Buổi sáng ở phòng cấp cứu của bệnh viện tâm thần

19/10/2024 - 07:16

PNO - Một sáng giữa tháng 10/2024, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM (đường Võ Văn Kiệt, quận 5). Mới 7g, nơi đây đã chật cứng người đến khám. Trên những hàng ghế dài là những gương mặt mệt mỏi, đôi mắt u buồn, nụ cười vô hồn.

7g55, tiếng la hét thất thanh phá vỡ bầu không khí yên tĩnh. Từ ngoài cổng, 3 người đàn ông lực lưỡng đang khiêng một người cởi trần, bị trói chặt 2 tay, 2 chân vào Phòng Cấp cứu (P.006), phía sau là người phụ nữ gầy gò khoảng gần 60 tuổi tất tả chạy theo. Vào phòng, người đàn ông bị trói vẫn không ngừng la hét: “Thả tao ra, tao muốn về nhà”. Anh nhất định không chịu lên giường mà nằm vật ra sàn, quẫy đạp và đập đầu xuống nền gạch. Người vợ đứng lấp ló trước cửa phòng cấp cứu, đôi mắt mệt mỏi. Trước những lời hỏi thăm của người xung quanh, bà thường im lặng. Theo những người “áp tải” ông đến đây, “ổng bị vậy mười mấy năm rồi, lâu lâu lên cơn, đập phá tanh bành, vợ con không dám tới gần”.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, có hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM khám bệnh liên quan đến tâm thần, có nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị

Trong 9 tháng đầu năm 2024, có hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM khám bệnh liên quan đến tâm thần, có nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị

Nghe tới đây, một người đàn ông chừng ngoài 30 tuổi đeo kính râm, ăn mặc lịch sự lên tiếng: “Bệnh này làm khổ người nhà lắm, phải uống thuốc đều, nặng đô thì bệnh mới ổn”. Ai nấy gật gù đồng tình. Thế nhưng, chỉ vài phút sau, chính anh ta đột ngột thét to khiến đám đông giật thót: “Thằng H. đâu, ra đây cho ông mày đấm, ông mày ngứa tay rồi nghe chưa”. Vừa nói, anh vừa đưa nắm đấm lên miệng hà hơi rồi đấm vào không trung.
Đấm mệt, anh ta liên tục ra vào nhà vệ sinh rửa mặt rồi cởi phăng áo, hét: “Ướt áo rồi, mẹ đi mua áo mới cho con, không mua là con xé bây giờ”. Người mẹ dụ ngọt: “Chút nữa mẹ mua áo đẹp hơn, con mặc đỡ áo này đi”. Anh lại giơ cao nắm đấm: “Sức ông đấm chết 50 người, đừng đùa với ông nhé”. Hết gào thét, đấm đá, anh ta lại huýt sáo inh ỏi. Bà mẹ nói như phân trần: “Lúc bình thường, nó ngoan lắm, chỉ khi lên cơn là hung dữ. Nó có vợ, 3 con, bị vậy làm cả nhà đều khổ”.

Anh ta vừa đi qua khu nội trú nam, trả lại không gian yên tĩnh được khoảng 10 phút thì tiếng hét của một phụ nữ lớn tuổi lại thay vào: “Tao nói mày ngồi đây chờ kêu tên vô khám, sao mày đi lòng vòng hoài vậy?”. Vừa nói, bà vừa tát vào mặt một cô gái. Bị đánh nhưng cô gái tỉnh bơ, gương mặt vô hồn, lững thững đi vòng vòng. Bà nhào theo túm cổ áo cô giật ngược, quát: “Chồng mày bỏ, mẹ mày bỏ, tao phải bồng cháu ngoại mới 2 tuổi vô đây theo mày”. Kèm mỗi lời quát là những cái tát bôm bốp. Phải đến khi chúng tôi đến can ngăn, bà mới chịu dừng tay. Căn cước công dân của cô gái ghi tên Huỳnh Dương T.P., thường trú ở TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Ở một góc khác, cô gái chưa đầy 20 tuổi một tay lướt điện thoại, tay kia cầm chai dầu khuynh diệp liên tục vẽ lên mặt mình. Mái tóc cô rối bù với 3 ống lô và chi chít kẹp tóc, gương mặt trang điểm đậm, đôi mày được vẽ đậm bằng son, trông cô như một con búp bê bị bỏ rơi. Bên cạnh cô, người cha ngồi thất thần, nhìn con rồi lại thở dài. Cách đó 3 ghế là N.H.Y.N. - 29 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học Sư phạm TPHCM. Dì ruột của N. cho biết, N. học rất giỏi và là niềm tự hào của gia đình, nhưng đang học năm thứ ba đại học thì phải nghỉ học do hoang tưởng, cứ đòi đi tìm chồng con dù chưa từng kết hôn hay có bạn trai.

Trì hoãn điều trị khiến hoang tưởng thêm nặng

Rối loạn hoang tưởng là một dạng bệnh tâm thần với các triệu chứng rối loạn tư duy. Khi đó, bệnh nhân tự suy luận, tưởng tượng ra sự việc không có cơ sở thực tế, không phù hợp thực tế khách quan nhưng vẫn tin chắc rằng đúng. Bệnh nhân sử dụng những suy luận sai lầm, những logic quanh co để chứng minh chuyện đó là đúng, là thật. Một số loại hoang tưởng phổ biến gồm hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị theo dõi hoặc bị hại, hoang tưởng được yêu, hoang tưởng nghi bệnh, hoang tưởng tự cao…

Rối loạn hoang tưởng thường liên quan đến yếu tố di truyền (gen) và được kích hoạt bởi các yếu tố gây stress. Điều trị bệnh này không khó mà cái khó là ở chỗ người bệnh không chấp nhận điều trị. Nhiều bệnh nhân không may đã bị người thân xa lánh. Song song đó, những người thân hiểu biết, nhìn ra vấn đề “là do bệnh lý chứ không phải do người thân mình muốn vậy” cũng không dễ đưa bệnh nhân tiếp cận cơ sở y tế, dịch vụ để điều trị, trị liệu hoặc tư vấn. Thiện chí đưa bạn đời, cha mẹ, chị em… đi điều trị còn có khi bị bệnh nhân hiểu lệch thành mưu đồ ngụy tạo chứng cứ để chuẩn bị hồ sơ ly hôn hay tranh chấp tài sản, tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con. Bệnh nhân hoang tưởng ghen tuông thường cho rằng bạn đời cố ý “tống mình vào bệnh viện” để rảnh rang đi ngoại tình.

Việc không chấp nhận điều trị, trì hoãn điều trị khiến điều hoang tưởng ngày càng được củng cố, hệ thống hóa, khiến tình trạng bệnh thêm nặng, chuyển biến tiêu cực và sự chi phối hành vi ngày một rõ ràng, nguy hại hơn, khó lường hơn. Chính vì thế, người dân cần nhận diện được các dấu hiệu rối loạn cơ bản; gia đình cần xây dựng lối sống lành mạnh, vui vẻ, hạnh phúc, ít áp lực, căng thẳng; xã hội cần có nhiều dịch vụ đa dạng, hiệu quả, dễ tiếp cận để người dân chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần của mình cùng người thân và điều trị sớm nhất có thể khi xuất hiện những dấu hiệu bệnh lý.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI