edf40wrjww2tblPage:Content
Điều đó không hề ngẫu nhiên.
Những ai từng theo dõi TTCBN mùa đầu tiên hẳn sẽ khó quên được cô gái mũm mĩm, lúc nào cũng tràn đầy sinh lực như thể cô sinh ra chỉ để nhảy múa và nếu không nhảy múa thì cô chẳng còn biết làm gì khác. Quả thế thật! Mến kể cô đến với nhảy một cách rất tình cờ: bạn rủ, vào mùa hè, năm cô 14 tuổi. Buổi học đầu tiên ở Nhà văn hóa (NVH) Thanh Niên, cô như bị hớp hồn, như thể đã tìm được một người bạn tri kỷ. Ngay sau giờ giải lao, Mến chuyển lên hàng đầu để được nhìn cô vũ sư rõ hơn, để không bỏ sót bất kỳ điều gì cô dạy.
“Học phí học nhảy ở NVH khi đó rẻ lắm - chỉ có 50.000đ, nhưng với em thì vẫn là một khoản tiền không nhỏ nên em phải học cho đàng hoàng” - Mến nói. Cũng nhờ hăng say tập luyện, chỉ sau một tháng, cô được chọn tham gia lớp đặc biệt - nhóm nhảy do chính cô giáo lập ra và đào tạo để trở thành những người dạy nhảy cho người khác. Thế là cô không còn phải xin tiền gia đình cho ước mơ được nhảy.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, khá nhiều lần Huỳnh Mến nhắc đến chuyện tiền nong bởi cô sinh ra trong một gia đình nghèo - rất nghèo ở Q.4, TP.HCM. Cả gia đình cô phải sống dưới gầm cầu thang, ở một chung cư cũ. Mẹ cô ngày ngày bán cơm tấm cho cư dân trong chung cư và cho học sinh tiểu học gần đó, tảo tần lo cho các con. Chẳng thế mà khi cô giáo dạy nhảy của Mến theo chồng, chuyển sang làm việc khác, Mến hụt hẫng một thời gian khá dài và mừng như bắt được vàng khi được tham gia vũ đoàn Bước nhảy - có thể tự kiếm sống bằng sức lao động của chính mình, với những vũ điệu mình yêu thích.
Thuở ấy ở Sài Gòn, ba vũ đoàn được xem là lớn nhất gồm Hoàng Thông, Bước nhảy, ABC nên trong mắt của nhiều người, Huỳnh Mến là một đẳng cấp. Thế nhưng đối với cô thì nhảy trong một vũ đoàn chưa phải là điểm dừng. Nghe tin chương trình SYTYCD đến Việt Nam, cô đăng ký dự thi vì muốn làm được một “cái gì đó” lớn lao hơn cho nghệ thuật múa.
Là thành viên của một vũ đoàn chuyên nghiệp, Mến dễ dàng vượt qua vòng loại rồi bán kết để góp mặt trong Top 20 và... bị loại ở Top 16. Sự thất bại của Mến khiến mọi người ngỡ ngàng, đến mức bạn nhảy của Mến - vũ công Nguyễn Phước Tư Duy, thành viên vũ đoàn Hoàng Thông - giơ tay xin ban giám khảo cho mình dừng cuộc chơi, kể cả khi kết quả của anh chưa được công bố. Trả lời về quyết định của mình sau đó, Tư Duy nhấn mạnh rằng Huỳnh Mến là một vũ công giỏi và việc cô bị loại là vì sự yếu kém của anh chứ không phải do cô.
Trên sân khấu, khi các vị giám khảo chấp thuận cho Tư Duy bỏ cuộc, Mến đã bước đến, khóc và ôm lấy Tư Duy. Họ dìu nhau vào hậu trường với lời hứa sẽ vẫn sống chết với nghệ thuật múa và sẽ vẫn cống hiến cho khán giả những bài nhảy tốt hơn, đẹp hơn, ở những sân khấu khác.
Dù bị loại khỏi SYTYCD, tài năng của Huỳnh Mến (và cả những vũ công khác từ chương trình) vẫn được thừa nhận. Ca sĩ Thanh Bùi đã mời Mến về giảng dạy tại trường của anh và hiện nay cô đang là vũ công trong vũ đoàn UDG của biên đạo “phù thủy” John Huy Trần, tiếp tục công việc dựng bài, dạy nhảy, kỹ năng biểu diễn cho các ca sĩ.
Từ cô bé 14 tuổi lần đầu tập nhảy đến vị trí hôm nay, Huỳnh Mến đã đi một đoạn đường rất dài và lắm chông gai. Vì yêu nhảy múa, cô đã quyết định lén gia đình thi vào trường múa thay vì thi đại học như bè bạn. Nhưng rồi vì cuộc sống khó khăn, cô bỏ dở việc học để đi nhảy kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cô lao vào nhảy và nhảy, liên tục nhận show, đến mức đồng nghiệp phải lên tiếng khuyên cô nên nhận ít show lại, kêu giá cao hơn để... người khác sống nữa. Cô thì bảo kiếm sống là một chuyện, chuyện lớn hơn là cô muốn được nhảy.
Bởi thế khi được giao tự biên đạo tiết mục của mình trong đêm Meet Top 10, cô lo lắng đến mất ăn mất ngủ, để cuối cùng quyết định mang chính câu chuyện của mình đưa lên sân khấu - sự dằn vặt giữa hai lựa chọn, tranh đấu với bản thân để theo đuổi đam mê. Tiết mục kết thúc, giữa những lời khen và những tràng pháo tay của khán giả, Huỳnh Mến ôm mặt khóc. Hỏi vì sao khóc, Mến thật thà: “Em không biết nữa. Chỉ biết là dứt tiết mục, mọi thứ trong em cứ như vỡ òa, giống như là “tôi là như vậy đó”; những gì em không thể nói được thì em nhảy, và nhảy để vượt qua những điều không vui em đang phải chịu trong thời gian này”.
Mến đã làm được “cái gì đó” cô từng mơ ước với nhảy múa. Vậy mà cô vẫn chưa thấy đủ. Cô biết, để thực hiện được giấc mơ của mình, cô phải trở lại trường múa để tiếp tục học tập, kể cả khi chỉ được theo hệ trung cấp vì đã bỏ học quá lâu. Kế hoạch là sau khi cô hoàn tất khóa học trung cấp, biên đạo Tuyết Minh sẽ giúp cô học liên thông và sau đó cô sẽ chuyên tâm theo nghiệp biên đạo.
Hỏi có bao giờ cô định sẽ lập vũ đoàn riêng, hay gần gũi hơn là có định giới thiệu đến công chúng những MV nhảy múa như cách vũ công Lâm Vinh Hải và Hồng Nhung thực hiện tác phẩm Cha mẹ không cho, hay như Quang Đăng vẫn thường giới thiệu những đoạn clip nhảy múa trên internet, Mến bảo cả hai cô đều không làm. Đối với Huỳnh Mến, một vũ đoàn như Arabesque hay đoàn Vũ kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) là một ước mơ quá xa tầm với.
Nói đến Arabesque và HBSO, mắt Mến sáng lên, cô bảo mỗi khi nhìn các vũ công ấy múa ballet, cô vừa mê mẩn vừa khâm phục, ước mình cũng múa được như vậy, nhưng cũng rất tỉnh táo biết rằng mình không thể. Cô cũng không muốn gò bó mình trong một thời lượng ngắn của một MV như Hải, như Đăng. Cô muốn những tiết mục múa dài hơn một MV, ngắn hơn một vở vũ kịch, vừa sức mình cả về chuyên môn và tài chính.
Hỏi chuyện riêng - về vùng đất cô sinh ra, về khả năng ra nước ngoài phát triển sự nghiệp, Mến trầm ngâm: “Sài Gòn đối với em giống như mẹ vậy - luôn luôn cưu mang, luôn luôn tha thứ. Dù em vẫn thường xuyên đi diễn đó đây, nhưng chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ rời bỏ Sài Gòn. Có quá nhiều thứ gắn em với nơi này”. Rồi cô mỉm cười: “Em yêu Sài Gòn cũng như yêu múa vậy”.
PHẠM THÀNH NHÂN