Vay lãi, bán bò để có tiền góp vốn
Để hiểu hơn về những chiêu trò góp vốn làm giàu của Công ty cổ phần đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo, phóng viên đã có mặt tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Là một trong những người đầu tiên tham gia vào hình thức góp vốn này, ông Y Lep Knul (SN 1971, ngụ buôn Tơng Jú) cho biết: “Vào khoảng tháng 8/2015, tôi được giới thiệu về hình thức góp vốn kinh doanh của Công ty Cà phê Linh Chi (chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo). Trong quá trình làm việc, công ty đưa ra 4 gói hợp đồng góp vốn cho người dân lựa chọn là 12,6 triệu; 24,6 triệu; 36,6 triệu và 72,6 triệu đồng.
Người dân càng góp vốn nhiều thì mức ưu đãi, lãi suất càng lớn. Chẳng hạn, đối với gói hợp đồng 72 triệu đồng thì tháng thứ nhất sẽ thu được 9 triệu đồng tiền lời; tháng thứ hai: 12 triệu đồng; tháng thứ ba: 24 triệu đồng; tháng thứ tư đến tháng thứ chín: 27 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, đến tháng thứ mười thì người góp vốn sẽ nhận được 500 triệu đồng”.
|
Ông Y Lep nói về quá trình "sập bẫy" chiêu lừa của công ty đa cấp. |
Với mong muốn kiếm được lợi nhuận lớn, ông Y Lep đã dùng số tiền gia đình tích góp được để tham gia hợp đồng góp vốn số tiền 12,6 triệu đồng.
Không chỉ vậy, phía công ty Phúc Gia Bảo còn khuyến khích ông Y Lep và những người góp vốn khác lôi kéo người thân, bạn bè, anh em ruột tham gia để được hưởng hoa hồng.
Theo đó, nếu kêu gọi được 6 người tham gia góp vốn thì tháng thứ nhất sẽ được trả 9 triệu đồng; tháng thứ hai: 26 triệu đồng; tháng thứ ba: 60 triệu đồng.
Cho rằng, đây là cơ hội kiếm tiền hiếm có nên ông Y Lep đã về “tư vấn” lại cho nhiều người trong hai bên nội ngoại. Theo thông tin từ ông Y Lep, sau đó có tới 20 người hai bên nội ngoại của ông cùng tham gia góp vốn vào công ty Phúc Gia Bảo.
Ông Y Lep kể: “Ba tháng đầu tiên, công ty đã trả lãi suất, hoa hồng cho tôi và mọi người đúng như lời hứa. Thấy có lời lớn nên nhiều người đã dùng số tiền lãi này đóng thêm mã hợp đồng”.
Thuộc diện hộ nghèo tại địa phương nhưng vì quá tin tưởng những chiêu trò lôi kéo người dân kiếm tiền khủng từ góp vốn nên gia đình ông Y K’Lếc Adrơng (SN 1958, ngụ buông Tơng Jú) đã đi vay 36,6 triệu đồng với lãi suất hơn 1 triệu đồng mỗi tháng rồi nộp cho chi nhánh của công ty Phúc Gia Bảo.
Tương tự, gia đình chị H’Mer Bkrông (SN 1981, ngụ cùng buôn) thuộc diện hộ cận nghèo cũng gắng gượng đi vay số tiền 12,6 triệu đồng để tham gia góp vốn. Thậm chí, nhiều gia đình còn bán cả bò, tài sản trong nhà để góp vốn cho công ty Phúc Gia Bảo với hy vọng thu được lãi suất cao.
Bằng những hình thức lôi kéo nói trên, công ty Phúc Gia Bảo đã thiết lập được mạng lưới đa cấp đông đảo người tham gia góp vốn tại xã Ea Kao. Trong đó, buông Tơng Jú có 33 người, buôn Cư Êbông có 4 người và buôn Cư Mblim có 5 người tham gia góp vốn. Tổng số tiền của 42 người dân tại xã Ea Kao đã đóng cho công ty Phúc Gia Bảo là 2.120.400.000 đồng.
Khốn đốn vì đa cấp
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, người dân tại xã Ea Kao tá hỏa giấc mơ làm giàu từ hình thức góp vốn cho công ty Phúc Gia Bảo chỉ là trò lừa đảo trắng trợn.
Sau nhiều tháng góp vốn, người dân tìm đến chi nhánh của công ty Phúc Gia Bảo tại số 02 Mai Xuân Thưởng (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để hỏi tiền lãi suất như đã hứa. Thế nhưng, người của công ty Phúc Gia Bảo tìm mọi cách kéo dài thời gian, khất lần khất lửa.
Sau đó, nhiều người dân tại xã Ea Kao đã làm đơn tố cáo công ty Phúc Gia Bảo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên cơ quan chức năng với hy vọng lấy lại được số tiền đã lỡ “gửi gắm” cho công ty này.
Thế nhưng, khi chưa kịp lấy lại được số tiền đã đóng thì vào đầu tháng 3/2017, người dân bàng hoàng hay tin Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thế Anh (SN 1979) - Giám đốc Cty CP Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo có trụ sở tại Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền ban đầu được xác định là hơn 100 tỷ đồng.
Theo điều tra ban đầu, chiêu trò chủ yếu của Phúc Gia Bảo là huy động vốn, trả tiền lãi cao theo hình thức đa cấp để lôi kéo thêm người tham gia để hưởng thêm tiền hoa hồng và lãi suất cao. Tại tỉnh Đắk Lắk, công ty Phúc Gia Bảo đã lừa trót lọt khoảng 3.200 người với số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Những thông tin nói trên như sét đánh ngang tai đối với những người dân nghèo mù quáng trước chiêu trò lãi suất, hoa hồng cao từ việc góp vốn.
Sau khi biết bị lừa, vợ chồng ông Y Lep Niê (SN 1975, ngụ buôn Tơnng Jú) đã cùng đứa con gái út trốn khỏi địa phương vì bể nợ.
Em H’Mlô Êban (SN 1997, con gái lớn của vợ chồng ông Y Lep Niê) cho hay: “Trước khi tham gia góp vốn cho công ty đa cấp, gia đình em thuộc diện có hoàn cảnh kinh tế khá tại địa phương. Cho đến khi nghe mọi người trong buôn giới thiệu về hình thức góp vốn thu lãi suất cao, bố mẹ đã đi vay lãi bên ngoài để đóng cho công ty Phúc Gia Bảo.
Do đó, sau khi biết bị công ty này lừa bố mẹ và em gái của em đã rời khỏi nhà từ ngày 19/7/2016 đến nay, để lại em ở nhà gồng gánh nhiều công việc. Không chỉ cáng đáng gần 1ha đất rẫy, em còn phải trả bớt số nợ mà bố mẹ đã mượn người ta”. Được biết, ông Y Lep Niê đã tham gia 10 mã góp vốn cho công ty Phúc Gia Bảo với tổng số tiền 109,6 triệu đồng.
Cũng vì góp vốn cho công ty Phúc Gia Bảo, gia đình chị H’mer vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Hàng ngày, vợ chồng chị H’mer phải đi làm thuê đủ thứ việc năng nhọc để kiếm tiền trả nợ. Trước hàng loạt khó khăn, thiếu thốn của gia đình, 3 đứa con của chị H’mer đành phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp ba mẹ mưu sinh.
|
Gia đình chị H'mer khốn khó vì đa cấp. |
Ông Y Lep Knul (người đầu tiên tại buông Tơng Jú tham gia góp vốn) cũng lâm vào tình trạng khốn khổ vì bị nhiều người chỉ trích là “lừa đảo”.
Ông Y Lep Knul chia sẻ: “Thực ra, ban đầu, bản thân tôi cũng không ngờ được những chiêu dụ dỗ lãi suất, hoa hồng cao của công ty Phúc Gia Bảo chỉ là lừa đảo. Do đó, sau nhiều lần công ty không trả tiền như đã hứa, chính tôi đã cùng người dân làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều người không hiểu nên vẫn cho rằng tôi là người có liên quan đến việc lừa đảo của công ty này”.
Ông Trương Văn Huyến, Trưởng Công an xã Ea Kao cho hay: “Không chỉ người dân mà nhiều cán bộ về hưu trên địa bàn xã Ea Kao cũng bị công ty này lừa gạt. Trước sự việc xảy ra, thời gian qua, công an xã không ngừng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của xã, trong cuộc họp để người dân cảnh giác hơn, không dễ dàng bị các công ty đa gấp lừa gạt”.
Nguyên Bảo