Bước tiến mới từ bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

15/02/2025 - 06:05

PNO - Cuối năm 2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ký quyết định ban hành bộ chuẩn phát triển trẻ em từ 60-71 tháng tuổi với nhiều điểm mới so với bộ chuẩn được công bố năm 2010. Bộ chuẩn mới giúp trẻ 5 tuổi có nền tảng cơ bản về thể chất, tình cảm, giao tiếp, nhận thức… để phát triển toàn diện trong tương lai.

Các chỉ số rõ ràng, cụ thể hơn

Trong buổi học đầu năm 2025, những tấm bảng giấy in hình đồng hồ được bày sẵn trên bàn học của học sinh lớp Lá 2, Trường mầm non Tân Phong, quận 7, TPHCM. Sau khi tập trung trẻ, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền - giáo viên chủ nhiệm lớp kiêm khối trưởng chuyên môn của trường - lần lượt giới thiệu về kim giờ, kim phút và dạy trẻ cách đọc giờ theo vị trí của kim. Sau đó, cô trò cùng nhau nhận diện các khung giờ khác nhau được in trên giấy.

Giáo viên Trường mầm non Tân Phong, quận 7, TPHCM dựa trên bộ chuẩn mới để tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi cho trẻ 5 tuổi - ẢNH: T.T.
Giáo viên Trường mầm non Tân Phong, quận 7, TPHCM dựa trên bộ chuẩn mới để tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi cho trẻ 5 tuổi - Ảnh: T.T.

Hoạt động này diễn ra trong khoảng 25 phút và kết thúc khi trẻ ghi nhớ được các khung giờ cơ bản. Trong cả ngày hôm đó, trước mỗi hoạt động khác nhau, cô giáo đều cho trẻ xem lại thời gian trên đồng hồ để trẻ ghi nhớ kỹ hơn. Đây là hoạt động thuộc lĩnh vực phát triển nhận thức trong bộ chuẩn mới về phát triển trẻ em 5 tuổi. Trong bộ chuẩn cũ, hoạt động này thuộc chỉ số 1 của chuẩn 25 (nói được ngày trên lốc lịch và giờ trên đồng hồ), còn trong bộ chuẩn mới, hoạt động này thuộc chỉ số 49 của chuẩn 26 (xác định giờ đúng trên đồng hồ).

Theo cô Thanh Huyền, so với bộ chuẩn cũ, bộ chuẩn mới có nhiều điểm mới, như tách “thẩm mỹ” thành lĩnh vực riêng, bổ sung lĩnh vực “tiếp cận với việc học” và công nghệ số. Bộ chuẩn mới có các chuẩn về nhận biết và thể hiện kỹ năng phù hợp khi tiếp cận công nghệ số, sử dụng một số thiết bị công nghệ số an toàn, đúng cách, kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày theo các bước đơn giản khi tiếp cận công nghệ số. Trong lĩnh vực “tiếp cận với việc học”, trẻ được hướng dẫn làm việc nhóm, hợp tác với trẻ khác với các tiêu chí đánh giá cụ thể qua các hoạt động thực tế trong lớp học và ngoài giờ.

Ông Hà Thanh Hải - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 7 - so sánh, bộ chuẩn mới có 6 lĩnh vực, tăng 1 lĩnh vực so với trước nhưng lại giảm từ 120 chỉ số xuống còn 70 chỉ số. Dù giảm, những chỉ số này lại được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Phòng GD-ĐT quận đã chuyển bộ chuẩn mới cho các trường để thầy cô nghiên cứu. Tất cả giáo viên mầm non - nhất là giáo viên lớp Lá - phải nắm rõ bộ chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Ông nói: “Bộ chuẩn này là thang đo đã được nghiên cứu nhưng giáo viên không phải làm theo một cách cứng nhắc. Giáo viên phải nắm được thực tế để tìm ra giải pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tốt hơn, như khen ngợi những trẻ có khả năng vượt trội, khuyến khích và hỗ trợ những trẻ tiếp thu chậm”.

Giúp trẻ vững vàng bước vào lớp Một

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 12, TPHCM - nhận định, việc ban hành bộ chuẩn mới là rất cần thiết vì bộ chuẩn cũ đã có từ lâu đời. Bộ chuẩn mới giúp định hướng cho giáo dục phát triển toàn diện trẻ em mầm non giai đoạn 10 đến 15 năm sau. Thời gian tới, khi áp dụng bộ chuẩn mới, các trường mầm non, giáo viên được quyền linh hoạt bổ sung, điều chỉnh chương trình dạy theo phương châm “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Trong đó, đảm bảo chương trình phù hợp với từng trẻ trong lớp và điều kiện của từng trường.

Học sinh lớp Lá 2, Trường mầm non Tân Phong, quận 7, TPHCM học cách đọc giờ trên đồng hồ kim
Học sinh lớp Lá 2, Trường mầm non Tân Phong, quận 7, TPHCM học cách đọc giờ trên đồng hồ kim

Phòng GD-ĐT quận 4, TPHCM đang nghiên cứu các chỉ số của bộ chuẩn mới, chọn ra những chỉ số có thể áp dụng được ngay cho một số trường lớn, trường trọng điểm. Bà Trần Ngọc Thanh Tâm - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 4 - cho biết, qua thực tế áp dụng, giáo viên có phản hồi rất tích cực về bộ chuẩn mới. Khi có hướng dẫn chính thức từ sở, phòng sẽ triển khai thực hiện bộ chuẩn mới cho mọi cơ sở giáo dục mầm non (GDMN).

Bà Phạm Bảo Hạnh - Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Phong, quận 7 - cho hay, mỗi tuần, giáo viên chọn thực hiện vài chỉ số trong bộ chuẩn. Các hoạt động giáo dục trẻ đều lấy trẻ làm trung tâm, giúp trẻ phát triển nhận thức một cách tự nhiên và không cảm thấy nhàm chán với giờ học. Ví dụ, với chỉ số “giúp trẻ biết tránh xa nơi nguy hiểm”, cô giáo có thể dùng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo hình trên máy tính cảnh các bé vui chơi ở lòng đường; học sinh xem thì đánh dấu chéo vào hành vi sai và đưa ra hướng giải quyết. Giáo viên cũng đưa các tình huống giáo dục lên các kênh thông tin để phụ huynh cùng trẻ vui học tại nhà.

Để áp dụng bộ chuẩn đạt hiệu quả cao, cô Thanh Huyền mong phụ huynh thường xuyên theo dõi các hoạt động, chương trình giáo dục trẻ qua bảng thông báo, góc tuyên truyền, tin nhắn kèm hình ảnh, video trên nhóm Zalo của lớp và hỗ trợ con em mình đạt được các chỉ số trong bộ chuẩn. Theo cô, chỉ khi phụ huynh và giáo viên chung sức thì việc chăm sóc, giáo dục trẻ mới đạt hiệu quả cao nhất.

Các em học sinh Trường mầm non Nam Sài Gòn, quận 7, TPHCM  tham gia các hoạt động tìm hiểu thiên nhiên và môi trường
Các em học sinh Trường mầm non Nam Sài Gòn, quận 7, TPHCM tham gia các hoạt động tìm hiểu thiên nhiên và môi trường

Bà Phạm Bảo Hạnh nhận định, bộ chuẩn mới là khung cơ bản để giáo viên soạn thảo chương trình, kế hoạch giảng dạy và là công cụ hữu ích để đánh giá kết quả học tập của trẻ. Khi thực hiện tốt các chỉ số trong bộ chuẩn và chương trình giáo dục, trẻ sẽ có được nền tảng cơ bản để vững vàng bước vào lớp Một.

Khởi đầu của chương trình giáo dục mầm non mới

Ngày 27/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký Quyết định số 4222 về việc ban hành bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi (từ 60-71 tháng), có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế cho bộ chuẩn được công bố năm 2010. Bộ chuẩn mới gồm 22 chuẩn, 70 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực: thể chất, tình cảm và xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức, thẩm mỹ, tiếp cận với việc học.

Theo bộ chuẩn mới, năng lực thể chất của trẻ được phản ánh qua sức khỏe thể chất, các kỹ năng vận động, sự hiểu biết và thực hành dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn. Năng lực tình cảm và xã hội được phản ánh qua khả năng nhận thức về bản thân và các mối quan hệ xã hội. Năng lực ngôn ngữ và giao tiếp được phản ánh qua khả năng nghe hiểu, biểu đạt thông tin và sẵn sàng cho việc học đọc, học viết. Năng lực nhận thức được phản ánh qua mức độ hiểu biết và kỹ năng tư duy, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết một số vấn đề đơn giản trong cuộc sống hằng ngày. Năng lực thẩm mỹ được phản ánh qua mức độ cảm thụ cái đẹp và dùng phương tiện nghệ thuật để thể hiện cảm xúc, sự hiểu biết và sáng tạo của bản thân. Năng lực tiếp cận với việc học được thể hiện qua sự tự chủ với việc học, cách tự giải quyết các vấn đề đơn giản trong cuộc sống.

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là bước chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình GDMN mới. Theo dự thảo tờ trình của Bộ GD-ĐT về việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình GDMN, từ năm học 2025-2026 đến năm học 2027-2028, ngành GD-ĐT sẽ thí điểm áp dụng chương trình GDMN mới ở một số cơ sở GDMN để áp dụng trên cả nước từ năm học 2029-2030. Mục tiêu của việc đổi mới chương trình GDMN là chuẩn bị nền tảng toàn diện cho trẻ sẵn sàng vào lớp Một và phát triển toàn diện trẻ em, từ đó hình thành, phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.

Không gây áp lực lên giáo viên và học sinh

Bộ GD-ĐT sẽ sớm ra văn bản hướng dẫn cách sử dụng bộ chuẩn mới về phát triển trẻ em 5 tuổi. Khi có hướng dẫn, sở sẽ chuyển ngay cho các phòng GD-ĐT, các trường mầm non để biết cách vận hành bộ chuẩn song song chương trình GDMN.

Hiện tại, các trường có thể chủ động vận dụng theo cách của mình nếu thấy phù hợp nhưng không nên đánh giá trẻ theo bộ chuẩn một cách cứng nhắc mà nên để giáo viên, phụ huynh căn cứ vào đó để thay đổi, đưa ra những nội dung hỗ trợ, giáo dục trẻ phù hợp. Cán bộ quản lý cũng không nên đặt áp lực cho giáo viên mà cần dựa theo bộ chuẩn để xác định các lớp thực hiện bộ chuẩn như thế nào, có phù hợp chưa.

Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM

Cho trẻ hành trang “tiền tiểu học” cần thiết

Trước khi vào lớp Một, trẻ cần có các kỹ năng, sự chuẩn bị cần thiết để chuyển đổi sang môi trường mới với cách thức học khác biệt. Ở bậc mầm non, trẻ đến trường chủ yếu để sinh hoạt, vui chơi có nền nếp, còn khi lên tiểu học, trẻ phải học nhiều môn. Ở bậc mầm non, trẻ được nhiều cô giáo chăm sóc, hướng dẫn kỹ lưỡng thì khi lên tiểu học, mỗi năm, trẻ chỉ được 1 cô giáo dạy và quản lý. Do đó, ngoài các kỹ năng về toán, ngôn ngữ, hiểu biết về môi trường xung quanh, trẻ cần có kỹ năng tự phục vụ và các kỹ năng cơ bản như ngồi vào bàn, cầm bút, làm theo hướng dẫn.

Trước khi trẻ vào lớp Lá, nhà trường nên có đánh giá sơ bộ về trẻ. Trong năm học, thấy trẻ còn thiếu kỹ năng “tiền tiểu học” nào, giáo viên nên chủ động trao đổi với phụ huynh để họ rèn thêm cho con ở nhà. Nếu trường thực hiện tốt chương trình giáo dục cho trẻ lớp Lá thì trẻ không cần học thêm trước khi vào lớp Một.

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền

Giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn

Cuối năm 2024, báo cáo trong phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về chiến lược “Đổi mới, phát triển GDMN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, ngành GDMN vẫn còn nhiều khó khăn: mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ; năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở GDMN còn hạn chế; hệ thống trường mầm non công lập chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ, hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt là những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Ở các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở GDMN độc lập với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, chất lượng chưa bảo đảm; giáo viên mầm non bỏ việc nhiều, giáo viên mầm non có thu nhập thấp nhất nhưng lại chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày dài nhất trong các cấp học. Kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDMN rất hạn chế; chưa có bất kỳ đề án, dự án nào có đủ kinh phí để xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn, vẫn còn 40,9% trẻ em ở vùng khó khăn chưa được tiếp cận với GDMN…

Theo bà, từ đây đến năm 2030, GDMN tập trung vào 3 mục tiêu, gồm đổi mới chương trình GDMN theo tiếp cận năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em, dựa trên trục tình cảm - xã hội phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi và sự phát triển toàn diện của trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam; tăng cơ hội tiếp cận GDMN có chất lượng cho trẻ em mầm non thông qua việc phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo, nâng cao cơ hội tiếp cận và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nhà trẻ và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở GDMN; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư, coi trọng phát triển giáo dục hòa nhập và vấn đề công bằng trong xây dựng, triển khai các chính sách nhà nước dựa trên quyền và lợi ích của trẻ em.

Uông Ngọc

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI