Thật ra, chuyện đan móc ngày nay khác nhiều, đã thành một thú thư giãn của giới văn phòng, mà sản phẩm không chỉ là áo mà còn là búp bê, bông hoa, hay một món đồ chơi xinh xắn nào đó bằng len...
|
Nhờ mạng xã hội, việc đan móc chưa bao giờ dễ đến thế. |
Thư giãn cùng len
Những ngày cuối tuần, quán Sợi Bông (151/4 Võ Văn Tần, P.6, Q.3, TP.HCM) gần như không còn chỗ trống.
Từng nhóm chị em vừa tám chuyện, vừa chia sẻ thú vui đan móc. Khoe “tác phẩm” là đôi giày em bé xinh xinh, chị Nguyễn Kha Ly (26 tuổi, nhân viên kinh doanh) hào hứng: “Từ nhỏ thấy bà và mẹ hay đan áo tôi đã mê lắm rồi; nhưng việc học rồi việc làm chiếm hết thời gian nên vẫn chưa có dịp làm quen với que đan, cây móc. Tình cờ được bạn bè rủ tới đây cà phê, thấy các chị đan thích quá nên xin… thử; rồi “kết” luôn tới giờ”.
|
Túi xách “hàng hiệu” với len. |
Sản phẩm ở Sợi Bông rất đa dạng, từ áo, khăn, mũ, vớ đến túi xách, đồ chơi trẻ em… Chị Minh Nhị (Q.3, TP.HCM) tay đan miệng nói: “Ở nhà ngồi đan một mình cũng buồn. Ra quán có chị có em để cùng chia sẻ kiểu đan mới, tay nghề lên thấy rõ”.
Thú vị ở chỗ, quán không chỉ là điểm hẹn của các chị em mà nam giới cũng thường lui tới vì thích những món nữ công này.
Tại Nhà văn hóa Phụ Nữ TP.HCM các lớp đan móc lúc nào cũng kín học viên. Học viên được hướng dẫn nhiều mẹo để khắc phục những sai sót mà hầu như ai cũng mắc phải khi bước vào thế giới đan len.
Học viên Lê Thị Thắm tâm sự: “Lên mạng thấy những con thú bông bằng len tôi rất thích. Tìm hỏi bạn bè, tôi đến nhà văn hóa “tầm sư”. Lúc đầu chỉ nghĩ làm thử cho biết, không ngờ mê mẩn luôn. Thật không thể tin là tôi cũng làm được như thế chỉ sau một tháng học nghề”.
|
Những món đồ chơi len đã xuất ngoại. |
HAME là một hội đan móc khá đông thành viên, hoạt động sôi nổi trên facebook, luôn sẵn sàng hướng dẫn tận tình cho người mới làm quen với que đan.
Chị Võ Thị Hương Thủy (30 tuổi, kế toán) thổ lộ: “Cái thú của đan móc là có thể tạo ra mọi thứ mình thích, từ những món đồ trang trí nhà cửa, đồ chơi, quà lưu niệm, đến cả hình ảnh “người thương”. Một món quà tặng ai đó từ len do chính tay mình làm sẽ gửi gắm được nhiều tình cảm hơn đến người nhận”.
Theo các “tín đồ” của len, nếu đã biết các bước cơ bản, bạn có thể lên mạng tìm bảng chart (bảng hướng dẫn) rồi tự làm. Tất nhiên, bạn phải biết phân biệt các sợi len, chức năng của từng dụng cụ, cách phối màu…
Đồ chơi len vượt ra ngoài biên giới
Tâm huyết với sợi len, Nguyễn Thị Mỹ Nga (27 tuổi) - người sáng lập chuỗi cửa hàng đồ chơi Wowlen, đã đưa mặt hàng này ra nước ngoài như Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Singapore.
