Nên duyên nhờ đọc sách
Sau khi ly hôn, anh Trung từ Đức về Việt Nam thăm cha mẹ già sau nhiều năm xa cách. Lang thang trên Facebook, anh biết đến Anh Đào và những cuốn sách của cô. Đó là thời gian Anh Đào vừa ra cuốn sách Tiếng đàn khuyết.
Vốn là người mê đọc, lại thấy cô nhà văn có lối viết lạ lạ, anh đặt mua sách. Thay vì chuyển tiền vào tài khoản, anh bắt xe đi thẳng từ Nha Trang lên Đắk Lắk gặp Đào. Cuộc gặp gỡ bên ly cà phê ngắn ngủi ấy đã bắt đầu một tình bạn giữa hai người hiểu chuyện và chân thành. Lúc đó, Đào thấy anh và cô có một khoảng cách khá xa, từ tuổi tác cho đến hoàn cảnh sống.
Một lần trò chuyện trên Facebook, anh nói với Đào rằng anh sẽ đi Canada, tạo dựng cuộc sống mới. Đào chẳng nghĩ gì nhiều, bởi anh chỉ là một người quen, gặp rồi đi, thế thôi. Nhưng sau hai tháng ở xứ người, thấy Facebook của Đào có dòng chữ “muốn được đưa bọn trẻ ra biển một lần”, anh ngạc nhiên và thương ba mẹ con. Một ước mơ quá giản đơn, sao lại quá khó, phải thu xếp? Vậy là anh đặt vé trở về nước một cách bí mật.
Năm 2016, khi ly hôn, để giành được quyền nuôi cả hai đứa con, Đào sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi từ cuộc hôn nhân trước. Các con cũng phải chịu sự thiếu thốn, khó khăn cùng với mẹ. Hè năm đó, Đào quyết định đưa con đi Quy Nhơn chơi, cho tụi nhỏ được một lần thấy biển.
Khi ba mẹ con sắp kết thúc chuyến đi, Đào nhận tin nhắn rằng anh đang ở Nha Trang. Anh mua vé xe cho cả ba mẹ con tiếp tục đi tắm biển Nha Trang.
Lần gặp thứ hai, Đào đã xác định tình cảm cô dành cho anh Trung khi nhìn cách anh chăm sóc bọn trẻ: “Tụi nó muốn điều gì mà anh làm được, anh cũng làm. Anh kiên nhẫn với tụi nhỏ còn hơn cả với mẹ”. Anh thuê phòng khách sạn có thể nhìn thẳng ra biển, thức dậy mở cửa đã thấy bình minh lên từ biển khiến bọn trẻ vô cùng thích thú. Nhìn anh, Đào nghĩ đến “ông Bụt” trong truyện cổ tích, người luôn thực hiện những ước ao của cô Tấm.
|
Anh Trung là "ông Bụt" của mẹ con chị Anh Đào |
Một sáng, anh đến khách sạn đưa mẹ con Đào đi chơi. Phòng của Đào trên tầng 5, anh dặn Đào cầm chìa khóa xe. Thế nhưng xuống đến tầng trệt, Đào tìm mãi không ra chìa khóa. Cô nói với anh: “Em quên”. Lúc anh chạy lên phòng tìm chìa khóa, Đào lại phát hiện nó trong túi. Đào lo lắm, hình dung là anh sẽ đi xuống với vẻ mặt khó chịu, hay giận dữ, hay ít ra cũng sẽ bị cằn nhằn… như cô từng chịu đựng ở cuộc hôn nhân trước. Thế nhưng khi xuống gặp cô, anh nở nụ cười hiền khô trên trán lấm tấm mồ hôi và nói: “Làm anh tìm muốn chết”. Giây phút đó khiến Đào hiểu được mình rất cần con người này.
Chuyện nhỏ thôi nhưng làm trái tim Đào tan chảy.
Giao cái bếp cho chồng
Từ ngày Đào và các con gặp anh ở Nha Trang, tới khi họ quyết định về sống chung một nhà là hơn một năm. Hơn một năm của những chọn lựa, băn khoăn, suy nghĩ, quyết định. Lúc đầu, Đào tính theo anh về Nha Trang. Nhưng các con đã quen với khí hậu núi rừng mát mẻ. Cuối cùng, cô nói với anh: “Ba mẹ con em khó thay đổi cuộc sống. Anh xách túi đến với mẹ con em thì dễ hơn. Sau này, nếu có chuyện gì, không sống được, anh xách cái túi đi, cũng đơn giản hơn”. Đào thương anh, nhưng trước tiên cô phải vì con đã. Anh hiểu và cuối năm 2017 anh xách túi lên sống với mẹ con Đào.
Thấy Đào lấy chồng Việt kiều, không ít người nghĩ cô chọn lựa vật chất. Thế nhưng Đào bảo: “Anh ấy có giàu đâu”. Sau cuộc ly hôn và trở về Việt Nam, anh làm nhiều việc để kiếm tiền. Thu nhập của anh cũng chỉ như một người bình thường ở Việt Nam. Điều khiến Đào thấy hạnh phúc, vui vẻ chính là tinh thần, là có người chia sẻ với Đào trong việc chăm sóc nhà cửa, con cái.
Đào khoe: “Tụi nhỏ nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc của ảnh còn hơn của người bố ruột. Thậm chí, có lúc còn hơn cả tôi”. Các con của anh Trung bên Đức đã trưởng thành nên anh có thời gian quan tâm cho con của Đào.
Điều khiến Đào phân vân trước kia, nay cũng trở thành một lợi thế: “ông Bụt” lớn tuổi, từng trải nên rất điềm đạm, nhẹ nhàng với vợ, với con. Đào có tức gì, bực gì, anh cũng tránh ra, để cho cô được hạ hỏa, rồi mới làm huề. Từng trải qua đổ vỡ của hôn nhân, cả anh và Đào đều có những kinh nghiệm “xương máu” để sống với nhau: tôn trọng nhau, tôn trọng sở thích của nhau, tôn trọng không gian sống riêng của nhau. Được sống cùng nhau là ở cạnh bên nhau, thoải mái bộc lộ bản chất con người của mình, không ai bị áp lực đòi hỏi nào từ người kia.
Anh Trung thích nấu ăn và nấu ăn ngon, khác hẳn Đào. Từ ngày có anh, Đào giao hẳn cái bếp cho anh. Các con được ba Trung nấu cho đủ thứ món ngon trên đời mà xưa giờ chúng chỉ mơ ước, từ món Tây đến món ta. Không chỉ là nấu ăn, anh còn “rủ rê” được các con gái Đào vào bếp trổ tài cùng ba. Cái cảnh cha con cùng nhồi bánh, nấu ăn, đùa vui rộn rã mà Đào chỉ từng thấy trên phim ảnh, giờ hiển hiện trước mắt.
Không chỉ nấu ăn, phụ giúp Đào sáng sáng, chiều chiều đưa đón con đi học, anh Trung còn là một người cha tâm lý. Đào kể, thường khi các con đi học về, chúng reo vang chào ba mẹ. Vậy nên khi có đứa vào tới nhà, buông cái cặp làu bàu câu chào lấy lệ là chiều hôm đó anh bỏ mọi việc, rủ con đi chơi, thủ thỉ với con xem nó có chuyện gì trong lớp.
Tình yêu rồi có thể phai nhạt hay trôi qua, cũng có thể bị chìm lấp trong những cảm xúc khác nhau của đời thường. Thế nhưng khi người này biết tôn trọng người kia, trân quý những điều tốt đẹp mà bạn đời đã làm cho mình thì hạnh phúc sẽ còn mãi.
Song Văn