Bước qua nỗi đau mất người thân

29/07/2024 - 06:39

PNO - Hơn 10 năm kể từ ngày bố mẹ rời đi, có những đêm tôi vẫn thảng thốt sau giấc mơ ngọt lành: bố mẹ còn ở bên cạnh tôi.

Thỉnh thoảng bắt gặp avatar của bạn bè để nền hình đen, bên dưới là những comment chia buồn, không hiểu sao bao nhiêu ngôn từ trong tôi chẳng thể bật ra dễ dàng với bạn, dù tận sâu trong lòng rất thấu hiểu nỗi đau mất mát người thân mà bạn đang phải trải qua.

Tôi nếm trải 2 lần mất đi 2 người thân yêu nhất cuộc đời mình: bố và mẹ. Ngày bố mất, các anh chị em ôm lấy nhau trong nỗi sẻ chia chẳng thể thốt thành lời. Chúng tôi tự dặn lòng mình cần mạnh mẽ đối diện và vượt qua nỗi đau này, dành sự quan tâm hơn cho mẹ. Đó cũng là cách để bản thân mỗi người không phải nặng lòng áy náy vì những điều chưa kịp làm cho bố. Nhưng rồi, ngày mẹ mất vẫn để lại khoảng trống chẳng thể nào bù đắp trong lòng anh chị em tôi. Khi ấy, chị Hai tôi đã ngoài 50, bình thường chị mạnh mẽ bao nhiêu, vậy mà trong đám tang mẹ, chị vẫn bật khóc như trẻ thơ.

Tôi nhận ra, nỗi đau mất mát người thân chẳng phải như những cú sốc tưởng to tát trong đời, để rút kinh nghiệm, để thích nghi được.

Chấp nhận nỗi đau chính là cách để bản thân sớm vượt qua (ảnh minh họa)
Chấp nhận nỗi đau chính là cách để bản thân sớm vượt qua (ảnh minh họa)

Điều sai lầm nhất với tôi là khi ấy, đó là tôi mong chờ sự thấu hiểu của bạn bè chung quanh. Trong khi, bạn bè đều chưa trải qua nỗi đau ấy. Vì vậy mà càng mong chờ càng thêm đau lòng. Có những lời an ủi thốt ra thà không nghe còn hơn. Lần ấy, tôi nhớ cô bạn thân nhất chứng kiến sự ủ ê quá lâu của tôi, thốt ra ngôn từ có phần hời hợt: “Ai rồi chẳng chết”. Có phải càng thân thiết, càng dễ cứa vào lòng nhau cho vết thương thêm sâu? Trong nỗi đau mất đi người thân yêu, tôi còn đối diện với nỗi thất vọng không hề nhỏ.

Nỗi đau đó không tính ngày, tính tháng để nhẹ nhàng hơn, mà ta còn phải đối diện với những dịp quan trọng như lễ tết, ngày sum họp gia đình. Chẳng thể nào quen ngay với việc thiếu vắng đi mẹ, cha. Cứ tưởng chia sẻ ra sẽ nhẹ lòng, nhưng rồi tôi tiếp tục nhận lại “gáo nước lạnh” theo kiểu: “Tết mình cũng đâu có về mẹ”. Tôi bật ngửa, không tin được đứa bạn mình từng chuyên ngành đào tạo tâm lý ra. Việc không về với mẹ và không còn mẹ khác nhau nhiều lắm chứ?

Thật lâu sau đó tôi mới nhận ra, khi chưa trải qua nỗi đau, họ sẽ chẳng thể nào có sự thấu hiểu cho người khác được. Chưa kể, có khi cùng nỗi đau nhưng vẫn nặng, nhẹ khác nhau, phụ thuộc vào sức chịu đựng, hoàn cảnh của mỗi người. Như các anh chị tôi khi ấy đều đã có gia đình riêng, ai cũng tất bật mưu sinh nên chẳng ủ ê ngày nọ qua ngày kia như tôi. Vậy nên không thể nào có một đáp án chung cho mọi người được. Chẳng phải ở một thời điểm nào đó, chính mình cũng thốt ra những câu từ hời hợt như vậy khi chia buồn với người đối diện?

Tự tìm nguồn vui sống cho mình, bắt đầu bằng hoạt động thể chất lành mạnh (ảnh minh họa)
Tự tìm nguồn vui sống cho mình, bắt đầu bằng hoạt động thể chất lành mạnh (ảnh minh họa)

Tôi nhận ra bước qua nỗi đau cũng là bài học mà mỗi người đều phải tự mình vượt qua. Có như vậy, khi nhìn lại mới thấy mình đã trưởng thành hơn, cứng cỏi hơn để không còn nao núng với bất cứ thử thách nào trong cuộc đời.

Tự bước qua nỗi đau bằng cách dần chấp nhận sự thật. Đó cũng là bước sau cùng trong 5 bước mà nhà tâm lý học Kubler Ross nghiên cứu và chứng minh. 5 giai đoạn được tác giả đưa ra dựa trên nghiên cứu đó là: Chối bỏ - bạn không chấp nhận được sự thật này; Giận giữ - bạn trút nỗi buồn đau của mình theo hình thức nào đó; Hứa hẹn - bạn đang cố gắng bình tâm để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn; Buồn bã - bạn không còn thiết tha gì khi nhận ra chẳng cách nào để người thân mình trở lại; Chấp nhận - bạn đã dần bước qua nỗi đau, biết sống cho hiện tại, biết trân trọng cuộc sống.

Có người mất vài tháng, có người mất vài năm và có người lâu hơn nữa để chấp nhận rằng người thân mình đã rời xa.

Với tôi, đã hơn 10 năm kể từ ngày bố mẹ rời đi, có những đêm tôi vẫn thảng thốt sau giấc mơ ngọt lành: bố mẹ còn ở bên cạnh tôi. Để tỉnh giấc là nỗi ngậm ngùi khi đối diện sự thật. Những lúc như vậy, tôi lại nhìn lên bàn thờ bố mẹ mình, tin rằng người cũng đang dõi theo tôi mỗi ngày, mong tôi sống an vui mỗi ngày.

Vậy tại sao tôi lại chọn im lặng thay cho ngôn từ sẻ chia? Tôi cũng không rõ, có lẽ chỉ vì ý nghĩ những ngôn từ trở nên quá bé mọn so với nỗi đau mà người trong cuộc đang mang, nên tôi chọn im lặng. Nhưng trong lòng tôi gửi những niệm lành, mong bạn sớm bước qua nỗi đau để tiếp tục hành trình cuộc đời mình.

An Na

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Thu Nga 30-07-2024 12:51:10

    Bạn cố gắng lên bạn nhe, tôi đã từng trải qua mất mát và hiểu rằng chỉ những ai trong hoàn cảnh ấy mới hiểu bạn a, nên tốt nhất là tự mình phải chấp nhận sự thật và tin rằng trong tim mình luôn có hình bóng của người thân để cố gắng sống tốt bạn nhe! Thương bạn nhiều!

  • Trâm Anh 29-07-2024 10:15:22

    Tôi thấu hiểu nỗi đau mất người thân của tác giả. 18 năm trước ông nội tôi cũng rời tôi và gia đình về miền cực lạc, nỗi đau mất người thân ấy đã theo tôi trong suốt chặng đường qua để rồi mỗi khi nhìn thấy hình ảnh thân quen hoặc nghĩ đến là nước mắt tuôn rơi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI