Một đêm khuya, bạn tôi nhắn tin: “Đã đúng một tuần, ảnh vẫn không hề biết tao đang giận”. Trước đó, bạn liên tục kể bao biểu hiện vô tâm của chồng rồi chậc lưỡi “thất vọng”. Vì lâu rồi mải chăm con, lo kinh tế, bạn quá bận bịu để quan tâm đến cảm xúc của bản thân, trừ những lần thấy quá thất vọng về sự vô tâm của chồng. Nhưng cứ thất vọng rồi thôi, cuộc sống bận bịu và “mái ấm bình an” không cho phép bạn thể hiện, hay bày tỏ với chồng.
Tôi nhắn bạn, nếu thấy buồn thì hãy thả lỏng để mình được buồn đi. Chuyện vô tâm không dừng lại sau hai ngày bạn buồn bã. Tôi lại trả lời, nếu bạn thấy giận, hãy phát tín hiệu đến anh ấy. Và khuya hôm ấy, là đúng một tuần sau khi cô bạn của tôi “thực hành giận”, tức là không trò chuyện, không tương tác với chồng - sau ba năm trời làm một người vợ không hờn dỗi.
|
Nhà thơ Lê Minh Quốc, tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà và nhà báo Minh Đức cùng sự dẫn dắt của MC Huỳnh Giao đã luận bàn đầy lôi cuốn, thuyết phục về bình đẳng giới trong chương trình tối 4/3 - Ảnh: P.Huy |
Mồng Bốn tết vừa rồi, đón chị dâu họ ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi thấy chị khổ sở lếch thếch kéo xe hành lý ra, rồi như khuỵu xuống trong giàn giụa nước mắt khi vừa thấy tôi. Tôi nhanh chóng đưa chị ra bến xe Miền Tây như tính toán trước đó. Khi đã kịp leo lên chuyến xe về Bạc Liêu, chị vẫn chưa ngừng khóc. Ở bên kia hành trình, cha chị đang hấp hối.
Từ trước tết, chị đã giằng co giữa việc về Bạc Liêu hay về Quảng Nam. Ở Bạc Liêu lúc đó, cha ruột chị bệnh nặng. Ở Quảng Nam, cả nhà chồng chị đang chờ gia đình con trai và con dâu cả về cho cuộc sum họp duy nhất trong năm. Không chịu nổi những điều tiếng, trách cứ “có thể sẽ diễn ra” nếu không về làm nghĩa vụ của một cô dâu cả trong ngày tết, chị quyết định về Quảng Nam.
Hơn một tuần ở nhà chồng như sống trong địa ngục với những tin xấu về sức khỏe của cha. Đến mùng Bốn tết, chị quyết định một mình về Sài Gòn sớm hơn dự định để thăm cha. Nhưng có lẽ, chuyến về nhà đó vẫn chưa đủ sớm, nên chị mới lao đi trong cái dáng hình đau khổ ấy.
Những câu chuyện như thế chắc không lạ gì với những người từng ngồi xuống nghe tâm sự của những người phụ nữ. Chuyện “ăn tết quê nội hay quê ngoại” cứ đến hẹn lại xôn xao cả một cộng đồng. Nhiều nhãn hàng còn tranh thủ tâm tư của những nàng dâu phải miễn cưỡng về ăn tết nhà chồng mà làm những đoạn quảng cáo tạo tương tác khủng.
Người ta chảy nước mắt đồng cảm với những thiệt thòi của người phụ nữ. Mà trong sâu xa, cả xã hội như đang trắc ẩn với những ước muốn chưa bao giờ được đối diện, với cuộc trốn chạy cảm xúc, chà đạp tình cảm cá nhân của những người phụ nữ - để làm một người phụ nữ đúng mực.
Trong một cuộc bàn luận về “thuyết êm ấm” của một gia đình, một cô bạn “hai giỏi” của tôi kết luận: “Một mái nhà êm ấm luôn cần một người phụ nữ biết lùi. Giỏi hơn chồng cũng phải biết “giả dốt”. Cứ đứng sau, đứng dưới một chút, mình không mất gì, mà nhà cửa êm vui”.
Bài học này cũng có lạ gì đâu. Phụ nữ bấy lâu vẫn quen chỉ dạy nhau cách phủ nhận quan điểm, ý thức, hiểu biết của mình - để làm một người phụ nữ chuẩn mực. Tôi sực nghĩ, tất cả những động tác này, những “thực hành nữ tính” này - là gì, nếu không phải là những luyện tập giả dối? Họ phải làm sao cho phải thật khác mình đi, phải che đậy mình lại, phải thể hiện ra bên ngoài một cái tôi thật giống hình mẫu - bất kể mẫu hình ấy có trùng khít với những suy nghĩ chân thực của mình hay không.
Một mẫu hình nô lệ sự ấm êm - khi cắt bỏ mọi diễn biến cảm xúc để giữ hòa khí. Một hình mẫu tuyệt đối “tòng phu” - bất chấp những cuống cuồng riết róng trước lằn ranh tử biệt. Một hình mẫu “ngu và ngoan” - với những thể hiện tri thức luôn là một “con số bị trừ”, biết“tịnh tiến” theo đồ thị tri thức của người đàn ông bên mình.
Hơn 21g đêm qua, đài HTV9 phát chương trình kỷ niệm 8/3 của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM. Lúc nghe MC Huỳnh Giao đọc tên chương trình là “Bước qua cánh cửa” kèm theo lời dẫn “Bên kia cánh cửa, chưa hẳn mọi thứ đều đẹp đẽ, sáng sủa, hạnh phúc nhưng ít nhất một lần bạn dám thay đổi, để nhận diện về mình và những thứ quanh mình”, tôi như bị hút về hình dung những người phụ nữ chân thật.
