Buổi họp phụ huynh khiến phụ huynh... không muốn về

09/07/2020 - 16:50

PNO - Phần lớn thời gian của buổi họp, phụ huynh tập trung vào cái bảng, là nơi cô giáo cho phép học sinh tự do gởi gắm “tiếng lòng” của mình

Không có chương trình buổi họp, không triển khai thông báo của trường, không có những con số thống kê... Giáo viên chủ nhiệm chỉ có 5 phút để tóm tắt về kết quả của lớp mà trong đó, hết 4 phút nói về... hạnh kiểm của học sinh. Nào là “đừng có đếm số lần bọn nhỏ đi trễ mà nói các em hư”, nào là “hãy nhìn vào bản chất mà cho các em một cơ hội và cho các em thấy quan trọng là biết sai và sửa sai”...

Còn lại, phần lớn thời gian của buổi họp, phụ huynh tập trung vào cái bảng, là nơi cô giáo cho phép học sinh tự do gởi gắm “tiếng lòng” của mình. Chúng tôi thật sự bất ngờ trước những mong mỏi hết sức giản đơn của các con mà mình không hề để tâm đến: “Hãy động viên chúng con!”, “Ba mẹ cho con đi Đầm Sen nha!”, “Mẹ ơi con thèm bột chiên!”

Học sinh
Cái bảng, nơi học sinh gởi gắm tiếng lòng...

Quá nhiều cảm xúc dành cho phụ huynh khi đọc những bức thư "nặc danh" của bọn trẻ còn nguyên trong phong bì được giáo viên chủ nhiệm chuyển "đích danh" đến phụ huynh. Đó là những bức thư viết tay chủ yếu tập trung vào hai đề bài mà cô giáo mong muốn học sinh mình thể hiện trong suốt năm học: "Điều em muốn nói với cô là..." và "Điều con muốn nói với ba mẹ là...".

Viết cho cô, nội dung là lời cảm ơn, biết tự thấy trách nhiệm của mình, góp ý cô giáo, “cô đừng có giận lên là rời group lớp”, “đừng đặt những nickname không mỹ miều cho tụi con”... mà không hề có thư nào đòi hỏi cho mình.

Viết cho ba mẹ là lời cảm ơn, là suy nghĩ của tuổi 16 chững chạc hơn những điều phụ huynh vẫn nghĩ về con mình. Có con nhẹ nhàng thủ thỉ "con rất vui vì ba mẹ là ba mẹ của con"; có con hài lòng vì "con đã cố gắng rất nhiều, tuy chưa đạt học sinh giỏi nhưng không sao... năm sau sẽ tiếp tục cố gắng vì ba mẹ đã không la rầy gì về điểm số"; có con mong mỏi ba mẹ đừng đặt gánh nặng điểm số trên vai, để đường về nhà không quá dài và nặng trĩu. Có bức thư thể hiện mong muốn ba mẹ nhìn thấy nỗ lực của con, ba mẹ hãy cho con tự quyết định một số vấn đề của bản thân mình, và đừng "không đi họp phụ huynh chỉ vì con đạt học sinh khá"…

Có bức thư gởi cho người cha đang ở trên thiên đàng với nỗi ân hận của đứa con không kịp nói với cha lời cuối cùng, và mong cha "phải luôn hạnh phúc ở nơi đó và hãy yên tâm vì con sẽ mạnh mẽ".

Dù ngắn dù dài, dù văn vẻ hay súc tích thì đa số những bức thư, khi được đọc lên ở lớp, đều khiến phụ huynh nhìn cay mắt vì thấy bóng dáng của mình thấp thoáng trong đó. Hơn một lần chúng ta vì kỳ vọng mà vô tình đặt áp lực lên con. Hơn một lần, chúng ta cứ mãi nhìn “con nhà người ta” mà làm tổn thương con mình lúc nào không biết.

Buổi họp chỉ có vậy rồi kết thúc với thông điệp của cô giáo: “Mong phụ huynh sẽ luôn là "bạn" của con mình”. Thế nhưng, đó là cuộc họp mà trong hơn mười năm đi họp cho con, tôi không muốn về. Cũng không có phụ huynh nào muốn đứng dậy mặc dù tất cả các phòng họp xung quanh đã tắt đèn đóng cửa từ lâu.

Không đặt nặng chuyện thành tích để tạo áp lực cho học sinh, để học trò mình được là những đứa trẻ hạnh phúc. Đó cũng chính là lựa chọn mà cô giáo mong muốn nhận được ở phụ huynh thông qua cuộc họp: "Nếu phải lựa chọn, hoặc là con mình học thật giỏi, suốt ngày chỉ học và học để trở thành đứa trẻ vô cảm, xa lạ với chính gia đình, bạn bè; hoặc là, con mình không nhất thiết phải tốp đầu nhưng là đứa trẻ hạnh phúc, quý phụ huynh sẽ lựa chọn như thế nào?”

Tôi nghĩ đó là lý do khiến con mình đi học về, toàn hí hửng kể những chuyện "tào lao" của cô, của lớp. Giá như buổi họp nào cũng như thế, thì khoảng cách giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh; giữa nhà trường và gia đình không có quá nhiều khoảng trống như hiện nay.

Vũ Hương Giang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI