Chị nằm im trên giường, chán nản nghe mẹ suy tính. Chị không còn muốn tính toán gì nữa. Những gì chị chứng kiến đã vượt quá sức chịu đựng. Giờ đây, khi nhắm nghiền mắt, chị vẫn có thể mường tượng rõ mồn một cảnh chồng mình dắt cô bé bụng mang dạ chửa đó về nhà. Cô bé giúp việc đột nhiên xin nghỉ để về quê, hóa ra là vì thế này đây.
Rồi giờ cô bé đó ngồi trước mặt chị, nước mắt ngắn dài, thú nhận rằng, bố mẹ nó ở quê xấu hổ mắng nhiếc, nó chịu không nổi điều tiếng nên lên lại thành phố “bắt vạ” chồng chị. Còn thủ phạm là người đàn ông từng thề nguyền chung thủy với vợ thì nhăn mặt nhíu mày như thể đó là câu chuyện của ai khác. Thái độ đó cho thấy lý do vì sao anh dám dẫn “bồ nhí” về nhà. Hẳn anh cho rằng, đây chỉ là một sự cố qua đường, anh tự tin rằng gắn kết vợ chồng đủ mạnh mẽ để chị “xí xóa” cho một lỗi lầm “bé tí”.
Quả vậy, anh thẳng thừng bàn với chị: “Con bé ấy chẳng là gì, miếng ăn lót tạm lúc đói lòng, em để ý làm gì. Nhưng bây giờ mà để nó đi lung tung ra ngoài thì mang tiếng, nên em cố gắng cho nó ở tạm, sinh xong nó cũng đem con gửi chùa nuôi rồi đi thôi. Anh sai, anh sẽ sửa. Anh không bao giờ làm em buồn phiền nữa đâu”. Chị nghe lùng bùng bên tai, như nghe được cả tiếng từng mảnh tim mình vỡ vụn. Lẽ nào đây là người chồng chị từng tự hào?
Mẹ chị muốn mọi thứ giải quyết êm xuôi, kín kẽ. Hôn nhân của chị, từ lâu, là niềm tự hào của gia đình - là thành tựu của chị và nỗ lực của bố mẹ hai bên. Mẹ không muốn chị phải chịu nỗi đau tan vỡ, đứt gánh giữa đường; cũng không phải mang tiếng có chồng ngoại tình. Mục tiêu ấy, vô tình, khiến bà đi cùng một hướng suy nghĩ như chồng chị. Chị nén thở dài, trở về nhà ngoại để tìm an ủi thì bên tai lại là những lời thủ thỉ khó chịu hệt như khi chị bỏ đi.
Cuộc sống diễn ra như nó vốn thế chứ không còn theo cách chị hay mẹ muốn. Lần đầu đối diện với một nỗi đau lớn, chị quýnh quáng gục ngã. Từng lời của chồng, của mẹ như lướt qua tai, không kéo chị lên được nữa. |
Chị không quen chịu áp lực, càng không quen đau khổ. Trong sự bảo bọc của gia đình, chị đã luôn là người phụ nữ vui vẻ và hạnh phúc. Vẻ ngoài ưa nhìn, việc học hành thuận lợi, công việc thăng tiến nhanh chóng đã cho chị sự hoan hỉ và tự tin để bước vào hôn nhân. Ở đó, chị tiếp tục miệt mài tô màu hồng hoàn hảo cho mọi thứ: những bữa ăn ngon, chuyến du lịch cuối năm, không khí gia đình vui vẻ, sinh con theo kế hoạch, “dự án” tích góp mua nhà nhanh chóng hoàn thành nhờ bố mẹ hai bên giúp đỡ...
Cái bụng bầu của cô bé giúp việc bất ngờ xuất hiện như một chấm đen to tướng trên bảng màu. Cách giải quyết trơ tráo của chồng khiến chấm đen ấy cứ loang mãi ra, lem luốc. Trong bốn năm sống cùng nhau, anh đã “lót tạm lúc đói lòng” bao lần?
|
Ảnh minh họa |
Chị cũng không có kinh nghiệm giải quyết những nỗi đau. Chị không thể nhìn “tình địch” trong nhà, nhưng chị càng không muốn xấu hổ với mọi người. Chị chỉ biết trốn chạy - về với mẹ, như xưa giờ. Nhìn dáng mẹ ngồi, cách mẹ nhăn trán, chị bỗng nhớ những năm tháng cũ. Ba năm cấp III, năm nào chị cũng bị “liệt” môn thể dục, nên không đủ chuẩn đạt danh hiệu học sinh giỏi - nỗi “nhục nhã” không chịu nổi với một đứa điểm cao nhất lớp. Chị òa khóc trong lòng mẹ. Mẹ xoa dịu chị bằng cách điện cho cô giáo chủ nhiệm, thế là vài ngày sau, điểm thể dục đã hết “liệt” một cách “không tì vết”. Chị vui ngay. Trong 30 năm vui vẻ của cuộc đời chị, không nhớ đã bao lần mẹ bảo bọc chị như thế, để chị không phải khổ sở, đau đớn hay buồn phiền vì bất cứ chuyện gì.
Giờ mẹ cũng thế, nhưng sao chị không vui được nữa. Làm sao chị có thể vui khi biết rõ bản chất dối trá trong cách gói cuộc hôn nhân của mình vào lớp vỏ hạnh phúc. Chị gọi điện cho một người bạn đã ly hôn, muốn hỏi xem đau đến thế nào thì có thể dứt bỏ, chấp nhận mình thua. Bạn cười, làm gì có thua hay thắng trong chuyện này, cũng chẳng có mức độ nào chung để nhận biết điểm dừng. Cái đau ly hôn chắc gì đã bằng nỗi đau giằng xé khi sống trong một hạnh phúc giả tạo.
Bằng cách né tránh những muộn phiền, chỉ đón nhận niềm vui, chị trở nên thật non nớt trong cuộc sống đa dạng này. Theo thời gian, chị biết ngày xưa không đạt học sinh giỏi thì cũng chẳng nhục nhã đến chết được đâu, thế mà ngày ấy không chịu nổi. Còn bây giờ, với chồng, chị có nhất thiết phải bám vào vì niềm tự hào đã lụi tàn? Hay cứ thử lao vào cơn đau đớn này xem sao? Biết đâu một điều gì đó ý nghĩa hơn sẽ bắt đầu. “Lạ lắm, mình tưởng đường cùng thì hóa ra là lối đi mày ạ. Chẳng đau như mày nghĩ đâu, bước qua bỗng dưng nhẹ bẫng mà” - bạn chị bảo thế.
Linh Lan