“Có con nhỏ nên mình luôn muốn tìm những món đồ chơi an toàn cho con. Tình cờ, mình phát hiện ra búp bê len, thử tập làm rồi… ghiền luôn” - Nga kể.
|
Quán Sợi Bông là điểm hẹn của nhiều chị em thích đan móc. |
Đồ chơi len do Nga làm ra hướng đến tính ứng dụng cao như trò chơi nhận dạng màu sắc, âm thanh; búp bê len có thể thay quần áo được…
“Mình muốn tạo ra những sản phẩm len khác hẳn những gì từng có trước đó; đặc biệt là chất liệu sợi len, bông phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Vì vậy, mình đã đưa sản phẩm đi kiểm tra theo chuẩn an toàn của châu Âu. Từ đó, đã đưa được sản phẩm đến thị trường nhiều nước” - Nga tâm sự.
Cũng nhờ “say” len, chị Hoàng Thị Kim Thoa (35 tuổi, tư vấn bảo hiểm) đã có thêm thu nhập vài triệu đồng/tháng.
“Tôi khoe trên facebook kiểu áo crop-top đan từ sợi charme hoặc sợi cotton VN 2mm. Nhiều bạn rất thích, đã đặt mua và hỏi cách làm… Để có sản phẩm này, tôi sử dụng kim móc 2,5 cho sợi charme hoặc 2 cho sợi cotton VN. Chất liệu này không gây nóng, thích hợp cho những người theo phong cách boho hay rock chic. Bạn cũng có thể đan bikini đi bơi, chỉ cần dùng len alize bella của Nga, hoặc len cotton của Nhật, kim móc 1,76, lót mút bikini và kim khâu len, có dây buộc tự điều chỉnh. Sản phẩm này đang bán rất chạy, tôi làm không kịp yêu cầu của khách. Mệt nhưng vui và thích lắm” - chị Thoa phấn khởi.
Tự học hoặc đi học ở thầy cô đều được, nhưng nếu muốn chinh phục thú chơi này, bạn phải kiên trì. Để hoàn thành một con thú len cao khoảng 30cm, bạn phải mất đến… nửa tháng.
Ngoài việc phải biết đọc bảng chart, người làm còn phải có kinh nghiệm mới có thể điểm mắt, ráp thêm áo quần, nối tay chân và nhồi bông cho thú len cân đối và sinh động. Biết kỹ thuật rồi còn phải biết chọn len và biết kim đan phù hợp với từng mẫu hình.
Chị Đinh Thị Tuyết Đào – Giám đốc Công ty TNHH Phước Đào (Q.7) gắn với kim đan từ nhỏ nên nghề đan móc như đã ăn vào máu thịt. Chị cho biết: “Không chỉ mở thường xuyên các khóa học, mình còn sáng tạo đủ thứ từ len như túi xách, trang sức, đồ bơi… sao cho hợp với xu hướng mới của thị trường. Hãy chơi với len, bạn sẽ đem được cả thế giới vào nhà chỉ bằng những sợi len”.
Gần đây, những người yêu len còn rộ lên việc sáng tạo những túi xách có mẫu mã giống sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Hermes, Gucci hay Dior. Các mẫu túi này đều có bảng chart trên mạng, chỉ cần thích là bạn có thể sở hữu ngay một chiếc túi “hàng hiệu” có một không hai, do chính tay mình thực hiện.
Bạn còn có thể sáng tạo thêm bằng cách đính thêm hoa, thêu họa tiết hoặc móc thêm phụ kiện gỗ, kim loại, phối thêm da thuộc để tạo sự khác biệt. Sẽ rất thú vị!
Học đan móc ở đâu?
- Nhà văn hóa Phụ Nữ TP.HCM
(188-192-194 Lý Chính Thắng, P.9, Q.3, TP.HCM).
- Lớp học của anh Đỗ Hoàng Quang (386/12 Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3, TP.HCM).
- Tự học trên YouTube, tham gia Hội HAME đan móc trên facebook hoặc trên trang hame.vn. |
Phúc Hưng