Tất cả những định kiến kia, những rào cản kia, những gông cùm xiềng xích vô hình kia, đã dạy cho chúng ta “giả dối” bao lâu. Để rồi, ta chỉ yên tâm khi thấy mình đã thật tròn vai, rồi nhân danh sự tròn vai ấy mà phủi lấp những bất ổn, những sự mất cân bằng khác.
Suy cho cùng, người đàn ông có tự trọng nào cần nở mày nở mặt bên một người phụ nữ “giả ngu”? Một nền gia giáo nào cần một nàng dâu thăm nom trong miễn cưỡng, chịu đựng? Một sự yên ấm nào được định nghĩa bằng những hờn dỗi, thất vọng bị đè nén, phủ định, để rồi thất vọng chồng chất. Chịu đựng nối dài. Tệ hơn, trong một diễn biến rất liên quan khác, phụ nữ cùng với cả xã hội sẵn trắc ẩn - cứ thi nhau nhân danh sự chịu đựng ấy mà “đòi quyền”, đòi quan tâm.
Mấy ngày nay, chuyện nóng nhất trên những diễn đàn Eva có lẽ là chuyện về “cuộc chia tay thần thánh”, khi một cô gái bị người yêu chia tay chỉ vì “biết mặc quần lót ren”, “biết chủ động gần gũi”, “biết dùng nước hoa vùng kín”, “biết chăm chút cơ thể”. Chuyện không rõ thực hư, nhưng những cơn sóng bất bình của cộng đồng mạng là có thật. Nhiều bạn trẻ còn nhất quyết “trả đĩa bay” cho anh chàng kia về hành tinh của anh ấy.
Tôi nhìn thấy trong nỗi bức xúc tập thể này một phản ứng chung cho những định kiến về “người phụ nữ đích thực”, “người phụ nữ đoan trang” của xã hội, mà thường biểu hiện ở những người nam lạc hậu. Và trong biểu hiện cực đoan của dòng định kiến ấy, người phụ nữ bị trói buộc trong hình mẫu của cái “KHÔNG BIẾT”. Tội lỗi ở đây là (đã trót) BIẾT. Và cộng đồng mạng cũng không dưng mà vào cuộc.
Đôi khi mải “làm phụ nữ” mà ta bỏ quên hết những giá trị thiết thân khác, ta phi nhân văn và ta bất chấp cả cái trình tự của lương tri. Có rất nhiều định nghĩa về hạnh phúc, về một người phụ nữ hạnh phúc.
Nhưng ngay lúc này, tôi chỉ có một diễn giải và cũng là một mong ước cho hai chữ hạnh phúc của đàn bà xứ mình, đó là được toại nguyện những ước mong, được sống tự nhiên bằng tất cả những khát vọng, khác biệt và cả những cái bất toàn của mình.
|
Một nỗi ấm ức trong tiềm thức đã kết nối cái “nguyên tắc điên rồ như đến từ ngoài hành tinh” này đến những nguyên tắc mà họ phải chịu hoặc chứng kiến hằng ngày ở những người phụ nữ, mới sinh ra bức xúc dây chuyền đến thế. Định kiến phải “không biết”. Cụ thể ở đây là không biết làm tình. Rồi kết nối với những câu chuyện trên kia, là nguyên tắc “không biết giận”, “không biết nhiều hơn chồng”, “không biết vun vén cho cha mẹ ruột hơn là gia đình chồng”.
Ngoài những hệ lụy đã thấy trên kia, thì ở đây, từ câu chuyện tưởng điên rồ mang tên “lý do chia tay người yêu này”, bạn có thấy nó liên quan đến tầng tầng lớp lớp những thế hệ phụ nữ phải giả làm khúc gỗ trên giường, rồi lâu dần tự đồng hóa mình với “khúc gỗ”. Rồi mãi về sau, khi những cuộc kêu gọi, “khai sáng” dần dần nổ ra trên khắp hành tinh; những người phụ nữ xứ mình (và nhiều xứ khác) phải… học cách làm tình. Trong khi, đó từng, vốn và luôn luôn là chuyện bản năng.
Tôi thấy, hình ảnh một người phụ nữ chân thật đã dần bị phủ định, bị phôi pha đến tàn khốc suốt trăm năm bị thuần dưỡng và thực hành nữ tính của phụ nữ. Từ trước tết, người chị dâu họ đó đã tâm sự và xin tôi lời khuyên về dự định ăn tết của chị. Tôi nói chị nên về với cha. Bất kể chị có nghĩa vụ gì, thì chị cũng là một con người với một mong ước tha thiết nhất lúc này là được ở bên cha.
Chính chị đã tự dàn xếp rồi kết luận: “Từ khi mình là một phụ nữ trưởng thành, nhất là khi đã làm vợ, làm mẹ, thì mình không thể nói mình là con người tự do với tình cảm riêng của mình nữa em ạ. Có những nghĩa vụ là bắt buộc, mình không được lựa chọn”.
Cái đêm nhận được tin nhắn của bạn gái mình - cô bạn đã giận chồng suốt một tuần vẫn không đủ cho anh biết rằng, gia đình đang có vấn đề, tôi chỉ biết nhắn lại rằng: “Ảnh không nhận ra, thì mày phải nhận ra thôi”. Cái êm ấm được làm nên từ những nín nhịn, cam chịu bạn gồng gánh bấy lâu đã đến lúc được nhìn nhận chân thật là một sự êm ấm giả tạo. Và tôi tin, bạn mình, cũng như mọi người nữ, cần đủ dũng cảm để chạm đến được một sự êm ấm chân thật hơn.
Minh Trâm