổn định ở các thành phố lớn, nhưng ông vẫn chia đất để sau khi ông qua đời tránh được sự tranh giành dẫn đến hỗn chiến. Vậy mà con cái không hiểu...

Ông buồn bã: "Đứa mà tôi cho rằng biết suy nghĩ nhất, lâu nay khiến tôi tự hào nhất lại làm tôi buồn nhất. Việc con cái hối thúc khiến tôi chạnh lòng. Nếu không có phần đất này thì tụi nó sẽ như thế nào?".

Rồi ông kể, con trai lớn của ông sợ ba chia trễ ảnh hưởng đến chi phí thừa kế, bởi họ chỉ muốn nhận chứ không muốn tốn khoản phí nào...

Bác gái thở dài tiếp lời: “Con cái chỉ thích bay xa và bay cao ở những nơi nào thích hợp chứ không bám làng bám đất như thời cha ông. Vì vậy, đã cho thì bán hay không tùy thuộc quyền quyết định ở chúng nó. Bán hết thì coi như đất hương hỏa chẳng còn. Ông ấy xót không vì miếng đất hay của cải, mà vì suy nghĩ của con cái giờ lạ quá!”.

tính chuyện chia đất để không đi lại vết xe đỗ người trước. (ảnh Shutterstock)
Ông bà tính đi tính lại chuyện chia đất, mong không đi lại vết xe đổ của thế hệ trước (ảnh Shutterstock)

Không mấy khác chuyện nhà bác Tư là chuyện buồn của cô Năm (Kế Sách, Sóc Trăng). Sở hữu miếng đất 1.000 mét vuông ngay mặt tiền thị trấn, trên đà giá đất lên nhanh nên cô tính chuyện chia đất cho 3 đứa con, tránh vết xe đổ ngày trước của ba mẹ cô.

Cô và chồng bàn chuyện lui về làng tìm miếng đất nhỏ an hưởng tuổi già, con trai thứ của cô biết chuyện liền đề xuất: "Phần đất của cha mẹ nên bán chia cho anh em một ít thôi, còn phần lớn giữ lại để ba mẹ xây nhà ở cùng tụi con. Chứ cha mẹ dọn đi ở xa xôi, con cháu không có thời gian về thăm nom, chăm sóc".

"Thoáng nghe rất hợp lý khi chúng tôi có thể dựa vào con, nhưng nhiều câu chuyện về việc chia tài sản không đều đã làm tôi bất an. Nói đâu xa, ngay trong gia đình lớn của tôi đã từng xảy ra chuyện cha mẹ ở với con cái theo kiểu xoay vòng, vài tháng ở nhà con này, vài tháng ở nhà con kia, đôi khi phải nhìn mặt con mình hay dâu rể mà sống...", cô Năm than.

Rồi cô chạnh lòng: “Người ta nói phim cũng như đời mà đời cũng như phim. Nhiều gia đình êm ấm nhưng tới lúc chia đất cho con lại xào xáo. Tôi dẫn lại câu chuyện bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải mà cả nhà đi xem hồi đầu năm về hình ảnh của người mẹ già và cách đối đãi của các người con. 3 con tôi chúng im lặng, không nói lời nào. Cuộc sống đâu ai biết được chuyện gì. Tôi muốn ở riêng, khi nhớ cháu thì vợ chồng tôi lên thăm, cần lắm mới nhờ vả các con...”.

Tính vậy nên vợ chồng cô quyết tâm làm “cuộc cách mạng ở riêng" trong căn nhà nhỏ mới xây ở nông thôn để con cháu vẫn có chốn đi về. Bây giờ, thỉnh thoảng các cháu nhỏ về với ông bà, được tận hưởng thiên nhiên trong lành, đại gia đình vẫn giữ được nếp nhà nồng ấm...

Vũ Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI