Bước tiến mới của thời trang ngoại cỡ

26/09/2021 - 07:43

PNO - Thị trường may mặc quốc tế đang không ngừng đa dạng hóa, nhất là trước chủ đề hình thể. Tuy nhiên, giữa bối cảnh vốn đã có thể mở ra vô vàn cơ hội đổi mới, vì sao nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu vẫn chưa phát triển đúng cách dòng thời trang ngoại cỡ?

Nhà văn và blogger thời trang Cece Olisa - một nhà vận động tiêu biểu của phong trào Tích cực hóa tư duy hình thể (Body positivity) tại Mỹ hiện nay - luôn trông rạng rỡ với đa dạng thiết kế đầm, váy nữ tính cũng như áo liền quần, đồ jeans năng động. Dẫu vậy, Olisa thừa nhận rằng nếu không trực tiếp làm việc trong ngành mốt, phần đông phụ nữ có ngoại hình đẫy đà như cô thường gặp khó khăn khi muốn tìm trang phục phù hợp.

Một thiết kế của thương hiệu M.M. LaFleur trên website của Dia&Co - ẢNH: WWD
Một thiết kế của thương hiệu M.M. LaFleur trên website của Dia&Co - ẢNH: WWD

“Bài đăng Instagram giới thiệu một mẫu áo mới tôi mặc thu hút hàng trăm lượt tin nhắn. Nhiều người hỏi tôi mua áo ở đâu nhưng điều ít người biết là tôi phải mất cả năm để tìm ra thiết kế ưng ý đó. Cỡ áo của tôi là 18 (size XL) và tôi may mắn khoác vừa nó. Mẫu áo không có size lớn hơn dành cho phụ nữ ngoại cỡ. Đây chính là một nỗi trăn trở đáng buồn không chỉ của riêng tôi” - Olisa chia sẻ trên tạp chí WWD.

Thực trạng

Olisa nhấn mạnh: “Sau khi giảm cân từ size 28 xuống 18, tôi nhận ra cỡ quần áo càng thu nhỏ, lựa chọn thời trang dành cho tôi càng nhiều. Phái đẹp nên được thoải mái thể hiện con người, cá tính qua trang phục. Nhưng ngay lúc này, thật khó để thuyết phục phụ nữ ngoại cỡ tự tin mua sắm mọi thứ họ muốn. Đơn giản vì chưa có nhiều nguồn cung khiến họ an tâm”.

Theo số liệu thống kê từ NPD Group - một công ty nghiên cứu thị trường uy tín của Mỹ - thị trường thời trang ngoại cỡ có giá trị ước tính 114 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng doanh thu ngành thời trang nữ tại Mỹ. Một năm trở lại đây, phân khúc sản phẩm may mặc này tiếp tục cho thấy sức tăng trưởng ổn định. Tính đa sắc thái ở ngành công nghiệp thời trang dẫu đang hiện diện bao trùm không phải luôn mang nghĩa tích cực. Minh chứng là đến nay vẫn chưa tồn tại tiêu chuẩn nhất quán nào để xác định các số đo ngoại cỡ. Hầu hết các công ty, hãng mốt có thói quen tự thiết lập bảng hướng dẫn kích cỡ quần áo của riêng họ. Không chỉ người có thân hình mũm mĩm, phụ nữ cao, gầy, thấp bé cũng dễ rơi vào tình trạng hoang mang khi muốn tìm trang phục vừa vặn vóc dáng.  

Một bộ trang phục của thương hiệu Henning dành cho người ngoại cỡ ẢNH: VOGUE
Một bộ trang phục của thương hiệu Henning dành cho người ngoại cỡ ẢNH: VOGUE

Thế nhưng, vấn đề tiềm ẩn lớn nhất nằm ở việc thiếu hụt chọn lựa cho người tiêu dùng. Đây là đánh giá của Lauren Chan, Giám đốc sáng lập thương hiệu thời trang ngoại cỡ Henning (New York). “Phụ nữ ngoại cỡ thường vất vả hơn khi cần sắm quần áo. Từ kiểu dáng đến kích cỡ, màu sắc, chúng tôi lắm lúc phải mua kiểu góp nhặt, mỗi nơi một ít. Đây là lý do tôi muốn tạo nên một thương hiệu mang lại sự lựa chọn đầy đủ, toàn diện dành cho phụ nữ ngoại cỡ”. 

Olisa, blogger giàu kinh nghiệm về tư vấn thời trang, tin rằng xu hướng đánh giá khách hàng có phần lỗi thời của không ít công ty đang góp phần gây nên bất cập. “Chẳng hạn, khi một thiết kế phù hợp với người thân hình chuẩn bán chạy, các hãng mốt thường chỉ tập trung bổ sung mặt hàng sẵn có để tăng nhanh lợi nhuận. Họ hiếm khi mở rộng nhóm đối tượng khách hàng. Phụ nữ ngoại cỡ, vì lẽ đó, hay bị bỏ ngoài rìa” - cô nói. 

“Vài năm trở lại đây, phong trào nữ quyền giúp thúc đẩy sự phát triển của dòng thời trang ngoại cỡ. Thế nhưng, ngành may mặc toàn cầu còn rất nhiều điều cần cải thiện” - Liz Muñoz, giám đốc điều hành Torrid - công ty bán lẻ thời trang và phụ kiện cho phụ nữ ngoại cỡ, bày tỏ.

Tôn trọng khác biệt ngoại hình

Đối lập với thiên kiến bảo thủ nơi một số hãng mốt (từ chối nhìn nhận vị thế của dòng thời trang ngoại cỡ), vẫn có không ít thương hiệu đang chọn hướng tiếp cận tích cực hơn trước vấn đề đa dạng hình thể. Ở khu vực Bắc Mỹ hiện nay, Athleta, Dia&Co. và PSKCollective là vài đại diện nổi bật thuộc nhóm các nhà bán lẻ đã nỗ lực đổi mới bằng cách mở rộng chọn lựa kích cỡ cho khách hàng.

Trang phục của thương hiệu BAACAL - ẢNH: REFINERY29
Trang phục của thương hiệu BAACAL - ẢNH: REFINERY29

Thương hiệu nội y ThirdLove và hãng đồ thể thao Superfit Hero thậm chí bỏ hẳn bảng kích cỡ truyền thống lẫn việc phân loại sản phẩm may mặc theo size thường thấy ở phần lớn đơn vị bán lẻ. Họ mong muốn giảm tải áp lực về số đo với khách hàng đến mua sắm trực tiếp cũng như qua internet. 

Nữ doanh nhân Heidi Zak, nhà đồng sáng lập ThirdLove, tiết lộ các cửa hàng đại lý của hãng không được phân bổ không gian bày bán dựa trên tiêu chí kích cỡ sản phẩm. Bà nói: “Chúng tôi muốn tạo ra những địa chỉ mua sắm không gây sức ép về số đo ngoại hình. Mỗi bộ sưu tập có thiết kế đặc sắc cùng kích cỡ đa dạng nhưng được bài trí hài hòa cạnh nhau. Cảm nhận hợp nhất ấy sẽ không khiến bạn thấy ngại ngùng khi muốn tìm size phù hợp với vóc dáng riêng”.

Mẫu đầm midi thu 2021  từ nhà bán lẻ Dia&Co  ẢNH: SHOPDIA
Mẫu đầm midi thu 2021 từ nhà bán lẻ Dia&Co ẢNH: SHOPDIA

Đề cử đáng hoan nghênh khác trong việc xây dựng tư duy đa dạng hình thể là Aerie, thương hiệu nội y và đồ bơi trực thuộc công ty thời trang danh tiếng American Eagle Outfitters. Khởi động chiến dịch quảng bá AerieReal mới đây, với thông điệp đề cao mọi số đo và khác biệt ngoại hình, hãng đã gặt hái hơn 1 tỷ USD doanh thu trong quý gần nhất. 

Làn sóng hưởng ứng ngày càng tăng đối với dòng thời trang ngoại cỡ giúp tái khẳng định dấu ấn vì nữ quyền vốn dĩ cần được phát huy tốt hơn nơi làng mốt quốc tế. “Chúng tôi muốn vinh danh vẻ đẹp chân thật của phụ nữ hiện đại. Bên cạnh đó, thời trang nên là cầu nối khích lệ phái đẹp thêm yêu đời, mạnh mẽ, tự tin vào chính mình” - Jennifer Foyle, Giám đốc thương hiệu Aerie, cho biết.

ThirdLove mang đến nhiều sự lựa chọn nội y phong phú về kích cỡ - Ảnh: WWD
ThirdLove mang đến nhiều sự lựa chọn nội y phong phú về kích cỡ - Ảnh: WWD

Trong giới tạo mẫu chuyên nghiệp, Christian Siriano từng thành danh khi thử sức ở thị trường thời trang ngoại cỡ. Năm 2018, nhà thiết kế trẻ đã nhân ba tổng lợi nhuận thương hiệu từ khi ra mắt thêm series trang phục ngoại cỡ. Ở thị phần thời trang may sẵn, Dia&Co - doanh nghiệp bán lẻ quần áo ngoại cỡ được yêu thích tại Bắc Mỹ, đang tiếp tục vững bước phát triển. Trang web của hãng vừa bổ sung thêm mặt hàng đồ bơi và nội y với đa dạng số đo.   

Dẫu sẽ cần thêm thời gian để hóa giải định kiến ngoại hình trong ngành may mặc, sức hút dòng thời trang ngoại cỡ tạo ra lúc này biểu thị cho khát khao đổi mới của không ít thương hiệu và nhà thiết kế đương đại. Lauren Chan, biên tập viên thời trang kiêm giám đốc sáng lập Henning, bày tỏ: “Khách hàng nữ, nhất là phụ nữ ngoại cỡ, đang muốn thấy những người mẫu có ngoại hình đa dạng, quảng bá trang phục đa dạng hơn về kích cỡ. Từng là người mẫu ngoại cỡ, tôi luôn đồng cảm với ước muốn ấy. Chúng tôi đã bị đặt ngoài rìa quá lâu”. 

Như Ý (theo WWD)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI