Bước tiến của cộng đồng LGBT châu Á

23/09/2024 - 17:07

PNO - Cộng đồng LGBT+ trên khắp châu Á đã xem động thái hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới của Thái Lan là một dấu hiệu đáng khích lệ.

Tháng Sáu vừa qua, tại khu mua sắm Siam đông đúc của Bangkok, Thái Lan, những lá cờ cầu vồng tung bay trong gió khi các đôi đồng tính nam và đồng tính nữ nắm tay nhau đi dọc các lối đi. Đó là ngày Thượng viện Thái Lan thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân, cộng đồng LGBTQ+ nước này đã xuống đường ăn mừng.

Luật mới của Thái Lan vẫn cần có sự chấp thuận của nhà vua nhưng dự kiến ​​sẽ sớm được thông qua, mở đường cho Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới (trước đó, tại châu Á có Đài Loan - Trung Quốc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2019; Nepal vào năm 2023).

Theo nhiều chuyên gia xã hội học, làn sóng tiến bộ về bình đẳng hôn nhân ở châu Á có thể dừng lại ở đó, vì hiện ít có chính phủ nào khác trong khu vực có khả năng thông qua luật này trong thời gian tới.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), hiện có hơn 30 khu vực pháp lý trên toàn thế giới công nhận hôn nhân đồng giới. “Dù có một số chiến thắng mang tính lịch sử trong khu vực, những người LGBTQ+ trên khắp châu Á vẫn tiếp tục bị phủ nhận” - Nadia Rahman - cố vấn chính sách của Tổ chức Ân xá quốc tế - cho biết.

Bà nói thêm rằng, người từ các cộng đồng này phải đối mặt với “sự hình sự hóa, đe dọa bắt giữ, phân biệt đối xử, giám sát kỹ thuật số, quấy rối, lạm dụng trực tuyến, kỳ thị và bạo lực”.

Nhiều người thuộc cộng đồng LGBT+ diễu hành tại Bangkok Pride Parade ở Thái Lan  vào ngày 1/6/2024 - ẢNH: PEERAPON BOONYAKIAT (Getty Images)
Nhiều người thuộc cộng đồng LGBT+ diễu hành tại Bangkok Pride Parade ở Thái Lan vào ngày 1/6/2024 - ẢNH: PEERAPON BOONYAKIAT (Getty Images)

Một số nước đã chứng kiến ​​những chiến thắng từng phần cho quyền của cộng đồng LGBTQ+. Chẳng hạn ở Nhật Bản, vào đầu tháng Bảy, tòa án cấp cao Hiroshima đã chấp thuận yêu cầu của một phụ nữ chuyển giới muốn thay đổi tình trạng giới tính của mình mà không cần phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Một số chính quyền địa phương, bao gồm cả Tokyo, đã cấp giấy chứng nhận công nhận mối quan hệ đồng giới trên thực tế cho các mục đích hành chính, chẳng hạn như trợ cấp nhà ở. Tuy vậy, ở cấp độ quốc gia, Nhật Bản không công nhận hôn nhân đồng giới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, có tới 68% người lớn ở Nhật Bản ủng hộ hôn nhân đồng giới, đây là tỉ lệ cao nhất ở châu Á. Hàn Quốc cũng có một số tiến bộ. Tòa án tối cao của quốc gia này đã ra phán quyết vào tháng trước rằng các cặp đôi đồng giới nên được hưởng quyền lợi của vợ/chồng từ bảo hiểm y tế quốc gia.

Giáo sư Peter Newman - Khoa Công tác xã hội của Đại học Toronto, Canada - cho biết: dù tình hình đang được cải thiện ở châu Á, sự tiến triển vẫn chưa đồng đều. “Ở ít nhất 6 quốc gia châu Á, quan hệ thân mật và tình dục đồng giới vẫn bị coi là tội phạm. Ngay cả ở những nơi mà hôn nhân đồng giới đã được hợp pháp hóa vẫn tồn tại nhiều thách thức từ nạn bắt nạt ở trường học đến nơi làm việc cho đến sự kỳ thị trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe” - ông nói.

Dù vậy, cộng đồng LGBT+ trên khắp châu Á đã xem động thái hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới của Thái Lan là một dấu hiệu đáng khích lệ.

Trọng Trí (theo CNN, Strait Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI