Người già không viết thư cho Hạnh Dung, nhưng qua những bức thư của con cháu họ, có thể hình dung nỗi buồn không lời của những người được nhắc đến, mà đa phần là nhắc đến để than thở, để phiền, để mong muốn:
“Giá mà…”.
|
Ảnh: Internet |
Một chị kể, má chồng đã quên hết, lẫn hoàn toàn, ở nhà chị đã cho ăn cơm rồi, nhưng con trai bà về hỏi, là má nói “có ăn uống gì đâu từ sáng giờ”. Không chỉ chuyện ăn, chuyện gì cũng vậy, má và cái bệnh quên lẫn làm đời sống gia đình chị lục đục suốt.
Một chị nữa hỏi, ba chồng như cái hũ rượu không đáy, hở ra là đổ rượu vô họng, say mèm bạ đâu nằm đó: vỉa hè nhà hàng xóm, giữa nhà, góc phòng… chị phải dọn dẹp chất thải và nôn ói, hầu hạ. Chị căm ghét thói rượu chè đó mà giờ không biết phải làm sao.
Một chị nữa thở than, sao má chồng cứ bắt bẻ mình hoài, chuyện lớn nhỏ gì cũng không vừa lòng, tại sao má chồng nghiện đánh bài, nghiện xài tiền, mua đồ, nghiện buôn dưa lê nhà hàng xóm… Bệnh tật, ốm đau, khó tính, rảnh rỗi sinh nhiều chuyện, hay than van đau nhức mình mẩy…
Tất cả những chuyện đó đều gây phiền cho người trẻ, khiến họ mệt mỏi, chỉ muốn tách ra sống riêng cho xong.
Cũng ít khi, hay ít người trẻ nào, nhìn thấy tương lai chính mình trong những người già ấy.
Một ngày nào đó, tuổi già như cái hàm ếch thời gian ăn mòn, gặm nhấm, đào sâu vào bên trong phần thịt của cuộc sống, đến lúc sụp xuống thành cái hố sâu ngăn cách, khiến những người trẻ đứng một bên và những người già đứng ở phía bên kia cuộc đời. Có bắc bao nhiêu cây cầu, việc đi qua đi lại với nhau vẫn khó lòng thông suốt được. Có những chuyện người trẻ không thể hiểu người già và ngược lại.
Một chị bạn già minh mẫn, có lúc nửa đùa nửa thật bảo phải đem người nghĩ ra cái câu “người cao tuổi sống vui sống khỏe sống hữu ích” ra mà hạch hỏi tới nơi tới chốn. Chị bảo cái người đó chắc chắn còn trẻ, là người chẳng biết gì đến sự mệt mỏi, kiệt cùng sức lực của người già, nên mới nói thế. Chị bảo: các bạn trẻ thân mến, các bạn có “sống vui sống khỏe sống hữu ích” được không, mà đòi hỏi người già phải sống như thế, hả?!
|
Ảnh: Internet |
Hãy đặt mình vào tâm thế của những người già, để thấy tuổi già buồn lắm. Buồn vì có khi ngồi nhớ lại bao nhiêu chuyện cũ trong đời. Buồn vì con trẻ không đủ thời gian, không muốn nghe những câu chuyện ấy, dù người già biết đó là những bài học đau đớn, quý giá mà mình muốn gửi lại cháu con. Buồn vì phần lớn bọn trẻ vẫn cho những câu chuyện người già là ngớ ngẩn, khốt ta bít, là hâm, thừa thời gian.
Cái rào khoanh vùng cuộc sống của người già được dựng lên trong tâm trí người trẻ, bằng nhiều cách khác nhau, họ làm cho những người già hiểu rằng nếu “biết điều” thì cứ ở yên trong khu vực đã rào lại đó, đừng chõ mũi vào những việc của người khác (trẻ hơn).
Có ai đứng trong cái vòng rào ấy mới biết, việc mà người trẻ cho là những cố gắng thăm hỏi, chăm sóc, trao đổi trò chuyện với người già có khi cũng như bọn trẻ con trong sở thú, đứng ngoài hàng rào cho thú ăn, quan sát nhưng chẳng mấy khi thực sự chia sẻ được. Chỉ vì những người già yêu quý của chúng ta thương con thương cháu, nên không nói ra sự buồn tủi của mình đó thôi.
Một xu hướng đang phổ biến là các trại dưỡng lão dành cho người già. Mô hình ấy ở xứ mình cũng có, nhưng không mấy thành công. Có lẽ, một trong những điều tàn nhẫn của các trại dưỡng lão ấy, là hàng rào khoanh vùng kia từ trong tâm trí đã được hiện thực hóa ngoài đời. Bước vào đó, cho dù bọn trẻ có mô tả bao nhiêu điều tuyệt vời, như chăm sóc y tế tích cực, điều kiện phục vụ tối ưu, có bạn bè trò chuyện, có các hình thức giải trí phù hợp… thì người ta vẫn hiểu, đó là một sự phân loại cuối đời, buồn chung và buồn lắm.
Hầu như những người già nghĩ rằng mình chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa, thôi thì ráng chịu một chút, cho con cháu được bình an, nếu than vãn, kêu ca, thì cũng tội tụi nhỏ. Vì vậy họ quanh quẩn với nỗi buồn riêng của mình. Có lẽ cũng khó bắt những người trẻ phải dành thời gian để hiểu, vì người trẻ còn bận sống!
Chỉ khi nào những người trẻ ấy hiểu rằng có người già trong nhà là có một gia tài của quá khứ, cũng là có một tương lai sống động, chân thực nhất cho mình - một tương lai đang chầm chậm đi lại, đứng ngồi trước mắt, hy vọng, họ sẽ hiểu mình cần cư xử với tương lai ấy một cách hợp tình, hợp lý hơn.
♥Thư Hạnh Dung