Bước tới phía sau mình

22/02/2019 - 10:00

PNO - Đọc 'Phơi cơn mưa lên chiều' của Nguyễn Ngọc Hạnh (nhà xuất bản Hội Nhà văn), ta phát hiện một số trạng huống vừa giả định vừa hiện thể, những cặp đối lập được tác giả bày ra để chất vấn chính mình.

Đọc Phơi cơn mưa lên chiều của Nguyễn Ngọc Hạnh (nhà xuất bản Hội Nhà văn), ta phát hiện một số trạng huống vừa giả định vừa hiện thể, những cặp đối lập được tác giả bày ra để chất vấn chính mình (cũng là bạn đọc), thay lời phát ngôn về sự tồn tại của kiếp người, tình yêu, về danh lợi, về có - không giữa cuộc đời.

Khi tuổi sắp về chiều, mới nhận ra “Tóc bạc rồi, cha ơi quá muộn/ con giật mình nước mắt lại trào lên” (Cha). Tóc bạc rồi mà vẫn chưa nhận ra “Giữa đời này đâu thực đâu mơ/ Con cứ mãi rơi như giọt lệ” (Chiều cuối năm viếng mộ con). Có phải “Khi cơn bão đi qua trong tâm hồn/ Con người sẽ hiểu hơn về sự tồn tại của những u mê” (Cơn lũ), mới hiểu tường tận ngọn nguồn “Giữa khoảng cách không lời/ Sấp ngửa/ Giữa thấp hèn và điều cao cả/ Phút giây này còn lại gì đây” (Khoa ơi). Mà, quả thật điều ấy đâu dễ dàng, nhà thơ phải đánh đổi bằng chính nỗi đau của đời mình, “Để có được những ngày tĩnh lặng/ Thì sá gì giông tố, biển ơi”…

Buoc toi phia sau minh

Tôi có cảm giác, sự chông chênh, hụt hẫng, những giả định lẫn thực tế cay đắng mà nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã phơi bày từ trái tim mình, không cần che giấu, cũng chẳng nhiều lời; bởi “Giữa đời này đâu thực đâu mê/ Kẻ thức sớm thương người dậy muộn/ Ai chẳng trót đã vay từ số phận/ Nợ trăm năm chưa trả hết vui buồn”, bởi “Chân dò chưa hết nông sâu/ Đã quay lại với nhịp cầu chông chênh/ Sắc, không chân bước gập ghềnh/ Cõi mơ hồ ấy buồn tênh phận mình”, bởi một đời “Chân vấp phù sinh/ Vết sẹo còn lưu trong ngực áo”...

Đặt ra như thế cũng chẳng để làm gì, khi đối diện với giấc mơ đời hư ảo. Nguyễn Ngọc Hạnh nói ra, không phải bằng tiếng hét nặng trịch trọng âm, mà bằng tiếng rạn vỡ nhỏ mà buốt xót:

chiêm bao
mà ngỡ như đời thật
cũng đầy buồn vui, nhiều nước mắt
cũng lắm vinh quang và bao điều ô nhục
nỗi đau y hệt đời thường”
(Chiêm bao)

Anh nặng lòng với làng quê, cây cỏ bên con sông Vu Gia đầu nguồn, đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ. “Đêm xa làng/ Đong đầy nước mắt/ Đâu biết lòng mẹ đau như cắt/ Cứ lơ ngơ nhớ đàn trâu mỗi lúc chiều về/ Cứ nhớ hoài tiếng chim dồng dộc hót/ Nơi cổng làng trước phút xa quê”. Nhiều câu thơ hay, lạ trong cái nhìn về mẹ, về giấc mơ đẫm mùi quê. Có đứa con nào trót làm thơ mà không nhớ làng, nhớ mẹ: “Bất chợt nhớ ngày xưa đến lạ/ Mơ được một lần làm mẹ để sinh con”. Tôi chưa từng nghe gã đàn ông nào mơ như thế cả. Ước mong báo đền ơn sinh thành không toại thì khao khát này cũng đỡ đần được ít nhiều cho nhà thơ tư cách làm con. Chắc chắn, đây là hai câu thơ mà người đọc sẽ nhớ lâu dài.

Khi đã chạm tới não nề của cuộc bon chen này, dẫu không muốn cũng bị cuốn đi, chỗ dựa cuối cùng chính là ký ức tuổi thơ, nơi mình đã chào đời, góp mặt trong cuộc phù sinh dâu bể. Có phải vì thế mà trong thơ anh bàng bạc nỗi làng, những cặp đăng đối tự vấn khi đứng trước bao la, trước cái chết thì nó lại lòi ra gót chân Asin của chàng. Anh trong làng không còn nguyên thể.

Làng, hay là mẹ, đã mất, nhưng vẫn còn nguyên, bởi đền đài có thể tàn lụi, nhưng nỗi nhớ thì không bao giờ. Nó gây hấn với chính anh, khi anh “tậu” được sự chiêm nghiệm phù hoa của danh lợi phiền nhiễu thì ác nghiệt thay, nó quần lại, bắt anh trả lời và chịu trận. Nói anh thấy, ngửi, sờ được hư vô thì không sai, nhưng rõ ràng là Nguyễn Ngọc Hạnh đã cựa quậy, vùng vẫy trong phân vân, bởi giá như thấy sớm thì đã không trót buồn.

Buoc toi phia sau minh

Tỉnh ra thì đã muộn màng” (Nguyễn Du). Chính vì lận lưng được chút vốn chơi khăm giữa cõi sinh trần cát bụi, Nguyễn Ngọc Hạnh không cần làm điệu, lên gân, mà cứ trút hết, “phơi” hết nỗi lòng, không cần làm mới cấu trúc, cách tân hiện đại... Triết lý tiếc nuối cay đắng đến xót lòng, đồng thời tỏ bày một quan niệm sống, theo tôi rõ nhất trong bài Khoa ơi. Điều cao đẹp, không dễ dàng theo kịp đâu. Vì thế, gián tiếp, nó là câu trả lời cho hành xử hiện tại, khi mọi thứ trong chớp mắt sẽ về với hư vô, có khi đó cũng là cuộc chơi đầy thú vị.

“Khi chạm gót nẻo đời vô ngã/ Là tôi bước tới phía sau mình”. “Bước tới phía sau” cũng là điều mới lạ, “Bước tới hay là đang trở lại/ Mà sao chân cứ vấp u mê”. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có “đồ nghề” này, nên đáng tin. Phơi hết cho chiều, khi cuối đường là tắt nắng, không thật thì cũng lụi tàn, nên tiếc chi. Phân vân mà như thế, cũng đáng, bởi ba phần tư trái đất ngập tràn nước mắt, chia sẻ được chút tình giằng níu bản ngã, căn gốc và hành trình, là quý rồi, chứ chơi toàn công án thì mệt nhoài… 

Lê Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI