Buôn lậu gia súc ở vùng sông Mê Kông đe dọa sức khỏe con người

02/12/2024 - 07:25

PNO - Hoạt động buôn lậu gia súc tại vùng sông Mê Kông được thực hiện thông qua mạng lưới rộng lớn gồm nông dân, người môi giới và thương nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của gia súc và con người.

Bò và trâu được bán tại một chợ gia súc ở thành phố Mangshi, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào ngày 14 tháng 9. Chợ này nằm gần biên giới phía bắc của Myanmar và nổi tiếng với việc bán gia súc nhập lậu từ Myanmar - Ảnh: Straitstime
Bò và trâu được bán tại một chợ gia súc ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Chợ này nằm gần biên giới phía bắc với Myanmar và nổi tiếng với việc bán gia súc nhập lậu từ Myanmar - Ảnh: Straitstimes

Theo Straitstimes, ước tính hàng ngàn con gia súc vượt qua biên giới lỏng lẻo của khu vực sông Mê Kông mỗi ngày, nhưng chỉ một phần nhỏ được phát hiện vì năng lực thực thi pháp luật của các địa phương còn hạn chế.

Từ năm 2022 đến nửa đầu năm 2024, Thái Lan đã tịch thu 1.182 con gia súc trong 23 vụ buôn lậu gia súc, nhưng đây chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm.

Theo 3 thương nhân, chia sẻ với điều kiện giấu tên, buôn lậu gia súc qua biên giới Thái Lan-Myanmar dài 2.416 km diễn ra khá thường xuyên, chủ yếu vào ban đêm tại các vùng không có tuần tra. Các điểm nóng buôn lậu tập trung ở các tỉnh như Tak, Mae Hong Son, Kanchanaburi, Prachuap Khiri Khan, Chumphon và Ranong (Thái Lan).

Họ ước tính mỗi đêm, có từ 10 đến 20 con gia súc bị buôn lậu chỉ tại một địa điểm ở tỉnh Tak.

Bên cạnh Thái Lan, nhiều gia súc ở Myanmar cũng được vận chuyển lậu đến Trung Quốc. Các nhà môi giới thường sẽ gửi video về gia súc sống cho các thương nhân Trung Quốc bằng ứng dụng WeChat, sau đó sắp xếp cho một đơn vị dắt gia súc qua vùng biên giới trong 2 ngày.

Một người môi giới từ vùng Magway của Myanmar, một trung tâm sản xuất gia súc lớn, cho biết anh ta phải trả tiền cho ít nhất 3 nhóm vũ trang khác nhau để đưa gia súc đến biên giới Trung Quốc hoặc Thái Lan. Đồng thời, còn phải trả tới 1.400 USD tại mỗi trạm kiểm soát để vận chuyển một lô từ 100-150 con bò.

Hoạt động buôn lậu diễn ra ngày càng mạnh, bởi điều này có thể giúp nông dân và thương nhân tiết kiệm khoản chi phí lớn trong khâu tiêm chủng và kiểm dịch, có thể mất tới 30 ngày tại biên giới Thái Lan-Myanmar và tới 82 ngày tại biên giới Myanmar hoặc Lào và Trung Quốc.

Và chính tình trạng buôn lậu, bỏ qua các bước tiêm chủng và kiểm dịch đàn gia súc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của gia súc và con người.

Điển hình là vào tháng 4/2024, 121 người dân ở miền Nam nước Lào đã phải nhập viện sau khi ăn “Larb Ngua Dip”, một món ăn địa phương gồm thịt bò sống nhúng trong thạch huyết, chanh, ớt và các loại thảo mộc tươi, được làm từ con bò nhập lậu bị nhiễm bệnh.

Cụ thể, thịt bò bị nhiễm bệnh được sử dụng trong món ăn đã gây ra sự bùng phát bệnh than, một căn bệnh phần lớn đã được ngăn chặn thông qua việc tiêm vắc xin cho gia súc ở khu vực sông Mê Kông trong 2 thập kỷ qua nhưng đã tái phát trong những năm gần đây.

Trong khi đó, các bệnh làm suy nhược gia súc như bệnh da sần, trước tháng 10/2020 không được phát hiện ở Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, hiện đã tái bùng phát, đe dọa hơn 1,7 triệu gia súc trong khu vực.

Gia súc không được kiểm soát có thể lây lan các bệnh truyền nhiễm sang người. Ví dụ, Myanmar đã ghi nhận ít nhất 116 trường hợp mắc bệnh brucella, một căn bệnh do vi khuẩn gây ra với các triệu chứng giống như cúm.

Minh Hương (theo Straitstimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI