"Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"
Gần 1 tháng qua, chị T.T.A.H. - 34 tuổi, ở quận 5, TPHCM - chỉ muốn ở nhà, trùm mền. Chị cảm thấy chán nản, bực bội mỗi khi có việc cần phải ra ngoài, thậm chí cáu gắt nếu có ai đó chào hỏi. Chị cũng từng quát nạt đồng nghiệp và cả người quản lý của mình chỉ vì họ rủ chị ăn sáng cùng. Chị H. chia sẻ: “Mỗi lần trời lạnh, tôi như bị rút cạn năng lượng, chỉ muốn làm xong việc thật nhanh rồi về trùm mền kín người. Có khi tôi ngủ lúc nào không hay, có lúc tôi lại cảm thấy rất buồn, không muốn ăn, không muốn nói chuyện, hoặc chỉ nằm trong mền và khóc. Tôi không biết vì sao lại như vậy”.
Thấy bất thường, chồng của chị H. nhiều lần khuyên chị đi khám bệnh nhưng đều bị vợ la mắng, chửi bới. Cho đến khi chị bị sụt cân nhanh, suy nhược cơ thể, đưa vào bệnh viện khám mới biết chị mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bác sĩ chẩn đoán chị H. bị trầm cảm theo mùa.
 |
Đến mùa lạnh, người bệnh trầm cảm theo mùa lại thấy buồn bã, không muốn tiếp xúc, tự cô lập mình |
Vừa được thăng chức, lẽ ra anh P.T.N. - 41 tuổi, ở Đức Hòa, tỉnh Long An - phải vui vẻ, thì anh lại rơi vào trạng thái “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Ban đầu, gia đình nghĩ anh bị áp lực công việc nên mọi người để anh tự do nghỉ ngơi. Đến khi vợ anh phát hiện anh tự tử bằng thuốc ngủ mới tá hỏa đưa anh vào Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán ngoài loét bao tử nhẹ, đái tháo đường type 1, mất ngủ, anh N. còn bị rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc nặng. Vừa điều trị về thực thể, bác sĩ vừa kết hợp với bác sĩ tâm lý hỗ trợ về tinh thần cho anh.
Hiện, tình trạng của anh N. đã dần ổn định. Anh ngủ được, giảm lo lắng, lấy lại được tinh thần lạc quan. Vợ anh cho biết: “Anh ấy không còn muốn chết hay cáu gắt nữa, tuy nhiên vẫn hay khóc một mình vào buổi tối hoặc sáng sớm. Khi tôi hỏi, anh cho rằng tự nhiên cảm thấy buồn nhiều, muốn khóc mà không biết vì sao. Tôi hy vọng sau khi thực hiện xong liệu trình điều trị tâm lý, chồng tôi sẽ hồi phục. Bác sĩ nói bệnh này có thể bộc phát nếu chuyển mùa”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho hay, hiện nay, thời tiết lạnh kèm theo các cơn mưa rào trong những ngày qua không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, mà còn tác động mạnh mẽ đến tinh thần của nhiều người. Sự thay đổi tâm trạng theo thời tiết làm cho người bệnh trở nên buồn bã, khó chịu, không còn hứng thú với cuộc sống, công việc. Có người bị rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, hoặc bị trầm cảm mà không kịp nhận ra.
Nhận diện dấu hiệu trầm cảm
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy chỉ 1/3 người bị trầm cảm là do di truyền, phần lớn do thường xuyên đối mặt với căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống. Từ năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo ngoài tim mạch, ung thư, thì trầm cảm và tự tử đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người trưởng thành.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, người rối loạn tâm lý, trong đó có trầm cảm mà không được hỗ trợ kịp thời rất nguy hiểm. Đặc biệt, người mắc trầm cảm có suy nghĩ tự tử đã ở giai đoạn nặng, cần được khám và điều trị sớm. Nếu không, bệnh nhân có nguy cơ tự kết liễu thành công rất cao. “Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân không nhận ra mình đang mắc bệnh” - ông nói.
Một khi rơi vào rối loạn tâm lý nặng, cơ thể cũng sẽ suy yếu, làm cho người bệnh ăn không tiêu, ói, mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt; nặng hơn có người bị suy nhược cơ thể, rối loạn vận động, cảm thấy yếu 2 chân, không đi đứng được… Bệnh nhân hay bị chẩn đoán nhầm qua bệnh về thực thể, nên uống thuốc nhiều ngày không khỏi. Khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh mắc các yếu tố tâm lý, đưa qua khoa tâm lý lâm sàng hỗ trợ thì tình trạng sức khỏe mới được cải thiện. Tuy nhiên, lúc này người bệnh rất bất ổn, hoang mang, đa số rơi vào trầm cảm.
Vì vậy, trong những ngày trời lạnh, một người bỗng nhiên than phiền mệt mỏi, buồn bã, chán nản mà không biết vì sao, có thể là dấu hiệu cảnh báo về trầm cảm theo mùa. Khi trạng thái này kéo dài từ 2-4 tuần, người thân hãy giúp họ rà soát lại tinh thần. Nếu không có lý do rõ ràng, khả năng cao đang gặp vấn đề về tâm lý. Còn bệnh nhân chia sẻ, ám ảnh về cái chết thì đây là dấu hiệu trầm cảm theo mùa rõ rệt. Hãy đưa người bệnh đến gặp bác sĩ ngay.
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh: “Người trầm cảm thường bị suy nghĩ tiêu cực vây quanh, không thể tự thoát ra được. Thay vì khuyên họ đừng suy nghĩ nữa, phải tích cực thì hãy tạo không gian an toàn để người bệnh có thể chia sẻ cảm xúc của mình”. Lúc này, người bệnh có thể bộc lộ cảm xúc bằng cách gào khóc, than phiền… Gia đình hãy đồng hành bằng cách lắng nghe, đừng chen ngang. Nếu chúng ta buột miệng: “chuyện có gì đâu”, “từ từ khỏi”, hay “lạc quan lên”, “kệ nó đi”… thì người bệnh sẽ dừng lại, giấu luôn trong lòng. Sau khi “xả stress” xong mà vẫn còn buồn phiền, không được vui vẻ, tốt nhất nên đưa họ đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được điều trị đúng cách.
Làm sao để giảm nguy cơ trầm cảm theo mùa? Triệu chứng và mức độ trầm cảm theo mùa ở mỗi người khác nhau. Đa phần sẽ xuất hiện từ tháng Mười đến tháng Mười một và nặng nhất vào tháng Một và tháng Hai. Sau khi mùa lạnh, hoặc nóng qua đi, bệnh sẽ biến mất. Tuy nhiên, một số người bị trầm cảm khá lâu, có thể lên đến 5 tháng, trầm trọng nếu không được hỗ trợ kịp thời. Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyên rằng, mọi người nên thường xuyên tập thể dục, tăng cường các hoạt động nhất là vào mùa lạnh để kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh, gặp gỡ nhiều người nhằm cải thiện tâm trạng. Mở cửa thoáng mát, cho ánh sáng tự nhiên chiếu vào nhà, để tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cảm nhận sự ấm áp. Đừng chỉ nằm trên giường sẽ làm hạn chế sự hoạt động cũng như không khí lạnh dễ “tấn công” cảm xúc của chúng ta. Duy trì chế độ hoạt động, nghỉ ngơi đầy đủ; ăn nhiều rau xanh, trái cây tăng sức đề kháng để vừa phòng bệnh về thực thể, vừa giúp tinh thần được phấn chấn hơn. |
Phạm An