Trẻ em nhiều vùng nông thôn Việt Nam đã phải lao động sớm, trong khi dinh dưỡng lại thiếu - Nguồn ảnh: internet.
Để khắc phục điều này, cần phối hợp nhiều bộ ngành mới thực hiện nổi.
Trước tiên, Chính phủ phải thật sự để tâm nhiệt thành đến việc phát triển chất lượng giống nòi về mặt thể chất.
Năm 1945, người Nhật thấp hơn người Việt, năm 1960 vẫn còn thấp hơn chiều cao bình quân của chúng ta. Nhưng chính phủ họ đã vạch ra một chiến lược dài hơi, tầm nhìn xa rộng, và làm đâu ra đó, làm thực tâm để nâng cao chiều cao nhân dân họ.
Nếu không nhiệt tâm, không yêu nước, không có lòng tự ái dân tộc thì những người đang đứng đầu những ban ngành liên quan đến việc nâng cao sức khỏe, nâng cao tầm vóc nhân dân sẽ chẳng có quyết sách sáng suốt mà chỉ vẽ vời để kiếm lợi cho bản thân. |
Từ năm 1945, người Nhật đã tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học, mẫu giáo, sau đó nghiên cứu rút kinh nghiệm để cải thiện chất lượng bữa ăn nhằm mục đích tăng chất lượng giống nòi lên.
Bao giờ, Chính phủ Việt Nam có được chính sách dài hơi, có tầm nhìn xa như vậy?
Bao giờ, các nhà khoa học trẻ Việt Nam dám xả thân vì giống nòi, để tâm nghiên cứu cách thức nâng cao chất lượng giống nòi hơn là tìm cách chạy vào chỗ làm được gọi là “ngon” và ngồi đó vẽ dự án để bòn rút ngân sách?
Hay tệ hơn, một bộ phận không nhỏ, tiếp tay với nước ngoài biến người dân Việt Nam thành những con chuột bạch để thử nghiệm thuốc; còn những người có tâm huyết thì bị cơ chế cản bước cống hiến cho đất nước. Thử hỏi, như thế thì bao giờ người Việt Nam cao to về thể chất được?
Một nguyên nhân làm người Việt thấp nhỏ, đó là chất lượng bữa ăn. Bữa ăn của người Việt ngày càng thiếu chất; trẻ con thì hơn 90 % không có sữa để uống.Tuy nhiên, trong 10% những đứa trẻ có sữa uống, thì cái gọi là sữa mà cha mẹ chúng bỏ tiền mua ấy chưa chắc… là sữa thật!
Các nữ tuyển thủ Việt Nam (áo trắng) luôn lép vế trước đối thủ về chiều cao và thể lực - Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ.
Để giải quyết vấn đề bữa ăn và sữa cho người Việt thì Chính phủ phải đầu tư cho nông nghiệp xanh, sạch và phải tăng đàn bò. Bằng không, nếu Chính phủ, người dân bỏ rơi nông nghiệp, hay làm nông nghiệp theo kiểu giết nông nghiệp bằng hóa chất độc hại thì còn lâu dân Việt mới cao nhất châu Á được.
Các nước khác giờ đây đang chú trọng nông nghiệp sạch, còn ta thì ào ào nhập thuốc trừ sâu, nhập phân hóa học để làm giàu cho nước ngoài và làm nghèo đất nước mình, hủy hoại đất đai mình. Đến bao giờ nông nghiệp được đánh giá đúng vai trò của nó, chất lượng giống nòi mới được cải thiện.
Ngoài đầu tư cho bữa ăn, người Nhật còn quyết tâm thực hiện những thói quen tốt. Họ ra sức tập luyện thể dục thể thao cho cường tráng. Còn hiện nay dân Việt được xếp loại là lười vận động nhất thế giới và uống bia nhiều nhất thì thử hỏi làm sao cường tráng, cao to nổi?
Để tạo thói quen này, Chính phủ cần ra sắc lệnh buộc toàn dân phải tập thể dục thể thao buổi sáng, mỗi khu dân cư mỗi ấp đều có sân thể thao cho nhân dân tập luyện. Ai không tập thì phạt nặng!
Và quan trọng hơn, cần cho đóng cửa các quán nhậu mọc như nấm hiện nay. Ra ngõ gặp quán nhậu thì thử hỏi giống nòi sao mà mạnh mẽ, minh mẫn nổi? Khi nào, tỷ lệ đóng góp ngân sách của nhà máy bia giảm xuống thì khi đó giống nòi mới có thể “ngon” hơn bây giờ.
Cuối cùng, để giúp dân Việt tăng chiều cao thì giáo dục phải thay đổi chiến lược, thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa, thay đổi kết cấu trường học. Còn học sinh bây giờ học từ 7g sáng đến 23g đêm, không có thời gian vận động thì làm sao chiều cao tăng được?
Giai đoạn tăng chiều cao là giai đoạn từ 12 (hoặc từ 10, 11 tuổi) đến 18 tuổi, nhưng giai đoạn này, học sinh bị bó chặt trên chiếc bàn học nên không có cơ hội cho chiều cao phát triển.
Tóm lại, phát triển nông nghiệp xanh và sạch, tăng số lượng đàn bò sữa, cải thiện bữa ăn, tạo thói quen tập thể dục, thiết kế/thay đổi cách dạy và học hiện nay thì dân Việt mới có cơ may cao hơn so với chiều cao bình quân hiện nay.
NHÂN TIẾN (quận Bình Tân, TP.HCM)
Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 164 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc. Vóc người thấp bé nhẹ cân có thể cải thiện nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong 30 năm qua, người Việt cao lên, nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được một cm. Chiều cao của nữ giới cũng rất thấp, gần 154 cm. “Dù tốc độ tăng chiều cao rất ít, nhưng đem đến tia hy vọng người Việt thấp bé nhẹ cân không phải thuộc tính di truyền mà có thể cải thiện được. Bằng chứng là Thái Lan, Trung Quốc đã cải thiện tầm vóc nhờ dinh dưỡng hợp lý”, tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cho biết tại buổi họp báo sáng 8/10 nhân Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (15-23/10). Theo tiến sĩ Mai, người Việt hiện thấp nhất khu vực châu Á. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng sự phát triển chiều cao như: khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài; môi trường sống không sạch sẽ; trẻ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp... (Theo VnExpress.net ngày 8/10/2014) |