Buổi học siêu đặc biệt

15/03/2021 - 05:50

PNO - Làm sao để phụ huynh tham gia vào quá trình học tập của con, và làm sao để các con hiểu về các ngành nghề một cách sinh động. Mục tiêu đó đã hướng cô trò Trường mầm non Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM) đến những tiết học trải nghiệm đầy cảm xúc.

Những trải nghiệm rất “chất”

“Cô đang ở rất xa, nên các con hãy ôm bạn Việt Khôi giúp cô nhé! Hãy yêu thương nhau và luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới lạ nhé!”.

Video khép lại bằng hình ảnh tuyết rơi trắng xóa nơi chị Lan Hương (phụ huynh bé Việt Khôi - lớp Chồi 4, Trường mầm non Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM) đang làm việc. Lời nhắn nhủ của chị khiến đôi mắt Việt Khôi ngấn nước.

Khi cô giáo hỏi: “Mẹ của bạn nào đây?”, Khôi quyết không khóc mà chỉ hơi mếu, tự hào trả lời: “Dạ, là mẹ của con!”. Các bạn nhỏ ôm lấy Khôi chia sẻ, nhiều bạn nói: “Mẹ bạn thật giỏi, mẹ bạn là giảng viên luôn đấy!”.

Trẻ nhận biết các ngành nghề sẽ bộc lộ tình cảm yêu quý, thái độ trân trọng đối với những nghề nghiệp  khác nhau trong xã hội
Trẻ nhận biết các ngành nghề sẽ bộc lộ tình cảm yêu quý, thái độ trân trọng đối với những nghề nghiệp khác nhau trong xã hội

Với clip dài 2 phút được quay từ châu Âu, mẹ Việt Khôi đã cho các bé Chồi 4 hình dung về một giảng viên: “Công việc của cô cũng giống như cô giáo của các con, chỉ khác là cô dạy các anh chị lớn hơn. Lớp học có thể nhỏ thôi, nhưng đôi khi cũng có những lớp học rất đông, vì vậy, cần những phòng học thật to…”.

Ngoài hình ảnh được chiếu lên để các con biết, ở trường đại học các anh chị học tập thế nào, chị Lan Hương còn cho các bé hiểu thêm, rằng một giảng viên còn phải nghiên cứu, học tập không ngừng. Đó là lý do, chị đi học xa nhà và điều đó cũng có nghĩa, đã nhiều tháng rồi, Việt Khôi không được ở bên mẹ.

Không gian đang trầm lắng thì một vị khách trong trang phục lạ xuất hiện ngay cửa. Cả lớp ồ lên thích thú. Đó là ba của bạn An Nhi. Anh mặc chiếc áo trắng và đội mũ trắng nhô cao trông thật lạ. 

Giới thiệu mình là một đầu bếp, ba của An Nhi hướng dẫn lớp Chồi 4 cách chế biến món há cảo cùng với bộ dụng cụ mang theo và bột đã nhồi, nhân tôm thịt đã làm và nước chấm pha sẵn. 

Đôi tay thuần thục, anh dùng dao cắt bột thành từng khúc nhỏ, đều tăm tắp. Cô Mỹ Kim, giáo viên lớp Chồi 4, ngỏ ý giúp chú đầu bếp cán bột, nhưng bột dai và không theo ý cô. Trong khi đó, chú đầu bếp làm mọi việc dễ dàng khiến cả lớp ngồi im phăng phắc. 

Cán bột xong, chú đầu bếp dạy các con nắn bột bằng nhiều cách để há cảo ra nhiều hình thù khác nhau. “Tiết học thông thường chỉ kéo dài từ 25-30 phút với lớp Chồi vì các con chỉ có thể giữ tập trung tối đa trong khoảng thời gian đó”, cô Mỹ Kim cho biết. Thế nhưng hôm đó, tiết học kéo dài đến phút 90 mà cả lớp vẫn ngồi háo hức. 

Sáng hôm đó, mẹ của An Nhi cũng xin nghỉ làm để vào lớp “trải nghiệm” cùng con. Chị hạnh phúc khi nhìn thấy niềm vui hiện rõ trong ánh mắt các con. Còn An Nhi thì thủ thỉ với cô giáo sau buổi học: “Con chỉ biết ba làm đầu bếp chứ chưa đến chỗ ba làm, con không biết ba làm gì ở đó. Bây giờ con biết rồi, con thương ba quá!”.

Buổi học khác thường khiến các bé hào hứng mãi
Buổi học đặc biệt khiến các bé hào hứng mãi

Chú cảnh sát giao thông vào lớp

Ngoài giảng viên, đầu bếp, trẻ còn được trải nghiệm công việc thường ngày của một bác sĩ, họa sĩ, cảnh sát giao thông, thợ làm bánh, kỹ sư xây dựng, ca sĩ… trong buổi học thông qua clip được chính phụ huynh quay và chính phụ huynh… đứng lớp. Đó là hoạt động học tập theo chủ đề được Trường mầm non Phú Mỹ xây dựng.

Cô Phạm Bảo Hạnh, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, đây là năm đầu tiên trường thực hiện nội dung này và hiệu quả đạt được ngoài mong đợi, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh rất vui mừng.

Để phụ huynh có cơ hội tham gia vào quá trình học tập của con, giáo viên đã chia sẻ kế hoạch cụ thể trên nhóm phụ huynh, nhờ cha mẹ hỗ trợ bằng cách đến lớp chia sẻ công việc hoặc quay clip về ngành nghề của mình.

“Để có buổi học nhiều cảm xúc như thế, giáo viên và phụ huynh đã bàn bạc kịch bản: sẽ xuất hiện như thế nào, truyền đạt trong bao lâu, bằng cách nào, ngôn ngữ ra sao để trẻ cảm nhận dễ dàng nhất”, cô Nguyễn Thị Kim Chi, giáo viên lớp Mầm 1, cho biết.

Sau hôm chú cảnh sát giao thông đến lớp, bé Bình Minh (lớp Mầm 1) đã biết yêu cầu người lớn dừng lại khi thấy đèn đỏ bật lên ở ngã tư. Chứng kiến đôi mắt thán phục của các bạn khi nhìn thấy mẹ làm bánh phục linh, bạn Hoàng Minh (lớp Lá 3) tự hào khoe mẹ mình là một thợ làm bánh.

Cô Bảo Hạnh nói: “Mục đích ban đầu của trường là làm sao để trẻ được tiếp xúc, được va chạm, tham gia những việc đâu đó người lớn làm. Thông qua hoạt động này, nhà trường không chỉ mong các con bước đầu nhận biết đặc trưng các ngành nghề khác nhau, mà còn bộc lộ cảm xúc yêu quý, thái độ trân trọng đối với mọi ngành nghề trong xã hội”. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI