Buôn bán trẻ sơ sinh ở Malaysia: Bé gái, da sậm màu, giảm còn 3.000 USD!

01/12/2016 - 16:01

PNO - Phóng sự điều tra AJ101east của kênh truyền hình Al Jazeera phơi bày một đường dây buôn bán trẻ em. Trẻ sơ sinh được buôn bán như hàng hóa, giá cả xác định theo chủng tộc, màu da, giới tính và cân nặng. 

Tuần qua, phóng sự điều tra AJ101east của kênh truyền hình Al Jazeera phơi bày một đường dây buôn bán trẻ em ở bang Johor miền nam Malaysia. Nhờ đó, cảnh sát địa phương giải cứu bốn trẻ sơ sinh và bắt giữ 23 nghi phạm, trong đó có một bác sĩ và một nhân viên hộ tịch của chính phủ.

Đường dây mua bán trẻ sơ sinh này móc nối với phụ nữ nghèo, sau đó chúng bán những đứa trẻ cho các cặp vợ chồng không con. Thông thường, người ta phải trả 6.200 USD để mua một đứa trẻ, tùy thuộc vào chủng tộc, trong khi các bà mẹ mang nặng đẻ đau chỉ được trả 700 ringgit (157 USD), và được chăm sóc sức khỏe, ăn ở miễn phí khi mang thai.

Cảnh sát hiện điều tra xem có bao nhiêu đứa trẻ đã bị bán, liệu có bé nào được bán cho các cặp vợ chồng người Singapore hay không. Theo trưởng phòng điều tra hình sự cảnh sát Johor, nhân viên phòng phúc lợi của bang đang chăm sóc những đứa trẻ được giải cứu; bộ phận chức năng đã lấy mẫu xác nhận ADN của các bé.

Nữ nhà báo điều tra Chan Tau Chou của kênh Al Jazeera nói rằng, thật dễ dàng mua một đứa trẻ ở Malaysia, nơi những kẻ buôn người giới thiệu cho khách hàng tiềm năng catalogue có ảnh thai phụ để họ chọn. Đây không phải hoạt động mang thai hộ trái phép như từng rộ lên ở Thái Lan năm 2014, mà là mua bán trẻ em. Người ta thoải mái mua trẻ từ bụng thai phụ, còn bọn buôn người thì “bán lúa non”.

Chỉ riêng đường dây mua bán trẻ sơ sinh của một phụ nữ tên Bonda đã “chăm sóc” đến 78 phụ nữ đang mang thai! Những đứa trẻ được mua bán chủ yếu có gốc gác Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ lai Trung Quốc, một số em được mua từ Thái Lan, Campuchia, hay Philippines.

Trẻ sơ sinh được buôn bán như hàng hóa, giá cả xác định theo chủng tộc, màu da, giới tính và cân nặng. Một kẻ buôn bán trẻ sơ sinh khai với cảnh sát rằng trẻ gốc Trung Quốc… đắt giá nhất, khoảng 30.000 ringgit (7.500 USD). Ngoài ra, người mua còn phải trả thêm 20.000 ringgit (5.000 USD) chi phí giao nhận và làm giấy khai sinh.

Nhà hoạt động quyền trẻ em của Malaysia - Hartini Zainudin tận mắt chứng kiến sự thật đau lòng khi bà đến Klang. Ban đầu, một cặp vợ chồng không con người Malaysia thỏa thuận mua bé gái Zara với giá 5.000 USD (22.212 ringgit). Nhưng, do thấy nước da cô bé quá đen, gia đình kia đổi ý. Thế là, những kẻ buôn người tuyên bố bán Zara sang Thái Lan. Để giải cứu bé Zara, bà Hartini Zainudin quyết định nhận bé làm con nuôi, sau khi bà phải trả cho những kẻ buôn người 3.000 USD (13.327 ringgit), trong khi chúng còn tiếc rẻ là phải bán rẻ “món hàng” đến 40%!

Buon ban tre so sinh o Malaysia: Be gai, da sam mau, giam con 3.000 USD!
Bé Zara, một món hàng được bán giảm giá 40% do nước da đen - Ảnh: AL JAZEERA/ GETTY IMAGES

Bộ Y tế Malaysia đã mở cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc do kênh truyền hình Al Jazeera đưa ra. Bộ trưởng Datuk Seri Dr S.Subramaniam tuyên bố: “Tùy thuộc kết quả điều tra, bộ sẽ có biện pháp thích hợp đối với các bác sĩ và cơ sở y tế vi phạm”. Những kẻ vi phạm sẽ chịu kỷ luật của Hội đồng Y khoa Malaysia (MMC), như tước đăng ký hành nghề bác sĩ và thu hồi giấy phép của trung tâm y tế sai phạm.

Quyết liệt nhất là Cục Hộ tịch quốc gia (NRD), cơ quan có quan chức bị cáo buộc liên can đến việc phát hành giấy khai sinh giả trong đường dây mua bán trẻ em. Ông Mohd Yazid Ramli, người đứng đầu cơ quan này tuyên bố sẽ không tha thứ cho các quan chức tay dính chàm, đồng thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để ngăn ngừa việc giả mạo giấy khai sinh trong tương lai. Ông Yazid khẳng định, NRD sẽ tiến hành điều tra nội bộ và xác định các cơ sở y tế vi phạm trước khi cảnh sát tiến hành truy tố.

Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Malaysia chủ trì cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các bộ ngành liên quan, sau khi tuyên bố hoạt động mua bán trẻ em là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho mọi người. Bộ trưởng Datuk Seri Rohani Abdul Karim cho biết, cuộc họp xem xét các cáo buộc và đề nghị tạo điều kiện để bộ này tham gia giải cứu và chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh. Theo một số nhà phân tích, chính luật nhận con nuôi phức tạp của Malaysia là nguyên nhân góp phần tạo nên thị trường chợ đen cho các cặp vợ chồng không con.

Trong khi vụ việc đang điều tra, Chánh thanh tra cảnh sát Malaysia (IGP) Tan Sri Khalid Abu Bakar bác bỏ cáo buộc Malaysia là trung tâm của các băng đảng mua bán trẻ em. Theo ông Khalid, dù không thể phủ nhận hoạt động tội phạm này tồn tại ở Malaysia, nhưng thực trạng không phổ biến và “dễ dàng” như Al Jazeera khẳng định.

Ông cho biết, từ năm 2008, Malaysia đã thành lập đơn vị chống buôn bán người và đưa lậu người nhập cư (ATIPSOM), đồng thời lập Phòng Điều tra tội phạm tình dục, phụ nữ và trẻ em (D11) trực thuộc Cục Điều tra hình sự. Từ năm 2010 đến nay, cảnh sát Malaysia phát hiện và bắt giữ nhiều vụ mua bán trẻ em. Chánh thanh tra Khalid khẳng định, ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em luôn là ưu tiên hàng đầu của cảnh sát Malaysia.

Thanh Hải (Theo Al Jazeera, AFP, New Straits Times, Dawn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI